Việt Nam thiếu 4 yếu tố để được công nhận nền kinh tế thị trường

Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt đủ 5 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được 1 tiêu chí trong số đó: Mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ buổi gặp gỡ báo chí ngày 7.12 do phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực chính thức từ năm 2018 và EU sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện FTA.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho hay, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam đã đưa ra lộ trình và định hướng rõ ràng để cải thiện nền kinh tế ở Việt Nam.

“EU sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi và để tiến tới công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường” – đại sứ Bruno Angelet nhấn mạnh.

Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt đủ 5 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được 1 tiêu chí trong số đó là Mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.

4 tiêu chí chưa đạt là: không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; Lĩnh vực tài chính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và thông minh hơn. Điều này sẽ mở ra một làn sóng đầu tư mới, có chất lượng cao hơn từ cả hai phía và được hỗ trợ bởi một hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư tiến bộ.

Cũng nói về hỗ trợ của EU cho Việt Nam, ngài đại sứ Bruno Angelet cũng cho biết, EU có hai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.
Chương trình thứ nhất là Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP), nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong hoạt động đầu tư và thương mại với EU. Chương trình thứ hai dành riêng cho khu vực ASEAN, hướng tới hỗ trợ khu vực thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó có một nội dung hỗ trợ dành riêng cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, EU còn có nhiều hỗ trợ cho Bộ Tài chính trong lĩnh vực quản lý tài chính công. Điều này được kì vọng sẽ giúp Việt Nam cân bằng cán cân tài khóa, nhất là trong bối cảnh nguồn thu của Việt Nam từ thuế xuất khẩu sẽ giảm khi thực hiện các FTA.

Về vấn đề pháp quyền, EU sẽ cho biết hỗ trợ 14 triệu Euro giúp cho người dân tiếp cận tốt hơn về pháp luật và chính sách.

Theo thống kê, EU hiện chiếm tới 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó các sản phẩm điện tử, điện thoại chiếm tỷ trọng lớn tới 30%. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, ngay sau Hoa Kỳ.

Làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam đang có nhiều tiến triển. EU cũng là đối tác có nhiều viện trợ không hoàn lại lớn nhất đối với Việt Nam.

Trí Lê (Theo Một Thế giới)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề