Việt Nam vào top sự kiện quan trọng nhất đối ngoại Nga

Đài Sputnik tổng kết các sự kiện ngoại giao chính của thế giới trong năm qua về những sự kiện chủ chốt của đời sống đối ngoại trên thế giới.

Dù nhìn dưới góc độ nào, các sự kiện liên quan đến khủng bố đã trở thành những điểm nhấn quan trọng nhất trong lĩnh vực chính trị quốc tế.

Sự kiện thứ nhất: Chiến dịch quân sự của Nga chống IS ở Syrria

Một trong những sự kiện trọng tâm của năm qua là việc Nga mở ra mặt trận mới chiến đấu chống cơ cấu tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga và hàng loạt nước khác – đó là nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS-tiếng Ả Rập: Daesh) và những tổ chức cực đoan khác.

Từ ngày 30 tháng 9, theo yêu cầu của Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Syria Bashar al-Assad, nhóm máy bay chiến đấu thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga bắt đầu chiến dịch không kích giáng đòn vào những cứ điểm và chủ thể quân sự của các đối tượng khủng bố thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Từ đó trở đi, không quân Nga đã thực hiện hơn 2.000 chuyến bay, tiêu diệt hàng trăm tay súng và khoảng 3.000 cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo, mà theo đánh giá của Đại sứ Syria tại Moscow Riyad Haddad, chiếm khoảng 40% toàn bộ cơ sở hạ tầng của IS (Daesh).

Sự kiện thứ 2: Cú đâm sau lưng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Cuối tháng 11, chiến dịch chống IS của Nga ở Syria đã bị phủ bóng ảm đạm bởi vụ việc chiếc Su-24 của Nga bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên vùng trời tỉnh Latakia-Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4km, khiến phi công Oleg Peshkov hy sinh, còn hoa tiêu Konstantin Murakhtin được cứu thoát.

Ankara khăng khăng rằng chiếc Su-24 đã vi phạm không phận của nước này, nhưng Bộ Tổng Tham mưu Nga kiên quyết bác bỏ và tuyên bố, những dữ liệu của phòng không Syria cho thấy, máy bay chỉ bay trong không phận nước này, chính F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ mới xâm phạm không phận Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đâm sau lưng”, “sự đồng lõa, tiếp tay cho khủng bố” và cam kết sẽ đáp trả thích hợp. Và không phải chờ lâu, Moscow sau đó ban hành loạt biện pháp trừng phạt đối với Ankara.

Sự kiện thứ 3: Các cuộc tấn công khủng bố lan đến nước Pháp

Trong năm 2015, một trong những quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu là Cộng hòa Pháp đã phải hứng chịu tổn thất chưa từng có đối với bản thân họ, cũng như với toàn bộ châu Âu, do loạt cuộc tấn công liên hoàn của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Sự kiện bạo lực đầu tiên xảy ra hồi tháng 1, khi những đối tượng ủng hộ Hồi giáo cực đoan đã xả súng trong Tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, nơi phát hành biếm họa về vị tiên tri Mohammed và tấn công vào cửa hàng bán đồ ăn chay của đạo Hồi, khiến 17 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, ngày đen tối thực sự của nước Pháp là ngày thứ Sáu – 13 tháng 11.

Hôm đó, bọn khủng bố tấn công vào nhà hát “Bataclan” có hơn 1000 khán giả ở Paris, cùng lúc ba vụ nổ bom tại sân vận động “Stade de France” trong thời gian diễn ra trận trận bóng đá giao hữu Pháp-Đức, xả súng vào người dân ở một số nhà hàng phía đông-bắc Paris.

Máy bay A321 Nga rơi trên bán đảo Sinai do khủng bố đánh bom

Máy bay A321 Nga rơi trên bán đảo Sinai do khủng bố đánh bom

Những cuộc tấn công này đã trở thành sự kiện khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước Pháp, với số nạn nhân thiệt mạng lên tới tổng cộng 130 người và còn 350 người khác bị thương. Các đại diện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về loạt tấn công khủng bố này.

Sự kiện thứ 4: Thảm kịch máy bay Nga rơi trên báo đảo Sinai

Trong năm qua, cả những người dân Nga bình dị cũng đã phải đối mặt với biểu hiện tàn độc của chủ nghĩa khủng bố. Ngày 31 tháng 10 đã xảy ra vụ khủng bố trên máy bay lớn nhất trong lịch sử hàng không Nga và Liên Xô.

Chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không “Kogalymavia” bay từ thành phố Sharm el-Sheikh tới Saint-Peterburg đã bị rơi ở vùng bắc bán đảo Sinai, khiến toàn bộ người trên máy bay đều tử nạn, bao gồm 217 hành khách, phần lớn là công dân Liên bang Nga và 7 thành viên phi hành đoàn.

Ông Aleksandr Bortnikov – lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang Nga tuyên bố rằng, thảm kịch này là kết quả của cuộc tấn công khủng bố của những phần tử ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Sự kiện thứ 5: Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất lịch sử châu Âu

Sự kiện ở Trung Đông và Bắc Phi gây ra cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất châu Âu và thế giới kể từ sau Thế chiến II. Chỉ trong mười tháng đầu năm đã có khoảng 1,2 triệu người di cư, chạy trốn các cuộc chiến tranh ở Syria, Lybia, Yemen…cố gắng lọt vào Tây Âu và chủ yếu là tới Đức.

Tìm cách đối phó với dòng chảy di dân không thể chế ngự được, vào cuối mùa hè các nước Áo, Đức, Slovakia, Hungary và Bulgaria đã ban hành chế độ kiểm soát trên biên giới nội bộ Schengen, dựng lên những tường ngăn với hàng rào dây kẽm gai.

Chỉ tính đến cuối tháng 11 năm 2015 số người thiệt mạng trên con đường tới “miền đất hứa” đã là hơn 3400 và hàng ngàn người khác bị coi là mất tích. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, bởi không ai thống kê được chính xác số người bị chìm trên những con thuyền ọp ẹp vượt Địa Trung Hải.

Hiện nay, số lượng người tị nạn vẫn không ngừng gia tăng, nhưng Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có biện pháp nào khả dĩ để đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ, đã xé nát châu Âu này.

Châu Âu phải hứng chịu cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất

Châu Âu phải hứng chịu cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất

Sự kiện thứ 6: Hạt nhân hòa bình của Iran

Một trong những thành tựu lớn của cộng đồng quốc tế năm 2015 là cuộc đàm phán quốc tế giữa Iran và “Nhóm 6” (P5+1) đã đạt được thỏa thuận lịch sử, tháo gỡ khúc mắc lâu năm về chương trình hạt nhân của Iran. Trong đó, có phần dóng góp lớn về ngoại giao của Nga.

Việc thực hiện thỏa thuận này dự trù xóa bỏ hoàn toàn chế độ trừng phạt kinh tế và tài chính chống Iran, mà trước đó Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã áp đặt.

Sự kiện thứ 7: Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Thêm một bước đột phá trong lĩnh vực chính trị quốc tế là sự kiện khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba, vốn đã bị cắt đứt vào năm 1961 sau khi hòn đảo này đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa, với quyền lực duy nhất và toàn diện của đảng Cộng sản.

Tuy vậy, kể cả là Hoa Kỳ đã đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và lập lại quy chế ngoại giao cấp Đại sứ quán, nhưng con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vẫn còn rất nhiều khúc mắc khó tháo gỡ, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và thực sự tôn trọng lẫn nhau.

Sự kiện thứ 8: Donbass không kịp hòa giải

Tất cả những sự kiện trên đây phần nào che mờ cuộc khủng hoảng Ukraina, mà cho đến 9 tháng đầu năm vẫn là vấn đề quốc tế “số 1”.

Thỏa thuận Minsk 2 về hòa bình Ukraina đã không đạt được kế hoạch đề ra

Thỏa thuận Minsk 2 về hòa bình Ukraina đã không đạt được kế hoạch đề ra

Tiến trình hòa bình ở Ukraina cần được hoàn thành vào cuối năm 2015. Thời hạn như vậy đã được ghi nhận trong “gói biện pháp thực hiện Hiệp định Minsk”, do nhóm liên lạc ba bên ký vào ngày 12 tháng 2, dựa theo kết quả cuộc đàm phán marathon kéo dài 17 giờ tại Minsk-thủ đô của Belarus (thường gọi là “Thỏa thuận Minsk 2”).

Song hành với những nỗ lực của nhóm liên lạc 3 bên, tại thủ đô Belarus đã liên tục diễn ra cuộc gặp của các nhà lãnh đạo “Bộ tứ Normandy” (Nga, Pháp, Đức, Ukraina) hay những cuộc điện đàm thường xuyên của các nguyên thủ 4 nước này để tìm kiếm sự thống nhất về quan điểm.

Tuy nhiên, “Thỏa thuận Minsk 2” đã không thể hoàn thành đúng thời hạn trong năm 2015. Tiến trình hòa bình cho Ukraina sẽ còn tiếp nối, sớm nhất là trong năm 2016, khi các bên bất đồng nghiêm trọng về mốc ngày tháng tiến hành các cuộc bầu cử địa phương ở vùng Donbass.

Sự kiện thứ 9: AIIB bước vào hoạt động, đối chọi với IMF và WB

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm qua đã để lại điểm nhấn về các quá trình liên kết-hội nhập kinh tế. Cụ thể, đã xuất hiện cơ cấu mới và tầm cỡ về tài chính liên quốc gia – Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), thành lập theo đề nghị của Trung Quốc.

Giới quan sát viên xem AIIB như là công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới, đồng thời như là đối thủ cạnh tranh thực tế với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở tại Mỹ, là các cơ cấu không kết nối với sáng kiến ​​của Bắc Kinh.

Vào cuối năm, Washington đã đạt thành quả trong ý tưởng đối chọi với Bắc Kinh, đó là vận động hành lang thỏa thuận thiết lập cơ cấu khu vực tự do thương mại quy mô lớn “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), trong đó tổng GDP sẽ chiếm tỷ lệ 40% của toàn thế giới.

Trong cơ cấu kinh tế được dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới về chính trị-kinh tế trong tương lai này, cả Trung Quốc và Nga đều không được mời.

Sự kiện thứ 10: Mốc kỷ niệm năm chẵn của Liên Hợp Quốc

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã trở thành trung tâm chú ý của phiên họp kỷ niệm tròn 70 năm thành lập của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khai mạc cuối tháng 9 vừa qua.

Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đi vào hoạt động, đối chọi với IMF và WB

Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đi vào hoạt động, đối chọi với IMF và WB

Tổng cộng, phiên họp diễn ra ở New York đã thảo luận tới 170 đề tài, còn trong quá trình tranh biện chung dài 6 ngày đã có 150 bài phát biểu của các nhà lãnh đạo quốc gia khác nhau, trong đó để tài cuộc chiến chống khủng bố chiếm phần lớn chương trình nghị sự của phiên họp.

Sự kiện 11: Dấu son quan hệ Nga-Việt trong năm 2015

Ngày 30 tháng 1 năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Nga và Việt Nam (tiếp nối truyền thống của Liên Xô).

Trong hơn sáu thập kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã đạt đến cấp độ “quan hệ đối tác chiến lược” và phát triển thành công một cách toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực như kinh tế, nhân đạo, văn hóa và hợp tác quân sự-kỹ thuật.

Từ ngày 7-10 tháng 5 năm 2015, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đến thăm Nga và dự kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức. Ngày 8 tháng 5, Chủ tịch Việt Nam đã tham gia tiệc chiêu đãi do Tổng thống Vladimir Putin tổ chức nhân lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng.

Ngày 9 tháng 5, Chủ tịch Việt Nam cùng các thượng khách nước ngoài ngồi trên lễ đài dự cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít Đức.

Ngày 10 tháng Năm, Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp Thống đốc thủ đô Moscow Andrei Vorobyov. Trong sự hiện diện của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, hai bên đã ký thỏa thuận về hợp tác khoa học-kỹ thuật và văn hóa kinh tế thương mại giữa Thủ đô Moscow và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin

Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đến thăm văn phòng của tập đoàn nhà nước “Zarubezhneft”. Trong quan hệ đối tác với “Petrovietnam”, “Zarubezhneft” đã phát triển thành công liên doanh doanh dầu khí “Vietsovpetro” ở miền Nam Việt Nam và “Rusvietpetro” ở cực Bắc phần châu Âu của Nga.

Sau cuộc gặp với sự tham dự của chủ tịch nước Việt Nam, các nhà lãnh đạo “Zarubezhneft” và “PetroVietNam” đã ký bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai công ty. Trong buổi gặp này, các chuyên gia xuất sắc nhất của cả 2 bên được trao tặng giải thưởng hữu nghị của cả hai nước.

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, các thủ tướng Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia) và Việt Nam đã ký thỏa thuận về khu vực thương mại tự do (FTZ), đánh dấu sự ra đời của công cụ quốc tế đầu tiên về FTA, giữa EAEC và các bên thứ ba.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gọi việc ký kết tài liệu là “giải pháp mang tính đột phá”. Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ông Medvedev bày tỏ hy vọng rằng việc thực hiện văn bản “sẽ đóng góp to lớn vào sự phát triển và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước”.

Trí Lê (Theo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề