Dân binh biển – “công cụ” Trung Quốc dùng để bành trướng trên Biển Đông

Tờ National Interest ngày 6.5 có bài viết cảnh báo, tỉnh Hải Nam đang sử dụng ngành công nghiệp đánh bắt cá như một bệ phóng nhằm củng cố các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mục đích duy nhất: Bành trướng trên Biển Đông

Theo bài báo, đây chỉ là một trong những biện pháp, như tăng cường lực lượng thực thi luật hàng hải, gia tăng các biện pháp hành chính, bồi đắp đảo, phủ sóng mạng 3G… nhưng tất cả đều phục vụ một mục đích duy nhất là bành trướng trên Biển Đông. Ngành công nghiệp đánh bắt cá của Trung Quốc cùng đội tàu cá lớn nhất thế giới được xem là công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhất là từ khi Trung Quốc liên tục đòi hỏi yêu sách trên biển. Vai trò chiến lược và chính trị của đội tàu cá Trung Quốc đã được nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt khi nước này ngày càng mở rộng tổ chức bán quân sự tương đối rõ, đó là lực lượng dân quân biển.

Mặc dù Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt về lực lượng hải quân và tuần duyên trong những năm gần đây, song, dân quân biển vẫn tạo thành một “lực lượng không thể thay thế” trong các lực lượng vũ trang trên biển của Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng nỗ lực tổ chức, chuẩn hoá lực lượng này nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại chung. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm làng chài Đàm Môn (Hải Nam) vào tháng 4.2013 để “uý lạo” ngư dân và dân binh. Theo bài báo, mặc dù dân binh biển Đàm Môn chỉ là lực lượng tương đối nhỏ, song khả năng của lực lượng này đi tiên phong về kỹ thuật và hoạt động như hình mẫu cho hàng nghìn lực lượng dân binh biển khác dọc bờ biển Trung Quốc, kết hợp với các lực lượng chuyên nghiệp hơn – là điều không được bỏ qua.

Cớ triển khai lực lượng thực thi pháp luật trên biển

Chính quyền tỉnh Hải Nam đã chi rất nhiều tiền để xây dựng đội tàu đánh cá vỏ thép lớn hơn, được thiết kế có thể hoạt động dài ngày trong những điều kiện khắc nghiệt. Tính đến ngày 13.3.2015, làng Đàm Môn đã nhận tàu thứ 17 trong tổng số 29 tàu đánh cá vỏ thép có trọng lượng 500 tấn, được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc hàng hải công nghệ cao. Số tàu này đủ sức hoạt động trên biển trong nhiều tháng liên tục. Bài báo cho hay, tựu trung lại, chính quyền tỉnh Hải Nam đang gấp rút đẩy nhanh nỗ lực xây dựng làng Đàm Môn và nâng cấp đội tàu cá cùng khả năng của lực lượng dân quân biển, để bảo vệ “lãnh thổ xanh” của Trung Quốc. Họ liên tục lặp đi lặp lại khái niệm “ý thức lãnh thổ xanh”, ghi khắc vào đầu lực lượng dân binh Đàm Môn rằng, các vùng biển là ngư trường và tàu thuyền là nhà của họ – một tư tưởng kiểu du kích trong việc “đẩy lui các cuộc xâm nhập của nước ngoài”.

Tờ National Interest cảnh báo, sự hiện diện của lực lượng dân binh hoạt động như ngư dân khiến Trung Quốc có cớ triển khai lực lượng thực phi pháp luật trên biển để hỗ trợ và giám sát. Việc duy trì sự hiện diện bình thường của tàu cá là cái cớ để Trung Quốc kiểm soát hành chính ở những vùng biển tranh chấp, mà Trung Quốc tự cho là lãnh hải của mình. Dân binh biển Đàm Môn còn được biết đến với những “nỗ lực” xây dựng của mình tại quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Từ những năm 1990, ngư dân Đàm Môn đã hỗ trợ hải quân Trung Quốc bằng việc cung cấp 2,65 triệu tấn vật liệu xây dựng, gồm thép cây, bê tông và đá. Họ cũng thường xuyên tiếp tế thực phẩm, nước uống và đồ dùng thiết yếu cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú ở các đảo. Đội tàu cá Đàm Môn cũng là trợ thủ đắc lực giúp Trung Quốc âm thầm cải tạo, bồi đắp trên Biển Đông, trước khi nước này ngang nhiên khởi động các dự án cải tạo lớn từ năm 2013.

Bài báo kết luận, việc xây dựng làng chài Đàm Môn không chỉ giúp gia tăng danh tiếng và ảnh hưởng của ngôi làng này, mà quan trọng và có ý nghĩa bao quát hơn trong các vấn đề ở Biển Đông, đó sẽ là mô hình mẫu để các tỉnh khác áp dụng và noi theo. Sử dụng tuyên truyền chính trị và thuyết phục kinh tế, lực lượng dân binh biển trong ngành công nghiệp đánh bắt cá đang trở thành một công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại nhằm giúp Trung Quốc ngang nhiên khẳng định các yêu sách hiếu chiến của mình.


 

Mặc dù dân binh biển Đàm Môn chỉ là lực lượng tương đối nhỏ, song khả năng của lực lượng này đi tiên phong về kỹ thuật và hoạt động như hình mẫu cho hàng nghìn lực lượng dân binh biển khác dọc bờ biển Trung Quốc, kết hợp với các lực lượng chuyên nghiệp hơn – là điều không được bỏ qua.

Phương Nam (Theo Lao Động)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề