Toshiba và vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử

Vì danh tiếng, vì lo sợ sự tháo chạy của các nhà đầu tư… trong nhiều năm qua, Tập đoàn Toshiba, hãng chế tạo thiết bị điện tử gia dụng và kỹ thuật công trình hàng đầu của Nhật Bản đã “phù phép” để biến lỗ thành lãi, đẩy số tiền khai khống tài chính lên tới 1,2 tỉ USD. Vụ việc sẽ chẳng thể bị tiết lộ nếu không có cuộc điều tra kiên quyết và nhanh chóng của các nhà điều tra độc lập ở Nhật Bản.

Đối diện án phạt tới 3 tỉ USD

Theo Hãng Reuters, Tập đoàn Toshiba đang phải đối mặt với mức phạt từ 300 tỉ yên đến 400 tỉ yên Nhật, tương đương 2,4 tỉ đến 3,2 tỉ USD vì những sai lệch trong hoạt động kế toán suốt 15 năm qua. Chỉ tính riêng trong 6 năm, từ năm 2008 đến nay, tập đoàn này đã gian lận tài chính lên tới 170 tỉ yên (tương đương 1,22 tỉ USD). Con số này gấp 3 lần so với ước tính ban đầu khoảng 50 tỉ yên (tương đương 350 triệu USD).

Cũng theo Hãng Reuters, vụ bê bối của Toshiba bắt đầu khi cơ quan chức năng phát hiện ra những điểm bất thường trong sổ sách kế toán của công ty hồi đầu năm nay. Các điều tra viên không khỏi thắc mắc khi Ban lãnh đạo Toshiba đặt ra những mục tiêu không tưởng ngay sau khi hoạt động của bộ phận liên quan đến năng lượng hạt nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima năm 2011.

Sau đó, bê bối này được phát hiện bởi chính Tập đoàn Toshiba khi thuê một tổ chức thứ ba độc lập để tiến hành điều tra việc hạch toán sổ sách kế toán. Nguyên do là vì trước đó, tập đoàn này đã không thể khóa sổ kế toán trong năm tài khóa 2014 và phải hoãn việc chi trả cổ tức vào cuối năm.

Báo cáo dài 300 trang của Ủy ban điều tra độc lập công bố hôm 20-7 còn khẳng định, các sai lệch kế toán ban đầu được phát hiện tại các dự án hạ tầng của tập đoàn thuộc các lĩnh vực hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, kiểm soát không lưu và hệ thống đường sắt. Sau đó, khi thẩm tra sổ sách kế toán của các lĩnh vực khác như sản phẩm nghe nhìn, máy tính cá nhân và sản xuất con chip, các thành viên của Ủy ban điều tra độc lập này lại phát hiện thêm nhiều gian lận tài chính khác.

Một nguồn tin giấu tên cho hay, các nhà điều tra đã tìm thấy một sô quan chức cấp cao có dấu hiệu tham gia vào các vi phạm. Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu họ đã có hành vi cố ý khuyến khích sai phạm hay không cũng được tiến hành. Kết quả là ban lãnh đạo của Tập đoàn Toshiba đã chủ định sử dụng thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận bằng nhiều cách để làm đẹp báo cáo tài chính nhằm mục đích che giấu những khoản lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đồng thời đánh lạc hướng nhà đầu tư.

Sau bê bối của Tập đoàn Olympus hồi năm 2011, đây là vụ bê bối kế toán lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản. Không ai có thể ngờ được rằng, trước khi những thông tin này được công bố công khai trên báo giới, Tập đoàn Toshiba vẫn liên tục ra thông báo lợi nhuận ròng tăng gấp 6 lần lên 54,52 tỉ yên (600 triệu USD) nhờ doanh số bán thiết bị bán dẫn và các thiết bị cho nhà máy điện tăng mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo Toshiba còn khẳng định, lợi nhuận trong phân khúc sản phẩm kỹ thuật số và các thiết bị gia dụng có sụt giảm nhưng lại được phân khúc cơ sở hạ tầng xã hội (bao gồm việc cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện) bù đắp bởi phân khúc này đạt lợi nhuận cao kỷ lục… Hoạt động kinh doanh của Toshiba ở các nhà máy nhiệt điện và các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài đang diễn ra rất thuận lợi.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hisao Tanak cúi đầu xin lỗi về vụ bê bối.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hisao Tanak cúi đầu xin lỗi về vụ bê bối.

CEO tuyên bố từ chức

Sau khi bê bối tài chính này bị phanh phui, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) Toshiba Hisao Tanaka đã tuyên bố từ chức. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Hisao Tanaka đã “gửi lời xin lỗi sâu sắc đến cổ đông và tất cả các bên liên quan” bởi vụ việc “gây ra những thiệt hại lớn chưa từng có đến hình ảnh công ty”. Ông Hisao Tanaka cũng cho rằng những người đứng đầu Toshiba “phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự việc”, đồng thời thừa nhận scandal nêu trên có thể là “vết đen lớn nhất trong suốt lịch sử 140 năm của tập đoàn”.

Trong thông báo, ông Hisao Tanaka cho biết, ông Masashi Muromachi sẽ tạm thời điều hành tập đoàn. Bên cạnh đó, Toshiba cũng đang có kế hoạch thay thế hơn một nửa số thành viên hội đồng quản trị. Cùng với ông Hisao Tanaka, Phó chủ tịch Norio Sasaki (trước đây từng giữ vai trò Chủ tịch tập đoàn) và cố vấn Atsutoshi Nishida cũng phải từ chức.

Các nhà phân tích nhận định, việc Ban lãnh đạo Toshiba từ chức chỉ là cách làm giảm bớt tác động xấu của bê bối gian lận tài chính. Nói thế là bởi lẽ, việc làm sai lệch sổ sách kế toán ở Toshiba đã diễn ra dưới 3 đời CEO liên tiếp, gồm đương kim Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hisao Tanaka và hai người tiền nhiệm Sasaki (2009-2013) và Atsutoshi Nishida (2005-2009). Cả ba vị CEO này đều gây sức ép đòi đạt mục tiêu doanh số cao, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi kết quả không đạt, họ đã tìm cách trì hoãn đưa các khoản thua lỗ vào sổ sách và cấp dưới của họ thì không thể chống lại chỉ đạo của cấp trên.

Nhóm chuyên gia của Ủy ban điều tra độc lập cũng nhận định, Toshiba hiện không có cơ chế quản lý nội bộ hiệu quả, khiến nhiều hoạt động mờ ám đã và đang diễn ra trong hầu hết các bộ phận kinh doanh của tập đoàn. Ngay sau đó, Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh rằng, chính phủ sẽ thúc giục mạnh mẽ Tập đoàn Toshiba sớm cung cấp các con số chính xác về tài chính.

Còn Bộ trưởng Tài chính Taro Aso thì bày tỏ thất vọng về vụ việc trên. Mặt khác, ông Taro Aso đe dọa, các nhà đầu tư nước ngoài “có thể sẽ đánh mất niềm tin vào thị trường Nhật Bản và Sàn giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) nếu chính phủ không có sự quản trị doanh nghiệp đúng đắn”.

Thương hiệu Toshiba từng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thương hiệu Toshiba từng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguy cơ lụi tàn một thương hiệu?

Có thể khẳng định, vụ bê bối tài chính kế toán này đã làm sứt mẻ hình ảnh của một trong những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản. Giá trị cổ phiếu của Toshiba đã giảm khoảng 23% kể từ khi vụ việc bắt đầu được kiểm tra hồi đầu tháng 4 năm nay. Hiện Tập đoàn Toshiba cho biết họ sẽ điều chỉnh giảm lợi nhuận một khoản ít nhất 152 tỉ yên, tương đương 1,2 tỉ USD và tiến hành cuộc cải tổ hệ thống quản trị nội bộ để tránh nguy cơ bị kiện. Song điều đó cũng không đủ để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Một số quan chức Nhật Bản còn cho rằng, vụ việc này còn kinh khủng hơn scandal của tập đoàn chuyên sản xuất camera và vật tư y tế Olympus hồi năm 2011. Khi đó, Olympus bị phát hiện đã công bố các báo cáo tài chính chênh lệch tới 100 tỉ yên, so với thực tế nhằm che giấu tình hình thua lỗ trong suốt từ thập niên 90 đến năm 2011.

Một điều đáng nói là trước đó, thương hiệu Toshiba bắt đầu bị nhìn dưới góc độ tiêu cực tại Mỹ và châu Âu sau khi dính đến các scandal về gian lận giá và vi phạm bản quyền. Cụ thể, vào năm 2012, Toshiba đã bị phạt 87 triệu USD vì liên quan đến việc thao túng giá màn hình tinh thể lỏng nhằm thu lợi, gây ảnh hưởng đến công ty đối tác cũng như khách hàng tiêu dùng trực tiếp.

Phán quyết do Tòa án Bắc California (Mỹ) đưa ra nhấn mạnh, Tập đoàn chế tạo thiết bị điện tử gia dụng và kỹ thuật công trình hàng đầu của Nhật Bản đã vi phạm luật chống độc quyền và gian lận giá bán LCD. Trong số 87 triệu USD tiền nộp phạt, Toshiba phải trả 70 triệu USD bồi thường cho người tiêu dùng đã mua sản phẩm cuối cùng và 17 triệu USD cho các nhà sản xuất đã sử dụng màn hình LCD của hãng.

Chưa hết, Ủy ban châu Âu cũng từng tuyên phạt hãng này về hành động điều chỉnh giá linh kiện tivi với số tiền phạt vài trăm triệu USD. Quyết định của Ủy ban châu Âu là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài từ năm 2007 và Toshiba cùng một số công ty khác bị phát hiện có hành vi điều chỉnh giá linh kiện ống tia cathode trên các sản phẩm tivi và màn hình máy tính truyền thống.

Vũ Văn (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề