Tại sao BBC là hãng tin trung thực và khách quan? (phần 2)

Phần 2: Không thiên vị

Phần 1: Tại sao BBC là hãng tin trung thực và khách quan? (Phần 1)

Luật ở Anh buộc nhà báo BBC phải làm việc trong tinh thần vô tư, không thiên kiến, không bênh hay nghiêng theo một dạng quan điểm cụ thể nào cả. Đây là giá trị quan trọng và cũng là yêu cầu chung khiến BBC không giống các nguồn tin tức khác.

Tính bất thiên vị và vô tư là một trong số các trụ cột của nền báo chí BBC.

Không phải cách làm báo nào cũng bất thiên vị, hay cần phải bất thiên vị.

Có nhiều cách làm báo khác cũng rất tốt như các tờ báo giấy ở Anh vốn không ngần ngại xác định quan điểm hay thế giới quan riêng của họ (báo thiên tả, thiên hữu…). Người đọc có thể chọn đọc hoặc mua tờ báo này hay tờ báo khác mà họ cảm thấy phù hợp với cách nghĩ của mình, hoặc thách thức quan điểm riêng của họ.

Nhưng nghề truyền thông, báo chí của BBC lại khác, vì BBC hoạt động nhờ ngân khoản do người dân tại Anh trả phí truyền thông, tức TV licence, đóng góp lại.

Điều này có nghĩa là BBC không chịu trách nhiệm trước các chính phủ thay nhau lên cầm quyền mà chỉ trước những người đang đóng tiền cho các hoạt động truyền thông của BBC: những người dân có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều cách thể hiện những quan điểm đó; hay cả những người có gốc gác xã hội, văn hóa và tôn giáo rất khác nhau.

Tất cả những điều này cũng có nghĩa rằng BBC không được cố ý theo đuổi một loại quan điểm nào trên thế giới.

Luật ở Anh buộc nhà báo BBC phải làm việc trong tinh thần vô tư, không thiên kiến, không bênh hay nghiêng theo một dạng quan điểm cụ thể nào cả. Đây là giá trị quan trọng và cũng là yêu cầu chung khiến BBC không giống các nguồn tin tức khác. Đây cũng là một phần của khế ước mà BBC cam kết với công chúng.

Tính không thiên vị thường dễ bị hiểu sai, nhất là với những người tin rằng nghề báo không thiên kiến chỉ là ảo tưởng.

Nhiều người nghĩ rằng các khái niệm như ‘khách quan’, ‘trung lập’ hay ‘công bằng’ cũng có nghĩa giống như ‘bất thiên vị’ hay ‘không thiên kiến’. Họ cũng thường dùng các khái niệm này thay cho nhau. Nhưng thực ra chúng không có cùng nội dung. Một trong các cách minh họa cho điều này là câu chuyện phóng viên BBC Allan Little kể ra:

Thử hình dung bạn bước vào một quán cà phê và thấy hai người đang tranh cãi to tiếng. Một ông nói ‘hai cộng hai bằng bốn’, còn ông kia phản bác lại và nói ‘hai cộng hai bằng năm’.

Nếu bạn kể lại về vụ cãi nhau này cho bè bạn, bạn có thể làm một cách khách quan, trung lập, cân bằng, công bằng hoặc bất thiên vị – và mỗi cách truyền đạt sẽ hàm chứa thông điệp khác.

‘Khách quan’ có nghĩa là đưa tin đúng về chuyện hai người nọ cãi nhau về điều gì mà không đả động đến nhận thức về toán học hay con số. Bạn không được quyền nói ý kiến của ai trong số hai người kia là đúng hay sai, không phải vì bạn không biết, mà vì bạn không có nhiệm vụ phán xét họ.

‘Trung lập’ là cách đưa tin nói về hai người tranh cãi nhau mà không thể hiện lời đánh giá gì, kể cả khi bạn biết một người sai.

‘Cân bằng’ có nghĩa là cố gắng chú ý đưa tin về cả hai lập luận của hai người nọ sao đủ bằng nhau và cũng không phán xét.

‘Công bằng’ có nghĩa là đảm bảo sao cho lập luận của cả hai người nọ được chuyển tải công bằng, đầy đủ nhất, gồm cả cách trình bày nội dung rõ rệt, hùng hồn nhất của mỗi người khi họ tranh cãi, và tất nhiên là không nêu ra lời phán xét.

‘Bất thiên vị’ có nghĩa là đưa tin về lập luận của mỗi người chính xác tối đa và tìm đến cả những quan điểm khác nữa vốn hữu ích và quan trọng – ví dụ như hỏi một nhà toán học để nghe đánh giá xem một trong hai người cãi nhau trong quán kia, ai đúng, ai sai.

Cách làm báo không bênh bên nào cho phép bạn đem lại lời đánh giá dựa trên sự kiện và thúc đẩy bạn nỗ lực tìm kiếm những quan điểm quan trọng, có ý nghĩa. Cách làm báo này buộc bạn phải cân nhắc các quan điểm, và có thể phải bỏ đi những quan điểm không có cơ sở thực tiễn hoặc trái ngược với số liệu và sự kiện thực.

Đây là cách làm báo đem lại bề rộng và chiều sâu cho tư duy về các góc độ, quan điểm trong cả xã hội.

Tính vô tư tối thiểu

Trong nghề báo, dù chúng ta cố gắng để không nghiêng về phía nào thì vẫn thường gặp phải những chủ đề đòi hỏi tính bất thiên vị nhiều hơn, và buộc bạn phải năng động hơn nữa để tìm kiếm các ý kiến đánh giá, các cách nhìn khác nhau để đặt lên bàn cân.

Bất cứ chủ đề gây tranh cãi, dễ tạo ra lời khen tiếng chê đều cần được xử lý với tinh thần đảm bảo bạn không thiên kiến.

Vấn đề gây ra điều tiếng làm nóng dư luận có thể là chuyện gây chia rẽ mạnh mẽ các phái trong cùng một cộng đồng; hoặc khi các chính khách đại diện cho dân bất đồng nghiêm trọng, hay khi cuộc tranh luận có thể dẫn tới thay đổi chính sách hoặc hoạt động mang tính cưỡng chế, áp đặt.

Chính vì danh sách các điều gây tranh cãi, bức xúc không bao giờ khép lại, bạn cần chủ động đánh giá cụ thể để xem đối tượng của bài viết, bản tin có thuộc diện gây tranh cãi (controversial) hay không.

Có thể nói, một quy luật chung là mọi chủ đề xuất hiện trong tin tức thời sự đều là chuyện gây tranh cãi.

Vô tư hay không thiên kiến ở mức độ cần thiết và tối thiểu không nhất thiết là khiến nội dung đăng tải – như bản tin truyền thanh, truyền hình – bài trên trang web – trở thành một tác phẩm trung tính, cân bằng một cách máy móc. Nhưng nó có nghĩa là bạn phải tìm và nêu đủ mọi quan điểm, góc nhìn quan trọng, mọi suy tưởng, ý kiến hiện hành về chủ đề nêu ra.

Sau đó, bạn có thể áp dụng cách đưa lời phán xét, đánh giá dựa trên chứng cứ, và trình bày bài bằng một cách đặc thù, hoặc đi đến một lời kết. Nhưng cả quá trình thu thập thông tin, dựng bố cục bài phải được thực hiện một cách không thiên kiến.

Vô tư trong thời gian dài

Làm báo, bạn cần đạt được tính không thiên kiến với cả các chủ đề phức tạp trong một thời gian dài. Đăng bài trong bản tin thời sự, nhà báo có thể đạt tiêu chuẩn ‘công bằng’ với các bên trong câu chuyện. Nhưng với tin nóng hay chuyện còn nhiều diễn biến thì phải sau một thời gian chúng ta mới rõ là mình có thực sự đạt được tiêu chuẩn bất thiên vị hay không.

Tức là có thể phải mất thời gian nhà báo mới thu thập đủ thông tin và các quan điểm khác nhau để khiến cho bài tường thuật không bị coi là thiên kiến với phía nào.

Chuyện có thể xảy ra như sau: một bên liên quan trong phần tin tức từ chối không bày tỏ ý kiến, bình luận. Nhưng cũng không thể vì thế mà nhà báo đành bỏ không đưa tin nữa. Một dòng tin nóng (news flash) thường chỉ ghi nhận có chuyện như thế xảy ra, và mọi bình luận, quan điểm, lời diễn giải hay tranh luận sẽ được chuyển tới sau. Đôi khi cũng cần thời gian để thuyết phục người có ý kiến quan trọng tham gian thảo luận công khai, hoặc nhiều lúc cách hiểu vấn đề cũng bị dịch chuyển, và các góc độ khác dần trở nên có ý nghĩa hơn trước.

Trong những trường hợp đó, người biên tập, chủ biên cần nắm lấy trách nhiệm đảm bảo làm sao để bài vở có đủ chỗ cho các quan điểm hữu ích, quan trọng xuất hiện trong tương lai. Điều này có nghĩa là đôi khi bạn phải chọn đúng một quan điểm khi cân nhắc một loạt các ý kiến hiện có ngoài xã hội. Nhưng người chủ biên cũng có trách nhiệm đảm bảo cho những vấn đề về lâu về dài liên quan tới tính bất thiên kiến không xảy ra như trong các trường hợp sau:

– Thừa nhận ai đó là nạn nhân – thế giới không đơn thuần chỉ gồm có hai bên: nạn nhân và thủ phạm. Nhà báo cần đi vào chiều sâu, vượt qua tính giản đơn của câu chuyện trước mắt và đôi khi cần dũng cảm ra quyết định khó khăn

– Không né tránh chuyện tế nhị – cam kết phản ánh tính đa dạng của thực tế cuộc sống không có nghĩa là bỏ qua hay nhắm mắt làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc giữa các nhóm sắc tộc, hay tránh đưa tin về sự thực khó tin về tín ngưỡng, về hành vi của ai đó

– Bất thiên kiến một cách máy móc – cho quan điểm chính thống và quan điểm ngoài luồng hay cực đoan cùng thời lượng lên sóng, cùng số chữ trong bài viết không phải là bất thiên vị hay vô tư

– Tung hứng lời trích ăn khách – chọn các lời trích có tính hút khách, nhất là khi tập hợp chúng để đưa vào bài một cách hình thức, nhằm ghi điểm mà không hề phản ánh được tính đa dạng của nhiều loại quan điểm hay giúp tạo ra thảo luận nghiêm túc

– Chọn lời góp ý theo phản xạ – khi đón nhận hàng loạt quan điểm, nhà báo thường dễ chọn những quan điểm tán đồng với ý kiến đã kỳ vọng từ trước.

Theo BBC


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Tại sao BBC là hãng tin trung thực và khách quan? (phần 2)”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề