Biển Đông: Indonesia lúng túng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Ngày 27/10/2015, tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen tuần tra trên Biển Đông, bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi do Trung Quốc cải tạo, nằm trong quần đảo Trường Sa. Sự việc đã làm cho tình hình tại Biển Đông thêm căng thẳng. Báo chí Indonesia lo lắng Trung Quốc leo thang quân sự, xảy ra xung đột, gây bất lợi cho các nước trong khu vực, và kêu gọi Hoa Kỳ nên tự kềm chế.

Tờ Kompas tại Jakarta có bài viết được Courrier International lược dịch lại qua tiêu đề « Indonesia: Trận hải chiến » nhận định vụ việc đã đặt Indonesia vào thế khó xử trong mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đầu tiên hết bài báo phân tích hành động tuần tra Biển Đông của Hoa Kỳ đương nhiên là một phản ứng của Mỹ trước đòi hỏi chủ quyền lãnh hải đơn phương từ Bắc Kinh. Điều đó cũng là một động thái chuyển hướng có ý nghĩa từ phía Washington, chuyển từ lời nói sang hành động.

Nhưng với Trung Quốc, hành động trên của Hoa Kỳ là một « mối đe dọa lên chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia». Chính vì thế Bắc Kinh đã có những phản ứng cứng rắn khi tuyên bố: « Trung Quốc sẽ không tha thứ bất kỳ hành động nào gây nguy hại cho an ninh quốc gia ».

Đương nhiên Hoa Kỳ phải khẳng định động thái trên của tàu khu trục không phải là một sự khiêu khích. Chiếc chiến hạm đang trên đường đi về khu căn cứ Yokosuka, tại Nhật Bản. Cho dù Hoa Kỳ có đưa ra lý do gì đi chăng nữa, rõ ràng hành động tuần tra của chiếc USS Lassen là một dấu hiệu báo trước sự mở màn chạy đua liên quan đến tương lai con đường hàng hải này.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch nơi trung chuyển của hơn 50% lượng giao thương hàng hải thế giới. Quả thật, con đường này nối liền các quốc gia Cận Đông giàu nguồn dầu khí với các cường quốc kinh tế trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ đến đây để nhắc nhở là họ dứt khoát bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Lời nhắc nhở đó được đưa ra đúng vào thời điểm Bắc Kinh đang đề nghị các quốc gia thành viên trong khối ASEAN tiến hành các cuộc tập trận chung trên Biển Đông.

Thế nhưng, đối với nhiều nước trong khối ASEAN như Malaysia, Việt Nam, Philippines – những quốc gia phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết diện tích Biển Đông – đề nghị tập trận chung gây sửng sốt. Điều lạ lùng là tại Indonesia, nếu như Bộ trưởng Bộ Quân lực tỏ ra kiên quyết không đồng tình với đề xuất trên, thì Bộ trưởng Quốc phòng lại ủng hộ.

Theo quan điểm bài viết, đối với Hoa Kỳ, vị trí cường quốc hải quân hàng đầu trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương mà quốc gia này hiện đang nắm giữ, hơn bao giờ hết có tính mấu chốt. Washington cần phải duy trì vị thế này bằng mọi giá. Nhưng vị thế này cũng đang bị nhiều nước mới trỗi dậy trong khu vực nhất là Trung Quốc phản đối.

Bởi vì sự diện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực trên thực tế còn là một đòn bẩy khác để tăng cường vai trò kinh tế của nước này thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, vùng trao đổi tự do mậu dịch mà 12 nước đã chấp nhận thành lập vào ngày 05/10/2015). Một thỏa thuận đối tác mà Tổng thống Joko Widodo tuyên bố rất muốn được tham gia nhân buổi hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, vào ngày 26/10/2015.

Từ những quan sát trên, tờ báo lấy làm lo rằng nếu như các cuộc tuần tra như của tàu khu trục USS Lassen vẫn phải được tiếp diễn, thì sự phản đối của Trung Quốc sẽ không dừng ở mức lời nói, mà sẽ chuyển thành hành động cụ thể trên biển. Theo truyền thông Trung Quốc vào ngày 30/10, trong cuộc hội nghị qua video, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã cảnh cáo đồng nhiệm Hoa Kỳ nguy cơ một sự cố nhỏ có khả năng biến thành xung đột lớn.

Do đó, tờ báo hy vọng là Hoa Kỳ sẽ tỏ ra kềm chế nhiều hơn nữa và sẽ không khuyến khích Trung Quốc leo thang quân sự. Cho dù Washington có cảm thấy tự tin về khả năng đối phó mấy đi chăng nữa, tình thế có lẽ sẽ trở nên bất lợi cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có cả Indonesia.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề