Tư duy rừng vàng biển bạc vẫn còn đây

Thời gian gần đây, bạn bè ở nước ngoài hay hỏi tôi: “Chúng tôi muốn đến châu Á, bạn ở Việt Nam, vậy có thể cho biết chúng tôi có nên đến Việt Nam không?”.

Phản xạ đầu tiên là hoan nghênh bạn đến du lịch, rồi thao thao bất tuyệt về Vịnh Hạ Long, về Phong Nha – Kẻ Bàng là những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, về bãi biển thành phố Đà Nẵng được tặng danh xưng “một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh”.

Đến khi bạn bè quyết tâm đến Việt Nam, trong lòng tôi lại dấy lên sự lo âu, sợ cái thực tế “danh thắng thiên nhiên” của xứ mình còn bao chuyện lệch pha với tiêu chí thưởng thức văn hóa của người phương xa.

Người Việt hân hoan trước sự kiện một nhóm phóng viên quốc tế đã làm cầu truyền hình trực tiếp nối hang Sơn Đoòng với Quảng trường Thời Đại tại Mỹ.

Xu thế chung hừng hực tự hào, rất giống bao năm chúng ta từng tự hào Việt Nam là đất nước rừng vàng biển bạc, vô hình trung một lần nữa, bằng sự kiện cầu truyền hình, chúng ta tái lập giáo dục cộng đồng tư duy “Việt Nam là nước giàu tài nguyên thiên nhiên du lịch”.

Cách đây bốn năm, với sự ủng hộ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, các đoàn thể, đặc biệt là sinh viên, học sinh, được động viên tham gia các hoạt động bầu chọn Vịnh Hạ Long là một kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Tinh thần chẳng khác nào trong một trận đánh, đã đánh là phải thắng, nên có hàng trăm cuộc gặp gỡ, kêu gọi những người trẻ tuổi khắp cả nước tham gia hội họp, ký tên ủng hộ, và nhắn tin, gài vào bộ nhớ thế hệ trẻ một niềm tự hào “kỳ quan” rất thô sơ như thế.

Sau cuộc bình chọn, ngoài lòng tự hào đã được thỏa mãn là danh thắng được công nhận, rồi một thế hệ người trẻ sẽ được trang bị gì thêm về ý thức ứng xử với di sản thiên nhiên? Việc các cơ quan quản lý nhà nước quảng bá các danh thắng để có được sự công nhận, bảo vệ và khai thác tài nguyên là cần thiết.

Nhưng việc lựa chọn đối tác và cách làm luôn hướng về phía người tiêu dùng bên ngoài, tức là chỉ có một mục đích quảng bá để sau đó khai thác tài nguyên du lịch sẽ không tạo được nền tảng bền vững khi các chủ sở hữu chưa ý thức đúng đắn về tài nguyên “rừng vàng biển bạc”.

Hầu như tư duy sở hữu tài nguyên của chúng ta có điều gì đó chưa ổn. Mỗi lần nghe có dự án định đầu tư khai thác tài nguyên, chúng ta thường dấy lên làn sóng phản đối.

Trong khi sự kiện quảng bá được tổ chức rầm rộ thì chẳng mấy ai biết đến việc làm của một nhóm nhỏ trí thức và sinh viên nhằm phản đối việc xây dựng cáp treo Sơn Đoòng, và cũng không ai biết việc nhóm người trẻ này lập diễn đàn phản đối như vậy có đúng không. Họ không có hậu thuẫn để có những nghiên cứu khoa học chứng minh việc đầu tư cáp treo ở một di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng là không thích hợp với việc bảo tồn thiên nhiên.

Và kết quả “nhãn tiền” là có thể tác động đến suy nghĩ của một lớp trẻ về bảo vệ, tôn trọng di sản thiên nhiên đang được sở hữu là rất mong manh.

Không ai giải nổi bài toán nên để một doanh nghiệp đầu tư cáp treo cho vài chục triệu người Việt và khách quốc tế được thỏa thích ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ hang động với vài chục đô la chi phí vé cáp treo hay là nên “bế quan tỏa cảng” một di sản thiên nhiên, làm du lịch cho khách tham quan đủ khả năng chi trả hơn 3.000 đô la cho hành trình mấy ngày vào tham quan hang động!

Ai cũng thấy sự khác nhau rõ ràng giữa hai chiếc quần jeans trị giá 400 đô la và 20 đô la. Nhìn bề ngoài cũng rõ sự khác nhau về tài năng thiết kế, nguyên vật liệu…, nhưng nếu là người Nhật Bản hay người châu Âu, họ còn được giáo dục để biết giá trị bên trong của một sản phẩm.

Nếu chiếc quần 400 đô la ẩn chứa những giá trị như vải cotton hữu cơ của người Nhật, nhuộm bằng màu chàm từ thiên nhiên, nước thải được xử lý trước khi cho ra hệ thống thoát, nhãn được sản xuất từ giấy tái chế, mạc da gắn sau lưng làm bằng loại da thừa từ các xưởng sản xuất giày tại Ý, thì chiếc quần 20 đô la là tổng hợp của mức lương cực kỳ thấp của công nhân các nước nghèo, nước xả vải nhuộm không xử lý dẫn thẳng ra sông, những chiếc đinh khuy có khả năng gây độc hại cho người sử dụng và môi trường.

Chỉ là một chiếc quần jeans sản xuất ở những nền văn hóa khác nhau, với tiêu chí khác nhau trong ứng xử với môi trường thiên nhiên đã đem lại giá trị vật chất cho người trực tiếp sản xuất. Huống gì với một di sản thiên nhiên có sẵn, không nên coi là rừng vàng biển bạc, mang hàm nghĩa “ăn hoài không hết”, bởi cả thế giới đang đi theo tiêu chí văn minh rất khác cách ứng xử với di sản thiên nhiên của chúng ta.

Trí Lê (Theo DNSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề