“Nguyên trạng” trên Biển Đông là một khái niệm khó nắm bắt mà gần như không thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ
Khi các tranh chấp trên biển ở Đông Á tiếp tục sôi sục, mối lo ngại về “nguyên trạng” đang nổi lên như một thành phần chủ yếu trong các chính sách chính thức của nhiều nước trên Biển Đông. Điều này đã đặt ra một số câu hỏi đáng được suy xét một cách thận trọng. Từ khi nào và làm thế nào thuật ngữ này đã trở nên nổi bật? Nguyên trạng tại Biển Đông chính xác là gì? Làm thế nào thuật ngữ này được sử dụng trong thực tế, và nó hữu ích ra sao liên quan đến các tranh chấp này?
Sự mơ hồ chung chung của thuật ngữ này – đơn giản có nghĩa là “tình hình hiện tại” – có thể khiến nó trở nên hấp dẫn đối với những người thực hành ngoại giao, nhưng sự thiếu rõ ràng đã hạn chế tính hữu dụng của nó như một công cụ phân tích. Rắc rối hơn, là một thuật ngữ mang tính bao trùm như vậy, việc sử dụng nó như một tiêu chuẩn quy phạm sẽ không tránh khỏi có chọn lọc, dẫn đến những mâu thuẫn có nguy cơ gây ra hiểu lầm và ngờ vực. Trừ phi được sử dụng cẩn trọng và có sắc thái, đó là một thuật ngữ có khả năng làm suy yếu thay vì củng cố một “trật tự dựa trên luật lệ” ở châu Á biển.
Quan điểm của Mỹ về các tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, như Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và các quan chức khác thường nhắc lại trong những tháng gần đây, là Mỹ phản đối những thay đổi đối với nguyên trạng được thực hiện thông qua vũ lực hoặc ép buộc. Các quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Mỹ đã sử dụng quan điểm tiêu chuẩn này một cách thường xuyên kể từ giữa năm 2013, nổi bật nhất là đối với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc, và dự án xây dựng đảo được công khai rộng rãi của nước này trên Biển Đông.
Các bên yêu sách trong vùng biển có tranh chấp cũng tiếp nhận ý tưởng bảo vệ nguyên trạng này trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines vào ngày 4/6 đã khẳng định sự phản đối của họ đối với “các nỗ lực đơn phương làm thay đổi nguyên trạng”. Việt Nam vẫn duy trì lập trường có chút khôn khéo hơn, đó là ngừng kiểu phản đối thẳng thừng, mà tiêu biểu là lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các nước kiềm chế “các hành động sẽ làm phức tạp thêm tình hình và làm thay đổi nguyên trạng các bãi đá và bãi cát ngầm”.
Vị thế đang nổi lên
Trước năm 2013, “nguyên trạng” hiếm khi xuất hiện trong ngôn ngữ ngoại giao về các tranh chấp trên biển ở châu Á – mặc dù một bài viết quan trọng trên trang web này của học giả hàng đầu M. Taylor Fravel vào tháng 11/2012 đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả những lợi ích quan trọng của Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày nay, các nhóm đa phương mạnh mẽ như G7 đã xây dựng những lập trường tập thể của họ xung quanh thuật ngữ đó.
Chính phủ Nhật Bản là nước tiếp nhận sớm thuật ngữ này, với một văn bản lập trường từ tháng 12/2012 đặc biệt lên án Trung Quốc đã “thách thức nguyên trạng” trên Biển Hoa Đông. Quan điểm hiện nay của Mỹ đã bắt đầu hình thành vào tháng 1/2013, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách phá hoại sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Chuck Hagel trước Đối thoại Shangri-La năm đó đã hiệu chỉnh trọng tâm đối với các hành động “cưỡng ép”, nhưng mở rộng phạm vi bao gồm bất kỳ nỗ lực nào để làm biến đổi nguyên trạng này, trên biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.
Tháng 10/2013, Úc đã tham gia cùng Nhật Bản và Mỹ trong một liên minh các nước bảo vệ nguyên trạng thông qua một thông cáo chung ba bên vào tháng 10/2013. Bản thân bản thông cáo chung đã thu hút nhiều sự chú ý, nhưng chính tuyên bố về một ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông đã đưa thuật ngữ này vào sử dụng rộng rãi trong giới truyền thông và bình luận. Nhật Bản và Úc đã sử dụng thuật ngữ này trong các chỉ trích nặng nề của họ về ADIZ của Trung Quốc, các quan chức Mỹ cấp cao như Phó Tổng thống Joe Biden cũng vậy.
Trớ trêu thay, có lẽ chính sự lên án ầm ĩ của Trung Quốc về việc Chính phủ Nhật Bản mua lại các hòn đảo tranh chấp vào tháng 9/2012 đã bắt đầu cuộc đấu tranh ngoại giao gần đây về nguyên trạng tại Đông Á biển. Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố rằng việc Chính quyền Noda mua lại 5 trong số các hòn đảo đó đã lật ngược “sự đồng thuận” gác lại tranh chấp có từ những năm 1970. Khi Nhật Bản thu hút sự chú ý vào các hoạt động tuần tra thường xuyên mới của các tàu chính phủ Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, các quan chức Trung Quốc trong nhiều dịp đã đáp trả rằng chính Nhật Bản đã làm thay đổi nguyên trạng trước bằng cách quốc hữu hóa quần đảo này.
Tuy nhiên trên Biển Đông, Trung Quốc nếu có cũng không có gì nhiều để nói về ủng hộ nguyên trạng. Thực tế, ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố rằng: “Trung Quốc không công nhận cái gọi là ‘nguyên trạng’ về việc Philippines và một số nước khác chiếm quần đảo Trường Sa và các bãi đá ngầm thông qua các phương thức bất hợp pháp”. Ngày 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi thậm chí còn cứng rắn hơn, nói rằng “Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là ‘nguyên trạng’ của đảo Điếu Ngư và các đảo nhánh của nó cũng như một số cấu trúc trên biển của quần đảo Trường Sa mà đã bị các nước khác nắm giữ và chiếm đóng một cách bất hợp pháp”.
Ý tưởng về nguyên trạng thực chất từ lâu đã là trọng tâm trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. “Chính sách Một Trung Quốc” – việc công nhận điều này là một điều kiện tiên quyết không bàn cãi đối với quan hệ ngoại giao của tất cả các nước với Bắc Kinh – xoay quanh việc duy trì nguyên trạng qua Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, bất chấp việc là một ví dụ kinh điển về sự khéo léo ngoại giao, nguyên trạng xuyên eo biển này thực tế đề cập tới một tình hình tương đối cụ thể, cụ thể là, đảo này về hiến pháp vẫn là một phần của Trung Quốc, được quản lý bởi nhà nước Trung Hoa Dân Quốc đã chạy trốn tới đây vào năm 1949. Trong trường hợp này, khái niệm này là hữu ích bởi tất cả các bên đã rõ về nguyên trạng ở đây thực sự là gì.
Ngược lại, trong các tranh chấp Biển Đông, việc xác định nguyên trạng phức tạp hơn nhiều. Để bắt đầu, các tranh chấp này liên quan tới nhiều nước tuyên bố chủ quyền về các cấu trúc lãnh thổ với một loạt các chính danh – đảo, đá, bãi nổi khi triều thấp, các bãi đá ngầm và các công trình nhân tạo – cũng như quyền khai thác tài nguyên và quyền kiểm soát đối với các không gian hàng hải. Nguyên trạng ở đây bao gồm tất cả các khía cạnh này, và đây là điều quan trọng cần phải ghi nhớ nếu khái niệm này là để cung cấp sự rõ ràng về mặt phân tích.
Trong việc tách nhỏ các thành phần khác nhau làm thành nguyên trạng trên Biển Đông, cách phân biệt cơ bản nhất là giữa lãnh thổ và không gian hàng hải. Đối với lãnh thổ, việc xác định nguyên trạng lãnh thổ không hề đơn giản; đối với không gian biển, việc này đặt ra một số thách thức gần như không thể vượt qua.
Lãnh thổ trên biển
Một điểm xuất phát hợp lý cho việc xác định nguyên trạng trong bất kỳ tranh chấp quốc tế nào chính là lãnh thổ. Điều này bao gồm không chỉ là việc chiếm đóng thực chất và kiểm soát đất; cơ sở vật chất hoặc cơ sở hạ tầng của mỗi bên trong khu vực tranh chấp, và tình trạng pháp lý trong nước của các tài sản đang bị tranh chấp cũng rất quan trọng.
Các lãnh thổ bị tranh chấp trên Biển Đông bao gồm hai quần đảo, cộng với bãi cạn Scarborough biệt lập. Một nhóm đảo, quần đảo Hoàng Sa, là một tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam (Đài Bắc cũng đưa ra yêu sách chủ quyền với tư cách là Trung Hoa Dân Quốc). Bãi cạn Scarborough cũng là một tranh chấp song phương, được tranh giành bởi Philippines và Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa được tuyên bố chủ quyền hoàn toàn bởi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, và một phần bởi Philippines, Malaysia và Brunei.
Trong quần đảo Hoàng Sa, nguyên trạng lãnh thổ tương đối đơn giản: Trung Quốc chiếm toàn bộ nhóm đảo, sau khi tấn công quan đội miền Nam Việt Nam vào năm 1974. Cơ sở hạ tầng trên quần đảo này đã thay đổi thường xuyên kể từ thời điểm đó, với việc Trung Quốc xây dựng các cảng, đường sá, các mạng lưới thông tin liên lạc, và một đường băng cũng như một loạt công trình quân sự. Gần đây nhất, cơ sở hạ tầng đã bao gồm một trường học để phục vụ số dân thường đang gia tăng, và mở rộng đường băng để hỗ trợ máy bay lớn hơn (có lẽ là quân sự). Một sự chuyển biến lớn trong tình trạng pháp lý của đảo Hoàng Sa đã xảy ra vào tháng 5/1996 khi Trung Quốc tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh toàn bộ quần đảo này, định rõ tất cả các vùng biển bên trong là lãnh hải. Bãi cạn Scarborough không bị chiếm đóng, nhưng các tàu Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đáng kể, nếu không phải là toàn bộ, đối với việc tiếp cận đầm phá của bãi cạn này từ giữa năm 2012.
Quần đảo Trường Sa có nguyên trạng lãnh thổ phức tạp nhất, được tạo thành từ hàng trăm cấu trúc địa lý, như đảo, đá, bãi cát, bãi đá ngầm và các bãi cạn. Tính danh pháp lý của các cấu trúc này khác nhau đáng kể. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã phân biệt ba loại cấu trúc như sau:
– “Đảo”: là những vùng đất hình thành tự nhiên có khả năng duy trì sự cư trú hoặc đời sống kinh tế của con người, được hưởng bán kính 12 hải lý vùng lãnh hải và lên tới 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ);
– “Đá” hoặc bãi nổi khi triều lên: là những vùng đất nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, nhưng không thể duy trì sự cư trú hoặc đời sống kinh tế của con người. Những vùng đất này có thể có 12 hải lý vùng lãnh hải, nhưng không có EEZ.
– “Bãi nổi khi triều thấp” và các bãi đá chìm: là những cấu trúc không nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên, và do đó không thể được tuyên bố là lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên các công trình nhân tạo trên những cấu trúc này là được quyền trong một vùng an toàn bán kính 500 hải lý. Vẫn chưa có tòa án quốc tế nào quyết định các điều kiện cần thiết để duy trì sự cư trú và đời sống kinh tế của con người, vì vậy sự khác biệt giữa các đảo và bãi đá vẫn còn chưa rõ ràng. Thêm vào đó, các áp lực tự nhiên có thể có tác động to lớn, đặc biệt trong việc chuyển dịch các bãi cát, có khả năng làm biến đổi nguyên trạng lãnh thổ của một cấu trúc chỉ trong một sớm một chiều.
Không có nhiều nguồn có căn cứ về việc chiếm hữu hoặc tình trạng lãnh thổ của quần đảo Trường Sa. Từ điển địa lý điện tử thường được trích dẫn về quần đảo Trường Sa là một điểm khởi đầu tốt nhưng nó đã gần 15 năm tuổi, dựa trên các nguồn thứ yếu rải rác, và nhiều phần chưa hoàn thiện. Các bản đồ mô tả các tiền đồn của nhiều nước khác nhau xuất hiện thường xuyên trên mạng, nhưng rất ít bản đồ đủ lớn để miêu tả chính xác và gắn nhãn cho tất cả các cấu trúc liên quan, và nhiều bản đố trong số đó có rất nhiều lỗi.
Những con số dưới đây đã được xác nhận bằng cách kiểm tra chéo những nguồn hiện có, đặc biệt là các hướng dẫn đi biển năm 2004 của Cơ quan Tình báo Địa không gian quốc gia Mỹ, với một bộ sưu tập khoảng 800 bức ảnh gần đây cũng như trong lịch sử về quần đảo Trường Sa lấy nguồn từ các trang web của Việt Nam, Philippine, Malaysia và Trung Quốc. Hầu hết các bức ảnh đều được chụp bởi giới truyền thông địa phương, khách du lịch hoặc chính những quân đội đang chiếm đóng. Dựa trên những bằng chứng sẵn có này, tình trạng hiện tại của quần đảo Trường Sa như sau:
– Việt Nam chiếm tổng cộng 21 thực thể: 5 hòn đảo tự nhiên, và ít nhất 4 nơi khác là đá hoặc bãi cát nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Tổng cộng có tới 17 thực thể có thể có vị thế lãnh thổ. Số còn lại là các bãi nổi khi triều thấp hoặc các bãi đá chìm. Việt Nam cũng có hơn một chục giàn quan sát ở các vùng biển.
– Philippines chiếm 9 thực thể: 5 hòn đảo, 3 bãi nổi khi triều cao và 1 bãi đá ngầm.
– Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm 7 thực thể, ít nhất một trong số đó (Đá Chữ Thập – Fiery Cross Reef) là nổi một cách tự nhiên trên mặt nước khi thủy triều lên. 6 thực thể còn lại là bãi đất nổi khi triều xuống. Tất cả 7 nơi này hiện nay đã được biến thành các đảo nhân tạo khá lớn.
– Malaysia chiếm 5 thực thể, một trong số đó (Đá Hoa lau – Swallow Reef) là một tảng đá. 3 thực thể khác có lẽ cũng là bãi nổi khi triều cao, mặc dù còn thiếu sự xác nhận bằng hình ảnh.
– Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) chiếm 1 hòn đảo, và kiểm soát một bãi nổi khi triều cao lân cận.
– Brunei không rõ có chiếm một cấu trúc lãnh thổ nào trong khu vực tranh chấp hay không, mặc dù nước này có thể có các giàn khai thác dầu mỏ và khí đốt ở đó.
Danh sách này là một lời nhắc nhở về lý do tại sao Trung Quốc lại coi nguyên trạng ở Biển Đông là rất không có lợi: với ngoại lệ là Đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát, theo quan điểm của Trung Quốc, tất cả các hòn đảo thực sự “của nước này”, và hàng chục thực thể khác, hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng của nước ngoài. Hơn nữa, lần cuối cùng Trung Quốc nỗ lực thay đổi nguyên trạng chiếm hữu này là vào năm 1995, khi nước này chiếm bãi Vành Khăn (Mischief Reef). Kể từ lúc đó, cả Malaysia và Philippines đều chiếm thêm các cấu trúc địa hình khác, gần đây nhất là vào năm 1999. Đây là điều mà các đại diện của Trung Quốc đã nghĩ khi họ khăng khăng, một cách vô cảm, rằng họ đang hành động với “sự kiềm chế lớn” trên Biển Đông,
Đối với các nước Đông Nam Á và các bên thứ ba liên quan, nguyên trạng lãnh thổ đang được bàn đến là toàn bộ vùng đất bị chiếm đóng, và các cơ sở vật chất đặt trên các bãi đá bị chiếm đóng đó. Theo những phương pháp đánh giá này Trung Quốc quả thực đang thực hiện những thay đổi to lớn. Hình ảnh vệ tinh và trên không cho thấy Trung Quốc đã tạo ra gần 1 km2 lãnh thổ nhân tạo ở Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), dễ dàng biến nó thành vùng đất rộng lớn nhất trong quần đảo này. Theo Sáng kiến minh bạch biển châu Á (AMTI), tổng diện tích được cải tạo tại 7 điểm này là hơn 2 km2. Trung Quốc cũng đang xây dựng ít nhất là 2, và có thể là 3, đường băng đủ dài để cho phép các máy bay quân sự hạ cánh, cũng như các cảng và các tòa nhà cao tầng mới. Tình báo Mỹ đã công bố 2 khẩu pháo cơ giới được phát hiện trên một trong những hòn đảo mới này, mặc dù vẫn còn quá sớm để nhận xét liệu các vũ khí tầm xa có thể biến đổi một cách đáng kể cân bằng sức mạnh có được lắp đặt hay không.
Bất chấp tính nghiêm trọng của những hành động của Trung Quốc, mức độ rộng của khái niệm nguyên trạng này khiến những người bảo vệ nó khó khăn hơn trong việc duy trì tính nhất quán trong các quan điểm chính sách của họ. Chẳng hạn như Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến hành cải tạo tại một vài địa điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự mới bao gồm các bến tàu, các tòa nhà cao tầng và các tháp viễn thông di động, và tăng cường phòng thủ đảo của mình. Đại sứ Việt Nam ở Manila đã nói với giới truyền thông Philippines, “Việc xây dựng và tôn tạo của chúng tôi không làm thay đổi nguyên trạng”. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh gần đây đã mô tả các khu vực tôn tạo đất mới được nhận thấy trên các đảo do Việt Nam kiểm soát là “việc làm củng cố”. Malaysia về phần mình đã cho lắp đặt các tên lửa đất đối không Starburst trên ít nhất 2 tiền đồn của mình, và Philippines gần đây đã xây dựng các kiến trúc mới trên ít nhất một thực thể, hỗ trợ cho việc di dân sang quần đảo Trường Sa bằng cách cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí, và lên kế hoạch để nâng cấp các đường băng của mình.
Thừa nhận biểu hiện bề ngoài không nhất quán một cách bất lợi trong quan điểm của Mỹ, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Carter ở Shangri-La đã chủ tâm kêu gọi tạm ngừng việc cải tạo của tất cả các nước, không chỉ Trung Quốc. Đồng thời, Carter và các quan chức khác từ các nước bảo vệ nguyên trạng cũng đã lập luận rằng không phải bản chất của các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc mà chính là quy mô của nó đang thay đổi nguyên trạng này. Quan chức quốc phòng cấp cao Úc Dennis Richardson gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã 4 lần cải tạo khu vực mà các bên tranh chấp khác từng làm. Các hành động của các bên tranh chấp ở Đông Nam Á có thể không đáng kể so với Trung Quốc, nhưng dù thế nào đi nữa chúng cũng làm dấy lên một câu hỏi cơ bản cho những người quan tâm đến một trật tự biển châu Á dựa trên luật lệ: thay đổi nào đối với nguyên trạng lãnh thổ là chấp nhận được, thay đổi nào thì không?
Một tiêu chí mà theo đó các quốc gia khu vực đã cố gắng phân biệt các thay đổi nguyên trạng chấp nhận được và không chấp nhận được chính là việc sử dụng “vũ lực hoặc cưỡng ép”. Các hành động của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough rõ ràng có tính cưỡng ép, nhưng nhiều hành động làm biến đổi nguyên trạng nổi bật nhất của Trung Quốc rõ ràng là không phù hợp với định nghĩa này. Bắc Kinh quả thực đang thay đổi các khía cạnh của nguyên trạng lãnh thổ trên Biển Đông với các hoạt động xây dựng đảo của mình, nhưng nó không làm vậy bằng áp lực quân sự một cách lộ liễu; đúng hơn là, nó làm vậy thông qua sức mạnh công nghiệp và hoạt động hậu cần. Những “nguyên trạng” lãnh thổ khác nhau tồn tại trong Đông Á biển, và sự biến đổi hợp lý cần thiết để xác định những thay đổi này là bất hợp pháp, khiến khó có thể thúc đẩy sự rõ ràng trong thông tin liên lạc về vấn đề này.
Không gian biển
Bất chấp những phức tạp được lưu ý ở trên, nguyên trạng tại các vùng lãnh thổ tranh chấp là tương đối rõ ràng. Các cấu trúc trên đất liền, các khu vực đất liền thuộc quyền kiểm soát, các vị trí địa lý, các điều kiện của mỗi bên tranh chấp, và tình trạng pháp lý trong nước của các vùng lãnh thổ cụ thể, tất cả đều là những biến số riêng biệt và dễ sử dụng. Tuy nhiên, khi nhắc đến sự mở rộng lớn của không gian biển đang tranh chấp, nguyên trạng này có thể trở nên khó nắm bắt hơn nhiều.
Trước hết, đáng lưu ý rằng các khía cạnh khác nhau của nguyên trạng trong không gian biển có thể được xác định một cách dễ dàng. Sự hiện diện hoặc thiếu vắng các hoạt động phát triển nguồn lực là một khía cạnh trong nguyên trạng biển mà nói chung có thể quan sát và đo lường được. Trên Biển Đông, cả Việt Nam và Malaysia đều khai thác một số mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi trong khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, điều mà các nguồn tin Trung Quốc nhanh chóng nhấn mạnh là nước này chưa bao giờ làm được. Nhiều thay đổi trong mức độ của hoạt động đánh bắt cá cũng, ít nhất là trong lý thuyết, có thể được đánh giá nếu có thể thiết lập việc báo cáo khối lượng đánh bắt đáng tin cậy. Tương tự, những thay đổi trong nguyên trạng pháp lý của các vùng biển tranh chấp, như các tuyên bố ADIZ và đường cơ sở của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, có thể xác định một cách rõ ràng.
Việc di chuyển của tàu thuyền thể hiện những khó khăn lớn nhất với việc xác định nguyên trạng trong các khu vực biển đang tranh chấp. Lấy ví dụ về một tàu hải quân với vũ khí tầm xa có thể đe dọa các mục tiêu ở xa: việc nó tiến vào, hoặc các hoạt động của nó ở bên trong một vùng tranh chấp nhìn bề ngoài sẽ làm biến đổi nguyên trạng. Nhưng áp dụng một trình tự thời gian dài hơn, nó có thể làm điều ngược lại. Nếu con tàu đó đang trong một chuyến tuần tra thông thường hoặc tham gia trong một cuộc tập trận huấn luyện, mà từng diễn ra trước đó tại một số thời điểm có thể so sánh, nó sẽ là sự tiếp tục của nguyên trạng. Do đó, như Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã lập luận mới đây, trái ngược với các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc, các hoạt động quân sự trên không và trên biển của Mỹ tại Biển Đông “không phải là thực tế mới”.
Tuy nhiên, lập luận của Carter chỉ đúng trong chừng mực Mỹ duy trì mô hình hành động được lập ra từ trước của mình. Nếu, như Washington được cho là vẫn đang cân nhắc, những cuộc tuần tra đó trở nên thường xuyên hơn, giới thiệu các năng lực lớn hơn, hoặc bao gồm các khu vực mới (như là các khu vực lãnh hải xung quanh các hòn đảo và bãi đá đang bị tranh chấp), thì nguyên trạng trong không gian biển đó cuối cùng sẽ thay đổi. Quả thực, điều này chính xác là ý nghĩa của một động thái như vậy; việc chỉ đơn thuần theo sau một hình thái đang tồn tại sẽ khó có thể đáp lại lời kêu gọi đang gia tăng để trừng phạt Trung Quốc vì “hành vi xấu” của nước này.
Đây chỉ là một ví dụ về tính động của nguyên trạng trong các không gian biển đang tranh chấp ở châu Á khi chúng liên quan đến một lực lượng hải quân của một nước không tham gia tranh chấp. Sự phức tạp sẽ nhân lên một khi chúng ta phân tích các nhân tố trong các hoạt động và năng lực đang gia tăng của các lực lượng hải quân khác trong khu vực, đặc biệt là của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước có tranh chấp Đông Nam Á. Chỉ riêng điều này đã làm cho nguyên trạng trở nên khó xác định, và do đó khó truyền đạt hoặc đàm phán một cách rõ ràng.
Nhưng khía cạnh hải quân chỉ là mỏm của một tảng băng lởm chởm. Ngoài các tàu quân sự với sức mạnh cưỡng ép, vô số tàu tuần tra bán quân sự có vẻ là không vũ trang hoặc vũ trang đơn giản, các tàu đánh cá chính trị hóa do chính phủ bảo trợ, và các loại tàu hỗ trợ khác nhau cũng hoạt động trong các không gian biển đang tranh chấp ở châu Á với mục tiêu tăng cường yêu sách về quyền thực thi pháp lý của quốc gia của họ – điều này đang làm thay đổi hiện trạng.
Một ví dụ căn bản là “các cuộc tuần tra bảo vệ quyền lợi hợp pháp định kỳ” của Trung Quốc đang từng bước làm biến đổi nguyên trạng trong gần một thập kỷ. Kể từ khi bắt đầu trên biển Hoa Đông vào năm 2006, và Biển Đông năm 2007, số lượng các cuộc tuần tra này đã tăng lên một cách đều đặn, và phạm vi đã dần mở rộng ra đến rìa của khu vực trong phạm vi tài phán được tuyên bố của Trung Quốc. “Hạm đội trắng lớn” mà Trung Quốc đã triển khai trong các nhiệm vụ tuần tra này về bản chất có tính dân sự hơn là quân sự, và thiếu một cách hoàn toàn có chủ tâm các loại vũ khí có thể nhìn thấy được. Do đó, cũng như việc cải tạo đất của Trung Quốc, thay đổi quan trọng này đối với nguyên trạng tại khu vực tranh chấp trong vòng vài năm qua rất khó để coi là mang tính “cưỡng ép”. Quả thực, phản ứng thường thấy nhất xung quanh khu vực là bắt chước.
Không ngạc nhiên rằng các đối thủ của Trung Quốc hiện đang tăng cường sự hiện diện của các đội tàu chấp pháp dân sự của họ trong các khu vực bị tranh chấp. Trong tiến trình đó họ cũng sẽ về mặt kỹ thuật làm biến đổi nguyên trạng này. Về mặt cân bằng, các cuộc tuần tra tăng cường của Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trong các khu vực tranh chấp sẽ chỉ đơn thuần là đang cố gắng trở về một nguyên trạng trước đó, trước khi các cuộc tuần tra của Trung Quốc gia tăng. Câu hỏi đặt ra sau đó là: “nguyên trạng như trước” nào mới là nguyên trạng đích thực? Trong một số tranh chấp trên đất liền như ở miền Đông Ukraine, các ranh giới hiện tại được xác định một cách chính xác và ít nhiều được công nhận rộng rãi, vì vậy “nguyên trạng như trước” có thể được xác định và được tuyên bố một cách mạch lạc, tạo điều kiện cho hành động tập thể có lợi cho việc khôi phục của nó. Ngược lại, trong các tranh chấp biển ở châu Á, không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này vì hai lý do chính.
Một mặt, các hoạt động xây dựng của tất cả các bên, và sự di chuyển không ngừng của các tàu nhà nước hoặc phi nhà nước trên khắp các không gian biển tranh chấp lớn như vậy trong nhiều năm, đã cung cấp một tập hợp gần như vô hạn “các nguyên trạng như trước” để lựa chọn. Quả thực, Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ, Thôi Thiên Khải, mới đây đã tuyên bố rằng các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc đang “khôi phục” nguyên trạng này. Một điểm tham vấn dựa trên luật lệ khả thi là việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002, nhưng các bên tham gia tuyên bố này đã không từ bỏ việc thay đổi nguyên trạng như vậy – chỉ là việc chiếm đóng các cấu trúc hiện không có người ở – một thiếu sót mà tất cả các bên đã tận dụng kể từ lúc đó.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất là, các tuyên bố của các nhà nước đối với không gian biển bên ngoài 12 hải lý xuất phát từ một cơ chế pháp lý quốc tế có hiệu lực chỉ từ 20 năm trước, có nghĩa là không tuyên bố chủ quyền của bên nào từng được hưởng sự chấp nhận quốc tế rộng rãi. Như vậy, cái gọi là là sự thiếu hoạt động của các nhóm đa phương như ASEAN đối với các tranh chấp biển của châu Á có thể không hẳn là kết quả của “các giá trị” văn hóa phi đối đầu hoặc một sự rối loạn chức năng về thể chế mà là thiếu một sự hiểu biết thích đáng về khái niệm chung. Vấn đề này đơn giản là không đủ rõ ràng để có một quan điểm mạnh mẽ hơn – và việc nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “nguyên trạng” hầu như không thể làm gì để giúp giải quyết vấn đề này.
Kết luận
Ngay sau bài phát biểu ban đầu của ông Hagel về quan điểm của Mỹ đối với nguyên trạng vào năm 2013, Chỉ huy PACOM Samuel Locklear đã tuyên bố một cách thẳng thừng: “Chúng tôi sẽ phản đối việc thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực của bất cứ ai”. Trong thực tế, cho đến nay, những biến đổi nguyên trạng duy nhất bị lên án công khai đều là của Trung Quốc, việc liệu Trung Quốc có thực sử dụng vũ lực trong tiến trình đó hay không nhận được rất ít sự quan tâm. “Nguyên trạng” – ít nhất là cách nó đã được sử dụng cho đến nay – có lẽ hấp dẫn theo cái cách giống như một công cụ hùng biện để chỉ trích Trung Quốc và gửi thông điệp về việc củng cố giữa các đồng minh phi Trung Quốc, nhưng nó không phù hợp với phân tích chính xác, cô đọng hoặc việc thúc đẩy “trật tự dựa trên luật lệ” ở châu Á.
Một khái niệm có tính quy phạm đơn giản và cụ thể hơn, mà những luật lệ này có khả năng kết hợp thành một khối xung quanh nó, là khái niệm về các hành động cưỡng ép so với phi cưỡng ép. Các hành động cưỡng ép là bạo lực hoặc các đe dọa đối với tài sản của nước khác, mà tiêu biểu là các hoạt động khoan dầu đơn phương được hỗ trợ bởi các tàu hộ tống có vũ trang, việc sử dụng vũ lực với các tàu đánh cá, và ngoại giao pháo hạm truyền thống. Những hành động như vậy vốn đã leo thang bởi chúng đòi hỏi các đối thủ phải lựa chọn giữa lùi lại hoặc làm căng thẳng thêm tình hình. Chính là những hành động này mà tất cả, hoặc gần như tất cả, các nước trong khu vực có lợi ích căn bản trong việc chặn trước.
Không ích gì khi coi những thay đổi đối với nguyên trạng là những hành động lệch lạc trong “hành vi xấu” phá luật đòi hỏi sự trừng phạt để khắc phục. Những hành động như vậy chắc chắn không được mong muốn, trong đó chúng có thể khuyến khích các bên tranh chấp khác đáp trả lại theo kiểu ăn miếng trả miếng. Nhưng chúng cũng đã được cam kết rộng rãi, và vốn không leo thang như các hành động cưỡng ép, và trong hầu hết các trường hợp chúng không mâu thuẫn một cách rõ ràng với luật quốc tế. Điều sẽ thách thức trật tự dựa trên luật lệ của châu Á là việc sử dụng tiềm tàng “các thực tế trên biển” mới vì các mục đích cưỡng ép. Các bên liên quan trong các tranh chấp biển của châu Á nên tập trung vào việc xác định khả năng này là không chấp nhận được.
Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE DIPLOMAT)
- Trung Quốc đòi Mỹ “dừng khoe cơ bắp” ở biển Đông
- Biển Đông: Nước cờ TQ và nỗi lo ASEAN mất phương hướng
- Khủng hoảng Nga - Thổ ảnh hưởng gì đến Biển Đông?
- Philippines: Trung Quốc đang dựng "Bức tường Berlin" ở Biển Đông
- Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ tàu chiến TQ chĩa súng vào tàu Việt Nam
- Vì sao Indonesia tính kiện Trung Quốc về Biển Đông?
Trả lời