Bắc cực “thùng thuốc nổ” mới trong mối quan hệ Nga, NATO

Việc Nga đẩy mạnh thực hiện chiến lược mới về phát triển quân sự và kinh tế của mình tại khu vực phía Bắc, đã biến Bắc Cực trở thành “thùng thuốc nổ” mới nằm bên ngoài châu Âu trong cuộc đối đầu quan hệ Nga, NATO.

Vào đầu năm nay, chính phủ Moscow đã công bố kế hoạch xây dựng và nâng cấp các căn cứ quân sự của Nga tại Bắc Cực, nhằm tăng cường an ninh tại khu vực biên giới phía Bắc. Trong đó, bao gồm việc xây dựng 10 trạm radar, 13 sân bay và một trung tâm huấn luyện quân sự.

Năm 2015, Nga dự kiến sẽ tiếp tục chế tạo 5 tàu phá băng cỡ lớn và tập trận thả dù cho lính dù tại địa điểm này. Ngoài ra, thông tin gần đây còn cho thấy Nga đang xúc tiến quá trình thành lập một bộ mới để giám sát các hoạt động tại lãnh thổ Bắc Cực của nước này.

Quá trình đẩy mạnh quân sự của Nga diễn ra trong thời điểm mà Mỹ sẽ chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn tập trung vào các vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và phúc lợi cho người dân bản địa. Điều này, đặt Mỹ vào vị trí đặc biệt khi phải tham gia thúc đẩy và tạo điều kiện hợp tác với các quốc gia tại Bắc Cực, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động mở rộng quân sự của Nga.

Một quan chức NATO tại Brussels cho biết tầm quan trọng của Hội đồng Bắc Cực là các vấn đề về môi trường và xã hội, chứ không phải quan hệ quốc phòng. Tuy nhiên, ông cho rằng NATO sẽ không để bất cứ quốc gia nào thực hiện hành động đe dọa đến các nước khác.

“Các quốc gia của Hội đồng Bắc Cực đã xây dựng một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc hợp tác, hơn là đối đầu. Tuy nhiên, NATO sẽ chịu trách nhiệm cho sự an toàn của tất cả các thành viên nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh đến từ đâu,” ông nói.

Về phía mình, Moscow tuyên bố các hoạt động gần đây chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích an ninh của Nga tại khu vực. Giải thích cho lý do phát triển lực lượng hải quân ở Bắc Cực, Nga cho rằng mục đích chính là để đáp trả các hành động đáng lo ngại từ phương Tây, khi NATO đang sử dụng mọi tiềm năng để đe dọa Nga, như thắt chặt quan hệ giữa các đồng minh hay tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời việc phát triển hải quân giúp Nga kiểm soát khu vực bờ biển rộng lớn ở phía bắc.

“Tình hình tan băng tại Bắc Cực chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển của vận tải biển, thương mại hàng hải và hoạt động khai thác dầu khí. Việc này sẽ kéo theo các mối nguy an ninh tiềm tàng không chỉ cho Nga mà còn cho tất cả các quốc gia giáp Bắc Cực như cướp biển, khủng bố tấn công tàu hay vận chuyển vũ khí bất hợp pháp”, Pavel Gudev, tiến sĩ Học viện Quan hệ kinh tế thế giới và quốc tế (IMEMO) cho biết.

Ngoài ra, còn có ba mục tiêu mà Nga đang muốn đạt được tại Bắc Cực. Một là giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ tại Bắc Cực của Liên Xô trước đây. Hai là đảm bảo các quyền tự do di chuyển của Hạm đội Biển Bắc đang đóng tại Bắc Băng Dương và cuối cùng là Nga muốn duy tri khả năng sử dụng các tuyến đường biển ở Bắc Cực để liên kết hoạt động vận tải trong nước.

Tuy nhiên, các mục tiêu này của Nga đã kích động phản ứng tiêu cực từ phương Tây. Mục tiêu chính của phương Tây là tước quyền kiểm soát của Moscow tại Bắc Cực, do đó Mỹ đã cố gắng hạn chế khả năng và triệt để giới hạn vùng nước để buộc Nga trở về bờ biển của mình.

“Thùng thuốc nổ” Bắc Cực đang thực sự trở thành mối lo cho thế giới, sau những xung đột gần đây trong quan hệ Nga, NATO về vấn đề Ukraine, nếu không có các biện pháp giảm “nhiệt” giữa hai bên thì những mâu thuẫn tiềm tàng tại Bắc Cực sớm muộn sẽ trở thành mối nguy mới cho an ninh nhân loại.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề