Ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

Đầu tiên phải nói qua một chút về môn văn trước đã. Vì sao? Vì văn – sử có liên quan mật thiết với nhau, một đằng là tiếng – tiếng Việt, một đằng là sử – sử Việt.

Nói hơi hình tượng, hai môn học ấy giống như đôi chân của một cơ thể, chúng khiến con người vững vàng cất bước với tâm hồn và trái tim yêu thương ở bên trong.

Môn văn đã bị chán từ lâu rồi, từ khi giáo khoa thư bị gò vào một định hướng hẹp và khi học sinh thực hành bằng văn mẫu nữa thì chao ơi, sự phản văn đã rành rành.

Trong khi môn văn bị đối tượng tiếp nhận nó lắc đầu thì môn sử cũng cùng chung số phận. Chúng ta đã đưa cho học sinh thứ sử gì vậy? Vì sao có tình trạng học sinh ngấy sử và không chọn nó làm môn thi bắt buộc?

Nguyên do rất nhiều, nhưng tựu trung sử trong giáo khoa thư cho cấp II và cấp III cũng với nguy cơ phản sử. Sử mà các em phải học đậm nhất từ sau nước Việt Nam đánh đổ phong kiến và giành độc lập, rồi cứ thế là liên hồi chiến công, hết chiến dịch này đến trận đánh khác.

Các em phải thuộc những thắng lợi luôn luôn là vẻ vang ấy và không chỉ có vậy, còn phải thuộc những liệt kê trong đó mà chúng tôi gọi là cách học sử đếm xác và đếm súng.

Tai hại rõ ràng, môn sử bị chính đối tượng tiếp nhận đẩy ra như một thứ bánh đã bị áp đặt vào khẩu phần ăn mỗi ngày cho những người đang lớn lên. Ai mà không ngấy, và khi đã ngấy rồi thì sẽ chán lẫn sợ.

Nhưng nỗi chán và ngán môn sử của học sinh có đủ là lý do để chúng ta khước từ nó? Chúng ta – cụ thể là các nhà hoạch định, nhà sư phạm, nhà làm sách giáo khoa – đã làm gì với môn sử, với lịch sử của chính dân tộc mình?

Lịch sử là môn xã hội bắt buộc trong giáo dục phổ thông của mọi quốc gia. Địa chính trị của Việt Nam nói riêng, môn lịch sử thiết nghĩ càng phải thấu đáo, khoa học, sâu sắc và dậy hương nữa mới phải.

Nói như một danh nhân của nước Việt: “Học sử để làm gì? Học sử để sống với người đã chết”. Người Việt ta phải thấm sử để mài gươm, để khôn ngoan lên, rốt cùng là để tự tin với máu xương ngàn đời của ông cha đã dựng nên non sông đất nước này.

Vậy mà người ta còn định thủ tiêu môn sử, ngụy biện rằng sử sẽ tan vào an ninh quốc phòng và giáo dục công dân… Mới nghe qua mà ai ai đều thấy rùng mình, thấy sử Việt bị tổn thương, bị xé vụn!

Môn văn và môn sử chừng như đang bị “làm thịt”. Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn, một danh nhân khác nữa đã nói đại ý như vậy đó. Chúng ta đã đi qua biển dâu với hình ảnh “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”, ấy vậy mà giờ đây có không ít học sinh phổ thông không biết Nguyễn Du là ai, Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt thế nào.

Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

Lịch sử là lịch sử, xin thưa, dù nó có thể biến tướng hoặc biến mất trong giáo dục. Nhưng dân tộc này đã chứng minh bằng hàng ngàn năm dựng và giữ nước của mình, rằng lịch sử Việt Nam nằm trong máu thịt và tâm thức của người Việt, niềm kiêu hãnh của dân mình sẽ làm nó sáng lên dù có lúc nó phải sáng lên trong bóng tối.

Và lịch sử cũng là thời gian, thời gian sẽ đặt mọi thứ vào đúng chỗ. Tôi tin môn văn rồi sẽ hấp dẫn như bản thân tiếng Việt và văn học.

Song song đó, môn sử cũng được hồi sinh bằng mùi hương của ký ức và sức sống của một môn học xác thực có khái niệm quốc tế chung là khoa học lịch sử.

Lan Hương (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề