Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuy không thuộc diện „trèo me, trèo sấu“, nhưng khi còn nhỏ, tôi cũng đã từng đi tìm bắt ve sầu non ở những gốc cây đường Phan Đình Phùng về thả vào màn cho lột xác, tôi rất băn khoăn khi nghe tin Hà Nội có kế hoạch chặt một lúc 6.700 cây xanh trong năm 2015 để thay bằng những cây mới. Là một người cũng sống và làm việc nhiều năm ở Berlin, Đức, tôi xin giới thiệu về hệ thống cây xanh ở Berlin và vấn đề quản lý cây xanh ở Berlin.
Với 416.000 cây lâu năm và 890 km² rừng, công viên, bãi cỏ, thủ đô Berlin của Đức được coi là thành phố xanh nhất của châu Âu.
Ngay giữa trung tâm Berlin có công viên Tiergarten rộng 210 hécta nổi tiếng thế giới. Đây vốn là một khu rừng riêng để săn bắn của tuyển hầu von Brandenburg, sau này được xã hội hóa, trở thành công viên công cộng cho mọi người sử dụng. Công viên này được xây dựng cách đây 500 năm, bao gồm nhiều cây xanh, bãi cỏ, hồ có đảo nhỏ và sông chảy qua với nhiều cây cầu. Berlin còn có nhiều khu công viên khác như Treptower Park với diện tích 80 hécta ở phía Đông Nam, vườn hoa ở Lâu đài Charlottenburg, Lâu đài Glienicke và trên đảo Pfaueninsel. Berlin hiện còn giữ lại được 29.000 hécta rừng, chiếm khoảng 18% diện tích thành phố.
Vì sao một thành phố được xây dựng nhiều, phát triển nhanh như Berlin kể từ khi nước Đức tái thống nhất năm 1990 tới nay vẫn giữ được tỉ lệ cây xanh nhiều như vậy? Đó là vì Berlin cũng như những thành phố khác của Đức có luật lệ chặt chẽ, rõ ràng, việc tuân thủ luật và giám sát việc tuân thủ luật rất nghiêm ngặt.
Những cây có lịch sử đặc biệt, hoặc rất lâu năm thì được Luật bảo tồn, bảo tàng bảo vệ. Những cây lớn, có đường kính thân từ một mức độ nào đó thì được sự quản lý của Điều lệ bảo vệ cây. Điều lệ bảo vệ cây ở mỗi bang cũng khác nhau.
Theo quy định của luật pháp ở Berlin, những cây một thân có chu vi ít nhất 80 cm và những cây nhiều thân, mà một thân có chu vi ít nhất từ 50 cm trở lên, được đo ở độ cao 130 cm là những cây được thống kê và bảo vệ, kể cả khi những cây đó nằm trong vườn nhà riêng.
Trong trường hợp muốn chặt cây trong diện được bảo vệ vì một lý do nào đó, ví dụ như xây nhà, thì phải làm đơn xin phép lên chính quyền thành phố. Trong trường hợp được cấp phép, người muốn chặt cây thường phải thực hiện những biện pháp thay thế để bảo vệ thiên nhiên như trồng lại một số cây khác. Thông thường, họ phải nộp tiền vào quỹ của thành phố để trồng cây ở những nơi khác. Tôi đã chứng kiến một người quen, khi muốn chặt mấy cây trong vườn để xây nhà đã phải nộp 3000,- Euro. Những cây được chặt mà không phải nộp tiền là những cây ốm yếu, mục, có nguy cơ đổ gây thiệt hại tới tính mạng, tài sản của những người xung quanh. Hoặc những cây che hết ánh sáng vào cửa sổ, làm cho cả ngày phải bật đèn…
Những ai chặt trộm những cây trong diện được bảo vệ mà không xin phép, nếu bị phát hiện có thể bị phạt tới 50.000 Euro. Trên thực tế, chưa thấy ai bị phạt tới 50.000 Euro, nhưng 3.000 tới 5.000 Euro là điều đã xảy ra. Những ai cả gan chặt những cây trong diện bảo tồn, bảo tàng thì theo điều 304 Bộ Luật công dân Đức (BGB) có thể bị phạt tù tới 3 năm.
Văn Long – Thời báo Đức
Chẳng đâu nói một đằng làm một nẻo như VN. Đừng ai xem thời sự VTV nữa.
Các cô chú nói gì đấy bác?
Ví dụ: “cấm đái!”, “cấm đổ rác”, thì cứ hành động thoải mái.