‘Cha đẻ’ SU-25 lên tiếng về khả năng MH17 bị bắn hạ

Trong khi thảm họa MH17 tiếp tục được điều tra ở miền Đông Ukraine, nhà thiết kế trưởng của máy bay SU-25 nói với truyền thông Đức rằng chiếc máy bay phản lực quân sự SU-25 không thể bắn rơi máy bay dân sự như chiếc Boeing của Malaysia.

Vào ngày 17-7-2014, trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia, đã gặp tai nạn trên vùng phía Đông Ukraine vốn đang bị phe đòi liên bang hóa kiểm soát. Tai nạn thảm khốc đã làm chết tất cả 283 hành khách và 15 người trong phi hành đoàn.

SU-25 không thể là “thủ phạm”

Một báo cáo về cuộc điều tra chính thức đã cho rằng tai nạn bị gây ra bởi nhiều vật thể từ bên ngoài bay trúng vào chiếc Boeing. Tuy nhiên, bản báo cáo đã không cho biết những vật thể này là gì, chúng đến từ đâu, hoặc ai là người chịu trách nhiệm.

Kiev và các quốc gia phương Tây đã đổ tội cho quân miền Đông và Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu rada cho thấy những khả năng khác có thể xảy ra, bao gồm một cuộc tấn công bởi một chiếc máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi-25 của Ukraine. Chiếc máy bay này được cho thấy là đã đuổi theo MH17.

Nhà thiết kế máy bay Vladimir Babak phát biểu hôm thứ Hai (9-3) rằng chiếc máy bay phản lực SU-25 được định vị là đã đuổi theo chiếc Boeing MH17 vào thời điểm NH17 gặp tai nạn, nhưng không hề có khả năng nó bắn hạ chiếc máy bay.

SU-25 có thể tấn công MH17 ở độ cao từ 3000 đến 4000m, còn việc MH17 bị nạn ở độ cao 10.500m là không thể. Vladimir Babak cũng nói thêm rằng tên lửa không- đối- không có thể chỉ làm hỏng chiếc Boeing chứ không hoàn toàn phá hủy nó.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của Đức NDR và WDR, Babak nói tất cả những cáo buộc rằng SU-25 có liên quan đến thảm họa MH17 là bịa đặt.

Quan điểm trái chiều

Nhiều cựu quan chức cấp cao và phi công SU-25 không đồng ý với Babak. Trung tướng Aleksandr Maslov, cựu trưởng Lực lượng Bảo vệ trên không và mặt đất của Nga, nói với RT rằng dựa trên phân tích mảnh vỡ máy bay, rất có khả năng máy bay bị bắn trúng bởi một tên lửa không- đối- không và một khẩu súng máy bay quân sự.

Ông nói thêm, giả thiết máy bay bị hạ bởi một hỏa tiễn Buk đất-đối-không là “không thể” vì đặc tích của vết phá hoại khác nhau.

Cựu trưởng bộ phận Hàng không, Thiếu tướng Sergey Borysyuk, nhấn mạnh rằng máy bay phản lực có khả năng “di chuyển dễ dàng”, thậm chí bay rất cao. Ông nói “Bản thân tôi đã từng, không phải chỉ một lần, bay ở độ cao 12.000m. Những đồng nghiệp của tôi còn bay tới 14.000m.”

Borosyuk giải thích rằng tên lửa R-60 trên SU-25 có thiết bị định vị hồng ngoại và một đầu đạn bằng kim loại. Dựa vào những mảnh vỡ máy bay, ông cho rằng tên lửa R-60 có thể được sử dụng.

Cựu lãnh đạo của Lực lượng Không quân Nga, Vladimir Mikhailov cũng đồng ý với quan điểm trên, và còn cho biết thêm chính ông cũng đã từng lái chiếc SU-25 lên độ cao 12.000m và thậm chí là 14.000m.

“Nếu máy bay bị bắn hạ bởi Buk (hệ thống phòng thủ tên lửa), thì nó sẽ gần như ngay lập tức vỡ nát thành từng mảnh trong không trung và chúng ta sẽ không thể nào chứng kiến những mảnh vỡ máy bay lớn như các mảnh vỡ MH17 ở trên mặt đất.”

Cùng với Bộ Quốc phòng Nga, ông cũng đặt câu hỏi vì sao máy bay MH17 đang bay trong đường bay lại đột ngột đổi hướng sang phía Bắc.

Vào tháng 7 năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu kiểm soát quân sự cho thấy máy bay phản lực quân sự Kiev đang đuổi theo MH17 chỉ ngay trước khi tai nạn xảy ra và đưa ra hàng loạt câu hỏi đối với Ukraine về những vẫn đề trên nhưng vẫn chưa được giải đáp.

Song Minh (PLTP)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề