Thị trường ôtô của Nga đang rơi vào giai đoạn suy thoái mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh châu Âu (AEB), số xe bán ra trong bốn tháng đầu năm 2015 tại Nga chỉ đạt 516.000 xe, giảm tới 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nền kinh tế tụt dốc khiến tiêu dùng trong nước suy giảm. Hàng loạt hợp đồng mua xe ký kết ở thời điểm đồng ruble mất giá cũng bị khách hàng báo hủy khi đồng ruble tăng giá trở lại. Theo nhật báo Nikkei số ra mới đây, trong bối cảnh chưa tìm thấy tương lai sáng sủa, nhiều nhà đầu tư lắp ráp ôtô đã bắt đầu tính tới đường rời khỏi Nga.
Trong những năm 2000, thị trường ôtô Nga bùng nổ mạnh mẽ cùng với đà tăng của giá dầu thô. Có những thời điểm, Nga trở thành thị trường tiêu thụ xe lớn thứ hai tại châu Âu, chỉ đứng sau Đức. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm, sức tiêu thụ xe tại Nga năm 2014 chỉ đạt 2,5 triệu chiếc, giảm 10% so với năm 2013. Đặc biệt, số xe nhập khẩu chiếm tới 30%.
Cũng vào cuối năm 2014, trước xu hướng đồng ruble mất giá, người Nga đã nhanh chân ký các hợp đồng mua xe hoặc mua sắm các tài sản khác nhằm giảm rủi ro. Đây là thời điểm các đại lý bán xe phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau đó, từ đầu năm 2015, do đồng ruble mất giá, các hãng chế tạo nhất loạt tăng giá bán ra, số xe bán ra giảm dần. Trong tháng Tư, sức tiêu thụ xe giảm khoảng 40% so với cùng kỳ.
Số xe bán ra giảm một phần do tác động từ việc “mua chạy” cuối năm 2014. Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu của người dân Nga cũng giảm.
Theo Cục Thống kê Liên bang Nga, thu nhập thực chất và tiền công bình quân của người Nga trong tháng Tư giảm ở các mức tương ứng là 4% và 13,2%. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp, các chỉ số này đi xuống.
Đồng ruble tăng giá trở lại cũng ảnh hưởng tiêu cực tới số xe bán ra. Vào thời điểm cuối năm 2014, hàng loạt hợp đồng đặt xe được kí kết với tỷ giá 70 ruble đổi 1 USD. Tại thời điểm tháng Tư, khi 50 ruble đổi được 1 USD, nhiều khách hàng đã báo hủy hợp đồng mua xe khi giá xe tăng lên nếu so với đồng USD.
Theo một quan chức hãng xe Nhật Bản tại Nga, có tới 40% số hợp đồng mua xe ký cuối năm 2014 đã bị hủy trong đầu năm 2015.
Nhằm cứu vãn tình thế, các đại lý xe đã tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá khoảng 10%. Tuy nhiên, theo nhận định của giới nghiên cứu, mức giảm giá này chưa thể lôi kéo người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp chế tạo ôtô nước ngoài bắt đầu tính kế hoạch rút khỏi thị trường Nga. Đầu tiên là General Motor (GM, Mỹ). Doanh số của hãng trong bốn tháng đầu năm nay giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2014. GM sẽ đóng cửa nhà máy tại Saint Petersburg vào cuối năm 2015.
Việc các hãng chế tạo rục rịch rút đi khiến chính quyền Nga lo ngại. Chính phủ của Tổng thống Putin vốn đang tích cực phát triển công nghiệp ôtô như một bước đi quan trọng để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.
Theo một quan chức Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ này đang cân nhắc khả năng buộc GM phải hoàn trả những khoản ưu đãi về thuế đã hưởng nếu hãng này đóng cửa nhà máy.
Theo các hãng chế tạo ôtô Nhật Bản, về trung và dài hạn, dư địa phát triển của thị trường ôtô Nga là rất lớn, tuy nhiên, với tình hình kinh doanh hiện tại, sẽ rất khó để duy trì sản xuất bình thường.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết đang cân nhắc khả năng đóng cửa một số cơ sở hoặc giảm sản lượng tại Nga./.
Trí Lê (Theo CafeF)
- “Đại gia” khí đốt Nga lãi lớn vì... Rúp mất giá
- Thị trường bất động sản tại Crimea đang “bất động”
- Công ty vũ khí của Nga kiện Liên minh châu Âu lên tòa án chung
- Volga, Lada trở lại: Ai còn dám chơi ôtô Nga?
- Gazprom muốn bán 10,5% cổ phần trong VNG Đức, dần rút khỏi châu Âu
- "Hốt bạc" nhờ kinh tế Nga xuống dốc
Trả lời