Cuộc xung đột tiềm tàng tại Bắc Cực

Trước đây, Bắc Cực từng là nơi được đánh giá sẽ diễn ra một cuộc tranh giành “êm ái” nhất trong lịch sử khi các bên chỉ sử dụng dữ liệu khoa học và hoạt động ngoại giao để phân chia một cách hòa bình vùng đất màu mỡ ở Bắc Băng Dương. Song quyết định đệ đơn lên Liên hiệp quốc (LHQ) xin mở rộng chủ quyền của Đan Mạch hồi tuần trước có thể thay đổi điều đó…

Trong văn bản chính thức ngày 15-12, đệ trình lên Ủy ban ranh giới và thềm lục địa của LHQ, Đan Mạch đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với phần diện tích 895.000 km2 của Bắc Băng Dương. Dựa trên công trình nghiên cứu khoa học tốn kém 64 triệu USD, phần nào được thực hiện chung với Canada, Đan Mạch khẳng định rằng Rặng Lomonosov là phần kéo dài của Greenland. Tuyên bố chủ quyền của Đan Mạch không chỉ chạm vào rìa đường biên giới Bắc Cực hiện nay của Nga, mà còn bao gồm các những khu vực đáy biển giàu tài nguyên mà trước đây Moscow đã tuyên bố chủ quyền.

Canada vẫn chưa hoàn tất tuyên bố chủ quyền cuối cùng đối với các khu vực Bắc Băng Dương hiện được coi là vùng biển quốc tế, mặc dù có những đồn đoán rằng Canada sẽ đòi chủ quyền đối với khu vực có diện tích 1,7 triệu km2 của Bắc Băng Dương, trong đó có Bắc Cực. Không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào cho thấy Canada có bất kỳ chủ quyền nào đối với Bắc Cực, song điều đó không ngăn Bộ trưởng Công dân và di trú Canada Chris Alexander cấp cho “ông già Noel” quy chế công dân Canada năm 2013. Một hành động nhằm ngầm khẳng định chủ quyền của Canada với Bắc Cực.

Các ước tính gần đây cho thấy trữ lượng dầu mỏ tại Bắc Băng Dương chiếm khoảng 13% tổng lượng dầu mỏ chưa được khai thác trên toàn cầu, còn trữ lượng khí đốt chiếm khoảng 30%. Ông Byers nhận xét rằng mặc dù kết quả nghiên cứu khoa học của Đan Mạch là chính xác về chuyên môn, song ông cho rằng Moscow sẽ phản ứng bằng việc đưa ra yêu cầu chủ quyền tương tự”.

Ông Joël Plouffe, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc phòng và ngoại giao Canada nhận xét tiến trình đăng ký chủ quyền tại LHQ sẽ tốn nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Với việc chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đan Mạch, việc đòi hỏi chủ quyền ngày 15-12 của nước này chỉ nhằm giành được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri tại quốc gia Bắc Âu này. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Martin Lidegaard đã gọi việc đòi hỏi chủ quyền tại LHQ là một “cột mốc lịch sử và quan trọng”, rằng việc mở rộng Vương quốc Đan Mạch tới Bắc Cực sẽ tăng cường “tiếng nói” của nước này trên thế giới.

Cách đây không lâu, mạng tin National Interest đã đăng bài phân tích cho rằng trong hai thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ không nhắm tới các khu vực biển lân cận mà sẽ đi tìm kiếm nguồn tài nguyên ở xa hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tìm đến một nơi xa xôi và khắc nghiệt hơn để thỏa mãn cơn khát tài nguyên thiên nhiên của họ. Đó là vùng vành đai Bắc Cực rộng lớn. Nằm trên rìa của vành đai này, Greenland là một trong những vùng lãnh thổ có trữ lượng đất hiếm dồi dào bậc nhất thế giới. Tới tháng 9-2030, thời điểm mà nhiều nhà khoa học tin là núi băng ở Cực Bắc sẽ tan chảy, khu vực này sẽ hé lộ một nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn. Tới thời điểm đó, một cuộc chơi lớn đang định hình có thể mở rộng khắp khu vực, trong đó Trung Quốc chắc chắn sẽ là một “tay chơi” chủ chốt.

Trung Quốc có kế hoạch chi 60 triệu USD mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực Trung Quốc-Bắc Âu, mới được thành lập ở Thượng Hải. Cam kết thực hiện nhiệm vụ cứu hộ ở Bắc Cực cũng đã giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc.

Các sự kiện gần đây trên thế giới cũng diễn biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chơi lớn ở Bắc Cực ngày càng lộ rõ. Có vẻ như Nga sẽ tiếp tục bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này sẽ có tác động lớn đối với vị trí của Nga ở Bắc Cực và nảy sinh nhu cầu đối tác cùng Trung Quốc.

Có thể nói cuộc chơi lớn tại vành đai Bắc Cực chỉ mới bắt đầu. Hiện nay, cuộc chơi này sẽ tiếp tục được định hình bởi các sự kiện còn cách xa núi băng vùng Cực Bắc. Nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Phương Tây cần nhận ra tham vọng của Trung Quốc. Vùng Viễn Bắc có thể không còn lạnh mãi mãi.

Nguồn: Pháp luật & Xã hội


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề