Choảng nhau dễ dàng, vì sao?

Người ta sẵn sàng đâm chém, dùng mũ bảo hiểm phang nhau chỉ vì một cái nhìn, một câu nói “khó ưa”, một cử chỉ “ngứa mắt”. Thói quen “nói chuyện” bằng bạo lực đã lan vào trường học, công sở và gia đình

Báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho thấy trong 7 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, các bệnh viện tiếp nhận gần 195.000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, hơn 5.000 người phải nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhất có 900 trường hợp và 11 người tử vong.

Lạm dụng rượu bia

Các vụ việc xảy ra đa phần là anh em, bạn bè đến chúc Tết, rủ nhau uống vài ly rượu, đánh bài và kết thúc bằng cuộc ẩu đả chỉ vì một câu nói đùa quá trớn hoặc thua bài bạc, bầu cua.

Đến nay, dẫu chưa có con số thống kê chính thức nhưng thông qua báo chí có thể thấy hằng năm, số người Việt Nam chết vì rượu bia gây ra – trực tiếp hoặc gián tiếp – không phải ít. Thế nhưng, bất chấp những điều đó, nhiều người vẫn lạm dụng quá nhiều rượu bia trong đời sống thường ngày. Từ dân thường đến cán bộ, công nhân, viên chức đều có thể uống rượu bia ở mọi lúc, mọi nơi để rồi dẫn đến nhiều hệ lụy.

Là người từng tham gia bào chữa nhiều vụ án hình sự, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết những vụ án giết người, hiếp dâm, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… do người sử dụng rượu bia thực hiện ngày càng phổ biến. Đặc điểm chung của những vụ án này là người phạm tội có nhân thân tốt, thậm chí được đánh giá là hiền lành nhưng khi bị rượu bia “điều khiển” thì trở nên hung hăng, thiếu tỉnh táo dẫn đến gây án.

“Có mặt tại những buổi lấy cung ở cơ quan điều tra cũng như phiên tòa, tôi thấy họ rất hối hận, ăn năn về việc làm vi phạm pháp luật của mình. Đa số đều nói nếu không uống rượu bia, họ đã không u mê, gây tội ác để rồi phải trả giá và day dứt suốt đời” – luật sư Quỳnh Thi chia sẻ.

Giáo dục là gốc

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý xã hội, cái gốc vấn đề không chỉ vì rượu bia. Người ta sẵn sàng đâm chém, dùng mũ bảo hiểm phang nhau chỉ vì một cái nhìn, câu nói “khó ưa” hoặc cử chỉ “ngứa mắt”. Thói quen “nói chuyện” bằng nắm đấm và dao lan cả vào trường học, công sở và gia đình. Quan chức, công chức sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn (như vụ 2 phó giám đốc Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ Bình Phước); học sinh dùng dao đâm bạn học chỉ vì va chạm nhẹ trong giờ ra chơi hay bị trêu chọc…; cha mẹ, con cái, anh chị em giết nhau do tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế… Những vụ dùng bạo lực để xử nhau ngày càng nhiều và tính chất ngày thêm nghiêm trọng.

Thật ra, chuyện đánh nhau xã hội nào cũng có nhưng vì sao hiện nay người ta lại dễ dàng đánh nhau đến vậy? “Chính do tâm lý phẫn nộ, nổi loạn trong con người thời đại. Ngày nay, người ta sống vội vã, quay cuồng với tiền bạc và những đòi hỏi, quyền lợi cá nhân; đồng thời chịu nhiều áp lực, ganh ghét trong cuộc sống dẫn đến vô cảm, thiếu vị tha. Trong khi đó, về mặt chủ quan, từng thế hệ, từng tầng lớp thiếu sự giáo dục cần thiết về văn hóa ứng xử, kỹ năng sống…” – GS Lưu Đức Trung nhận định.

Quả thật, ra đường, những ông bố, bà mẹ chở con vượt đèn đỏ, lấn tuyến, leo lề, tranh giành từng centimet đường. Ở trường học, thầy cô thiếu tâm, dùng nhiều chiêu thức ép học sinh học thêm. Ngoài xã hội, tham ô, tham nhũng trở thành bệnh kinh niên, từ “chạy” trường, “chạy” chức cho đến “chạy” án… Cha mẹ không gương mẫu không thể dạy con thành người tốt. Lãnh đạo tham ô, nhận hối lộ, chèn ép người tài thì khó có những nhân viên “vì nhân dân phục vụ”. Hệ thống pháp luật chưa phát huy hiệu quả, bộ máy thực thi pháp luật thiếu công bằng sẽ khiến người dân mất dần niềm tin vào công lý dẫn đến “tự xử” bằng mọi cách… “Cái gốc vấn đề vẫn là giáo dục nhưng không phải là giáo dục chung chung. Phải xây dựng một nền giáo dục căn cơ từ gia đình – nhà trường – xã hội; lập ra mối quan hệ rõ ràng, cụ thể giữa người với người, cha mẹ với con cái, thầy cô với học sinh… Nhà nước cũng phải có chính sách, đường lối, hành động cụ thể; từng cán bộ, đảng viên, công chức, quan chức phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đặc biệt, phải nghiêm minh và công bằng trong việc xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật dù đó là ai” – GS Lưu Đức Trung đề nghị.

Người chết, kẻ bị bắt vì tiếng nhạc

Ngày 16-2 (28 tháng chạp), nhà anh Phạm Văn Trung (38 tuổi; ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) mở tiệc thôi nôi cho con nên thuê dàn nhạc sống về phục vụ. Ở bên này sông, Ngô Quang Út (34 tuổi) cũng tổ chức nhậu tất niên. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, khi đã ngà ngà say nhưng vẫn không ngủ được vì tiếng nhạc chát chúa từ nhà anh Trung vọng sang, Út lớn tiếng trách móc. Lời qua tiếng lại, hai bên thách đánh nhau, anh Trung và những thanh niên trong bàn tiệc bơi xuồng qua tìm Út. Trong lúc xô xát, Út vơ vội cây chĩa đâm thẳng về phía những người trên xuồng, trúng anh Trung khiến nạn nhân tử vong vì thủng tim. Út bị bắt ngay sau đó.

Theo nld


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Choảng nhau dễ dàng, vì sao?”:

  1. Tran Nguyen N viết:

    Say rượu, bạo lực tràn lan mọi nơi, mọi lúc. Làm sao ngăn chặn được tình trạng này ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề