Trung Quốc triển khai tàu nghe lén công nghệ cao mới

Tàu trinh sát Neptune sẽ giúp hải quân Trung Quốc thực hiện thường xuyên hơn nữa các hoạt động do thám, nghe lén trên biển đối với các đối thủ.

trung-quoc-trien-khai-tau-nghe-len-cong-nghe-cao-moi

Tàu trinh sát điện tử mang số hiệu 853 của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Chinanews

Hải quân Trung Quốc vừa mới đưa vào biên chế một tàu trinh sát điện tử công nghệ cao mới. Chiếc tàu này ít nhất là chiếc thứ 4 kể từ năm 1999, theo Daily Beast.

Tàu trinh sát Type 815 Neptune được trang bị các thiết bị nghe lén điện tử nhạy bén có thể giúp Bắc Kinh cải thiện hơn nữa khả năng thu thập tin tức tình báo về các đối thủ trên biển, đặc biệt là hải quân Mỹ, theo chuyên gia phân tích quân sự David Axe.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tàu Neptune được đưa vào biên chế hôm 26/12, hai ngày sau một lễ ra mắt được cho là diễn ra ở một căn cứ hải quân không được tiết lộ ở Biển Đông. Theo tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tàu Neptune “có thể tiến hành trinh sát liên tục nhiều mục tiêu trong phạm vi nhất định trong mọi điều kiện thời tiết”.

Tàu Neptune dài khoảng 122 mét, có các mái vòm lớn bên trên chứa các ăng ten chặn thu sóng radar và radio liên lạc của các đối thủ tiềm năng. Các chuyên gia phân tích tình báo trên biển và trên bộ của Trung Quốc sau đó có thể giải mã các tín hiệu để xác định các khả năng của các tàu, máy bay và thiết bị quân sự của các quốc gia khác.

Trung Quốc đã triển khai ngày càng nhiều hạm đội tàu gián điệp ra các vùng biển xa xôi và hoạt động trên phạm vi rộng trong những năm gầy đây, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đối thủ địa chính trị sát sườn nhất là Nhật Bản, và đối thủ tiềm năng nặng ký nhất là Mỹ.

Hồi giữa tháng 11, một máy bay trinh sát P-3 của không quân Nhật Bản được cho là đã phát hiện một tàu Type 815 đang hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông. Trong những năm gần đây, cả hai nước đều điều các tàu tuần tra đi vào vùng biển quanh nhóm đảo này, dẫn đến một số tình huống căng thẳng trên biển.

Tháng 7/2014, Bắc Kinh điều một tàu do thám Type 815 tới vùng biển ngoài khơi Hawaii nơi có hơn 50 tàu chiến của Mỹ và các quốc gia khác đang có mặt để tham gia tập trận RIMPAC quy mô lớn nhất của các lực lượng hải quân trên thế giới.

Lầu Năm Góc trước đó đã mời 4 tàu Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, nhưng họ không mời tàu loại Type 815. Các chiến lược gia hải quân Mỹ đã thận trọng khi mời các tàu Trung Quốc đứng ngoài cuộc tập trận, nơi họ không thể quan sát trực tiếp các chiến thuật và trang bị của Mỹ cũng như các tàu của đồng minh.

Điều này cho thấy Mỹ muốn “chơi đẹp” với Trung Quốc mà không lo bị lộ các bí mật quân sự. Tuy nhiên tàu gián điệp không được mời của Trung Quốc đã phá vỡ quy tắc và tiến vào khoảng cách đủ gần với khu vực diễn ra các cuộc tập trận để thu thập thông tin tình báo giá trị.

Theo ông Axe, các hoạt động của tàu gián điệp Trung Quốc sẽ không gây khó chịu cho Mỹ đến vậy nếu như Bắc Kinh không quá nhạy cảm với các hoạt động của các tàu do thám Mỹ vốn hoạt động lặng lẽ hơn trong các vùng biển gần Trung Quốc.

trung-quoc-trien-khai-tau-nghe-len-cong-nghe-cao-moi-1

Lễ biên chế tàu Neptune tại một căn cứ hải quân trên Biển Đông hôm 26/12/2015. Ảnh: Chinamil

Bộ tư lệnh hải vận quân sự Mỹ (Military Sealift Command), lực lượng bán dân sự của hải quân Mỹ hiện vận hành 5 tàu trinh sát tương tự như các tàu Type 815 cả về khả năng và kích cỡ. Năm 2009, các tàu cá Trung Quốc đã bám đuôi và chạy cắt mặt tàu trinh sát Impeccable của Mỹ khi nó đang đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hải quân Mỹ khi đó đã phải điều một tàu khu trục trang bị vũ khí hạng nặng để hộ tống tàu Impeccable và ngăn chặn các tàu cá này tiếp tục có các hành vi cản trở.

Điều đáng chú ý là tàu do thám Type 815 của Trung Quốc đã triển khai ở Vùng đặc quyền kinh tế của cả Mỹ và Nhật Bản trong những năm sau đó, một hành động bị Lầu Năm Góc lên án trong báo cáo về Trung Quốc năm 2013. “Trong khi Mỹ coi các hoạt động của hải quân PLA trong EEZ của mình là hợp pháp thì Trung Quốc coi hoạt động tương tự của tàu quân sự nước ngoài là bất hợp pháp”, báo cáo nhấn mạnh.

Giờ đây, với việc có nhiều hơn các tàu loại Type 815 biên chế vào hạm đội, hải quân Trung Quốc có thể tiến hành thường xuyên hơn các nhiệm vụ trinh sát, nghe lén, có khả năng sẽ thâm nhập sâu hơn và nhiều khả năng khiến chính phủ Mỹ khó chịu hơn nữa, chuyên gia Axe lưu ý.

Theo vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề