Philippines hoan nghênh các chuyến tuần tra của Mỹ gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trong khi Australia khẳng định nước này ủng hộ Washington về vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Philippines Aquino phát biểu trước các phóng viên tại thành phố Paranaque hôm 27/10. Ảnh: AP |
Phát biểu tại một diễn đàn do Hiệp hội phóng viên nước ngoài của Philippines (Focap) tại thành phố Paranaque hôm 27/10, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay, ông ủng hộ các chuyến tuần tra của Mỹ như một động thái khẳng định tự do hàng hải và là cách để cân bằng quyền lực trong khu vực.
“Mọi người sẽ chào đón sự cân bằng quyền lực ở bất cứ đâu trên thế giới. Tôi thấy hành động điều tàu của Mỹ (tới Biển Đông) không có gì sai”, ông Aquino nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các chuyến tuần tra là “bình thường nếu chúng không ẩn chứa ý nghĩa khiêu khích”.
“Nếu chúng ta nói ủng hộ tự do hàng hải, nhưng lại tìm cách cản trở tự do hàng hải của quốc gia khác, đó là cách hành xử không phù hợp”, lãnh đạo Philippines nói.
Khi phóng viên hỏi liệu Manila có bày tỏ sự ủng hộ với hành động điều tàu của Mỹ hay không, ông Aquino nói: “Chúng tôi nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về việc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp. Chúng tôi cũng đã trình lên tòa án trọng tài quốc tế. Tôi nghĩ đó là sự ủng hộ nói chung”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Marise Payne, cho biết nước này không tham gia các cuộc tập trận của Mỹ ở khu vực gần quần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, Australia ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của Mỹ trong việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Marise Payne. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi nhận thấy điều quan trọng là tất cả các quốc gia có quyền hạn theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải, hàng không, gồm cả ở Biển Đông. Australia ủng hộ mạnh mẽ các quyền hạn đó”, bà Payne nói.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Australia, nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại xuyên suốt và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. 60% hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Australia đi qua tuyến đường nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
quan chức Australia và Philippines đưa ra phát biểu trong bối cảnh Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đã di chuyển vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Hải quân Mỹ chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Zing
Trả lời