Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sự thay đổi bộ máy lãnh đạo nhà nước thời gian tới cũng sẽ tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, hoạt động kinh tế toàn cầu năm 2016 sẽ tăng nhẹ nhờ các nền kinh tế phát triển đã lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 dự báo ở mức 6,6%, cao hơn Thái Lan (2%).
Nhiều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 (ảnh nguonf WorldBank). |
Tương tự, hãng tin Bloomberg cũng đánh giá kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu Bloomberg, Việt Nam trong năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,27% – cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, bên cạnh Ấn Độ (7,3%), Tanzania (7,2%), Trung Quốc (6,95%), Uganda (6,85%), và Dominica (6,35%). Từ kết quả trên, Bloomberg cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2016 có thể tăng trưởng 6,7%.
Trong khi đó, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo, xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn.
Mặt khác, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.
Về lạm phát, cơ quan này dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) được dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Nhìn vào đánh giá tích cực các bên về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: Những đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016 đều tích cực, lạc quan cho nền kinh tế. Tuy nhiên dù đánh giá con số ra sao vẫn cần nhìn vào thực tế nền kinh tế.Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016 được Quốc hội thông qua, năm 2016 Việt Nam đặt mục tiêu tăng GDP đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.
“Có những đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 sẽ ở top cao thứ hai thế giới về phần trăm GDP nhưng tăng trưởng đó là một cách nhìn và họ dựa trên thông tin số liệu riêng. Còn thực tế, ai cũng thấy kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoạt khỏi khó khăn”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết.
Bức tranh thực tế
Một trong vấn đề khiến chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo lắng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một nền kinh tế phát triển hay không dựa vào “sức khỏe” doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tiếp cận nguồn vốn đề sản xuất. Dù nói lãi suất vay ưu đãi 5%-6%/ năm nhưng theo ông Thành, không có mấy doanh nghiệp vay được với lãi suất này.
Nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn nằm ở cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng. Về doanh nghiệp, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, doanh nghiệp chưa biết làm dự án, xây dựng kế hoạch để vay vốn. Không xây dựng được dự án khả thi, tạo niềm tin nên các tổ chức tín dụng không cấp vốn.
Về phía ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự có chính sách cụ thể để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn mà không cần thế chấp.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cần có cái nhìn thực tế nền kinh tế Việt Nam thay vì những con số mỹ miều (ảnh H.Lực). |
Không tiếp cận nguồn vốn dẫn đến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn dẫn đến giải thể, ngừng hoạt động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2016 có 12.456 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015 là một minh chứng cụ thể nhất.
“Bên cạnh những khó khăn của doanh nghiệp, năm 2016 Việt Nam sẽ bắt đầu cảm nhận được những tác động của các các hiệp định như TPP, hiệp định thương mại với EU, hình thành cộng đồng AEC… Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Vì thế, nói đến tăng trưởng kinh tế chúng ta cũng cần những đánh giá khách quan về những tác động này kinh tế Việt Nam”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết.
Theo ông Thành, hiện những nghiên cứu tính toán tác động từ các hiệp định hợp tác tới kinh tế Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và mới nhìn ở hướng tích cực. Ví dụ khi tham gia TPP, mở cửa thị trường doanh nghiệp các nước sẽ đến đầu tư Việt Nam nhằm hưởng lợi từ suất khẩu hàng qua Việt Nam sẽ bằng vào khối TPP.
“Nhìn thực tế, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu có đến 70% từ doanh nghiệp FDI. Khi vào TPP, thuế suất các nước trong khối giảm nhiều, nhiều hàng hóa thuế suất bằng 0 nhưng nhìn lại, chúng ta có bao nhiêu hàng hóa tự sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Canada… hay tất cả đều là hàng của doanh nghiệp FDI?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Từ góc nhìn trên, theo ông Thành tác động các hiệp định kinh tế Việt Nam ký với các nước sẽ tác động đến biểu đồ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì thế cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể mới đưa ra con số tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, ông Thành sự thay đổi bộ máy lãnh đạo nhà nước thời gian tới cũng sẽ tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam.
Trả lời