Hãy mặc đẹp, sẵn sàng cho “Hành trình 100 bước chân”!

Bởi vì bạn sẽ được ăn thật ngon, nghe nhạc hay, thưởng thức không gian đẹp như tranh và chứng kiến sự xung khắc, hoà hợp của hai nền văn hoá Pháp – Ấn Độ. Nên không thưởng thức “Hành trình 100 bước chân”, e rằng bạn sẽ tiếc.

Bày biện bàn ăn

“The Hundred Foot Journey” (Tựa Việt: “Hành trình 100 bước chân”) là món ăn tinh thần đặc sắc dành cho tất cả những ai thích ăn ngon. Hơn cả về ẩm thực, bộ phim bày ra một thực đơn không dễ bỏ qua. Thực đơn gồm nhiều thứ khó cưỡng lắm, với riêng tôi:

– Mang đậm phong cách Pháp, khi người đàn bà đẹp, “sang chảnh” Helen Mirren (chủ nhân của tượng vàng Oscar) vào vai chủ nhà hàng Pháp Mallory. Người phụ nữ trung niên này mặc đồ quá đẹp, kể cả lúc điều hành gian bếp. Vai diễn kiêu sa kiểu Pháp này không phải là dành cho bà thì khó có ai khác phù hợp hơn.

– Tiêu biểu cho phong cách Ấn Độ là một trong số những diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh xứ Bollywood ngày nay – Om Puri. Ông vào vai người cha Papa, rời quê hương, vượt Anh qua Pháp để mở một nhà hàng kiểu Ấn. Nhà hàng này, đạo diễn Lasse Hallstrom đặt đối diện với nhà hàng của bà Mallory, cách nhau chính xác 30m, tức khoảng 100 bước chân.

– Sau thế hệ trung niên là những người trẻ của thế hệ mới không quá lệ thuộc văn hoá truyền thống, họ có tư duy phóng khoáng hơn: Đó là chàng trai đầu bếp tài ba Hassan Kadam (vai của Manish Dayal), cùng cha và các em mình vượt qua nhiều tủi nhục để vươn lên trên đất lạ. Đó là cô gái Pháp Marguerite (Charlotte Le Bon) trong vai bếp phó mang vẻ trong sáng, thánh thiện, với tính cách và ánh mắt dễ khiến người đối diện quên hết âu lo.

– Đạo diễn của bộ phim là Lasse Hallstrom – một trong những tên tuổi giàu thành tích của điện ảnh thế giới. Ông có những bộ phim đoạt tượng vàng Oscar như “Chocolat”, “The Shipping News”… và những bộ phim ăn khách như: “Dear John”, “Salmon Fishing in Yemen”… Năm 2000, Hallstrom nhận đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “The Cider House Rules”. Bộ phim này sau đó đã mang về thêm 7 đề cử Oscar khác. “The Hundred Foot Journey” đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên của vị đạo diễn tài ba này với hãng phim DreamWorks Pictures.

– Đồng sản xuất là hai cái tên đủ để bảo chứng cho một bộ phim có giá trị, đó là “vua khủng long” Steven Spielberg và “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey. Vị đạo diễn nắm giữ rất nhiều giải Oscar thì đã quá quen thuộc với thế giới điện ảnh với hàng hoạt tác phẩm đình đám. Còn Oprah, không chỉ khuynh đảo màn ảnh nhỏ, nhiều năm trở lại đây bà đã trở thành gương mặt quen thuộc của lãnh địa mới là điện ảnh trong hai vai trò diễn viên và nhà sản xuất. Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của Winfrey khi tham gia bộ phim “The Color Purple” (tạm dịch: “Màu tím”) do chính Steven Spielberg đạo diễn.

– Nguyên liệu chính của bộ phim là cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Richard Morais. Kịch bản chuyển thể được giao cho biên kịch người Anh từng nhận đề cử Oscar Steven Knight. Rồi, bây giờ thì bạn hãy để ý kỹ khi xem phim để tìm ra sự hoà trộn chất kiêu kỳ của Anh, sự thanh lịch của Pháp, sự mộc mạc, vồn vã của Ấn Độ và sự phóng khoáng, hiện đại của Mỹ trong “Hành trình 100 bước chân”. Và bạn “tỉnh” nhé, ẩm thực chỉ là cái cớ cho một bộ phim về giao thoa văn hoá.

Duỗi chân thưởng thức

Sau khi các món chính của bữa tiệc đã được dọn đủ đầy thì hãy thưởng thức thôi! Với góc nhìn cá nhân, người viết thấy nhiều điều thú vị ở bộ phim này:

– Không khí và nhịp phim tuyệt vời. Rất ít chỗ (chứ không phải không có) sến sẩm. Nhưng khán giả sẽ thấy câu chuyện ăn, mặc, kể cả tinh thần kinh doanh, cách ai đó phải đương đầu cạnh tranh, đều toát lên thứ gọi là phong cách sống. Chiếm giữ trái tim và dạ dày của người khác chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

– Chủ đề trực diện nhất của phim là ẩm thực. Cùng với “Chef” (Vua đầu bếp), “Hành trình 100 bước chân” lý giải cặn kẽ cho ta tại sao mùi vị từng món ăn lại trở thành biểu tượng cho các quốc gia, đại diện cho từng nền văn hoá và trở thành nghệ thuật. Trong phim có một câu thoại thế này: “… cuisine is not an old, tired marriage. It is a passionate affair!”. (Tạm dịch: “Nấu ăn không phải là cuộc hôn nhân lâu năm mệt mỏi, mà là một mối tình nồng cháy…”). Người viết cá rằng, nếu vào bếp cùng người yêu, vợ hay là bồ có thể bạn cũng có dịp kiểm nghiệm điều này.

– Tình yêu trong bộ phim bao gồm cả tình yêu đôi lứa của hai nhân vật Hassan và Marguerite, còn có tình yêu cuộc sống theo kiểu “Lavie en rose” (tựa Việt: “Huyền thoại âm nhạc”) của Pháp. Thức ăn là gia vị đậm cho tình yêu, cũng giống cách ta hay nói: “Hạnh phúc đi qua cái dạ dày”. Nhưng rốt cuộc thì, ăn với ai, sống với ai quan trọng hơn ăn món gì và sống ở đâu? Bộ phim của đạo diễn Lasse Hallstrom đề cập tới điều này.

– Chẳng cần phải tham gia giải Oscar hay Cannes gì đâu, trước hết, phim chạm đến tim và óc khán giả là thành công rồi. Và nếu vậy, sau khi thoả thuê ăn uống và yêu đương, bạn vẫn cần triết lý, thì “Hành trình 100 bước chân” cũng có cả. Từ cuộc xung đột giữa 2 nhà hàng tại vùng Saint-Antonin thơ mộng, bộ phim thể hiện mâu thuẫn giữa những con người có nền tảng văn hoá, xã hội và tôn giáo khác nhau. Đoạn đường vỏn vẹn 30m có ý nghĩa biểu tượng về việc chúng ta cần thoát ra khỏi những ràng buộc, giới hạn, định kiến và bước ra khỏi cái tổ an toàn của mình để có ngày đến được những miền đất khác lạ, rộng dài trong hành trình tự khám phá bản thân mình.

Xem một bộ phim, nếu chỉ để cười, để sợ, thậm chí để khóc hay đơn giản là cần có cái gì “coi được” để giết thời gian, với người viết, như thế thì không đủ và đôi khi không đáng. Tôi luôn muốn xem những phim để thấy mùa đông không còn u ám, để thấy mùa xuân cho ta nhiều ánh sáng và hy vọng. Có nghĩa, tôi cần được truyền thêm cảm hứng, cần được tiếp thêm nhiên liệu, để sau khi bước ra khỏi phòng chiếu, mình có thể làm được điều gì đó hay ho. Và, với tôi, “Hành trình 100 bước chân” là một bộ phim như thế.

Nhưng bạn biết đấy, món ăn luôn tùy miệng, nên nếu bạn hỏi người viết rằng, sao bữa tiệc này toàn món ngon, không hề có món nào dở vậy, tôi cũng không biết trả lời thế nào. Nên tôi nghĩ rằng, bạn cứ nhấc bước chân (foot) rồi sẽ có thức ăn (food), từ đó đưa ra cảm nhận của riêng mình.

Theo Đẹp Online.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề