Trung Quốc xây kênh đào xuyên châu lục, ‘xâm thực’ sân sau của Mỹ

Tờ AFP nhận định, các công ty Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào khu vực Trung Mỹ vơi những kế hoạch đầy tham vọng như kênh đào xuyên Trung Mỹ ở Nicaragua nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương hay đập thủy điện ở Hondurat, nơi trước giờ chính là sân sau của Mỹ.

Kênh đào Nicaragua làm “mồi nhử” kinh tế

Kênh đào của Trung Quốc được đánh giá là sẽ cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama do Mỹ xây dựng, khẳng định ‘sức mạnh toàn cầu’ của Trung Quốc. Dự án có ngân sách lên đến 50 tỷ USD, do một công ty Hong Kong chủ thầu và dự tính sẽ tiến hành khởi công vào 22-12.


Dự án này trước đó đã chịu nhiều ý kiến phản đối từ chính người dân Nicaragua. Nhiều người lo sợ rằng dự án này sẽ khiến đất đai của họ bị chiếm đoạt và gây ra thảm họa môi trường khôn lường.

Những khẩu hiệu đòi “tống cổ Trung Quốc” đã được hàng ngàn nông dân và các nhà hoạt động đưa ra, kêu gọi biểu tình rầm rộ hôm 10-12 vừa qua ở thủ đô Managua (Nicaragua).

Jaume Gine, một chuyên gia về Trung Quốc người Tây Ban Nha, e ngại về tính khả thi của dự án. Tương tự như người Mỹ từng xây dựng kênh đào Panama,Trung Quốc đang muốn xây dựng kênh đào tại Nicaragua để thể hiện “quyền lực siêu cường”. Tuy nhiên, việc xây dựng lại mang ý nghĩa “hình ảnh” hơn là lợi ích thiết thực
Ngược lại, theo James Bosworth, một nhà tư vấn chiến lược Nam Mỹ, dự án này sẽ tạo ra những nguồn lợi về kinh tế và đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư. Không chỉ có kênh đào, dự án tổng thể còn bao gồm nhiều đề xuất khác về cơ sở hạ tầng như cảng, đường xá, khu du lịch và một sân bay. Tuy nhiên Bosworth cũng đánh giá dự án táo bạo này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật và sự tẩy chay của người dân địa phương.

Dự án sẽ gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở Nicaragua và chính thức đưa các công ty của Bắc Kinh cạnh tranh ngang hàng với các công ty của Mỹ hay Canada trong khu vực châu Mỹ Latinh.

“Xâm thực” chính trị Mỹ La-tinh

Một vấn đề khác cũng được đưa ra tranh luận không kém đó chính là những mục đích chính trị của Trung Quốc khi đầu tư tiền tỷ vào khu vực sân sau của Mỹ.

Sự có mặt mọi nơi của Trung Quốc ở Trung Mỹ đã được khẳng định qua rất nhiều dự án đầu tư lần này. Panama hiện nay là điểm đầu tư chủ lực của Trung Quốc ở khu vực này. Tuy nhiên Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2,5% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Panama, thậm chí còn thấp hơn cả Costa Rica và Guatemala.

Ngoài khoản đầu tư vào kênh đào, các khoản đầu tư khác đều khá nhỏ lẻ. Nhưng chúng giúp cho các nhà đầu tư Trung Quốc dần dần tiếp cận thị trường “xa lạ” này. Trung Quốc đang từng bước định hình vị thế của mình ở khu vực Trung Mỹ và Caribbean.

Mục tiêu chính của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh là năng lượng, viễn thông và cơ sở hạ tầng. Ở Costa Rica, Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đang dự định xây dựng nhà máy lọc dầu với kinh phí đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD. Ở Honduras, công ty Sinohydro (Thủy điện Trung Quốc) muốn xây dựng đập thủy điện với kinh phí 350 triệu USD.

Hiện nay, cả hai dự án này đều đang bị đình chỉ do những phản đối gay gắt của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng dự án tiếp tục được khởi động lại là rất cao. Các nhà đầu tư Trung Quốc còn không ngần ngại đưa ra kế hoạch về một đường sắt nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với ngân sách 20 triệu USD cũng nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama.

Rõ ràng những lợi ích chính trị thông qua những dự án khổng lồ ngay tại sân sau của Mỹ là điều không cần phải bàn cãi. Theo ông Gine chuyên gia về Trung Quốc ở trường ASADE Tây Ban Nha, những dự án này sẽ cho phép Trung Quốc củng cố vị thế địa chính trị của mình trên toàn thế giới.

Nguồn: Pháp Luật


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề