Dấu hiệu Mỹ và EU vẫn cần Nga

Liên tiếp đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga nhưng Mỹ và EU vẫn rất cần Nga.

Trong thông điệp năm mới gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở người Mỹ về “trách nhiệm mà Nga và Mỹ gánh vác để duy trì hoà bình và ổn định quốc tế”. Bởi thế, dù quan hệ hai nước trong năm 2014 được cho là không thể xấu hơn nhưng ngay trong ngày đầu tiên của năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine.

Lần gần đây nhất vào ngày 14/12, họ đã có cuộc gặp trực tiếp tại Italy và trao đổi hơn 3 giờ đồng hồ về một số vấn đề, trong đó có tình hình tại Ukraine và Syria.

Trong khi đó, theo Mỹ trừng phạt Nga, EU đã phải “méo mặt” vì cũng ngấm đòn từ các biện pháp trừng phạt này.

Ông Sergey Glazyev – cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga hồi tháng 11/2014 ước tính, các nước thành viên EU ó thể bị thiệt hại lên đến 1 ngàn tỉ euro (1,2 ngàn tỉ USD) nếu họ tiếp tục theo đuôi Mỹ trừng phạt Nga, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế. Trong số các nước châu Âu, Đức là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất bởi nước này xuất siêu sang Nga lớn nhất trong EU.

Viện kinh tế Ifo của Đức từng cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ bị chững lại trong năm nay vì gói biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Bởi thế, trong bài phát biểu tại nghị viện châu Âu hồi đầu tháng 10/2014, bà Federica Mogherini, đại diện chính sách Ngoại giao và An ninh châu Âu cho biết, EU cần phải đánh giá sâu sắc lại mối quan hệ với Nga trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Bà Federica Mogherini nói: “Chúng ta đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, Các hình thức trừng phạt đó có hiệu quả đối với kinh tế Nga không? Có, tôi nghĩ rằng nền kinh tế Nga đang bị tác động khá nhiều từ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng nếu hỏi các biện pháp đó có hiệu quả đối với các quyết định chính trị của Nga, thì đó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Và chính những người dân Ukraine cũng đang đặt câu hỏi về điều này khi mà họ vẫn đang tìm kiếm những giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”.

Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ý muốn đảm bảo an ninh châu Âu cùng với Nga. Bà cho rằng, châu Âu sẽ không thể và không chấp nhận “luật của kẻ mạnh” mà phớt lờ luật quốc tế. Bà nhấn mạnh, Đức mong muốn “một nền an ninh châu Âu hợp tác với Nga, chứ không phải chống lại Nga”.

Cũng theo Thủ tướng Đức, châu Âu “sẽ không cho phép Nga bất tôn trọng luật quốc tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Khải An (Báo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề