Ít ai biết khởi nguồn của Toyota lại xuất phát từ một công ty dệt thuộc dòng họ Toyoda tại Nhật Bản.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về “Các doanh nghiệp châu Á nổi bật”. Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Sáu hàng tuần. Kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về Toyota, một tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản.
Nhắc đến Toyota ai cũng biết đây là tập đoàn ô tô nổi tiếng xứ hoa anh đào. Toyota được thành lập năm 1937 bởi nhà sáng lập Kiichiro Toyoda. Qua gần 80 năm phát triển, Toyota hiện là đế chế ô tô quyền lực với các thương hiệu Toyota, Hino, Lexus, Ranz và Scion. Tập đoàn Toyota hiện cũng nằm quyền sở hữu lớn tại một loạt công ty Nhật Bản lớn khác như Daihatsu, Fuji Heavy Industries, Isuzu, Tesla,…Thế nhưng ít ai biết khởi nguồn của Toyota lại xuất phát từ một công ty dệt thuộc dòng họ Toyoda tại Nhật Bản.
Đế chế ô tô quyền lực xuất thân từ một hãng dệt
Ngày 01/09/1923, hệ thống đường sắt Nhật Bản bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất mạnh Kanto. Những chiếc ô tô đóng trò then chốt trong việc gấp rút cứu người và tái xây dựng sau thảm họa. Với nhiều người ô tô giờ đây vẫn là mặt hàng xa xỉ. Nhu cầu tiêu thụ ô tô của người Nhật lúc bấy giờ được đáp ứng bởi các hãng xe Mỹ trong khi ngành sản xuất ô tô Nhật với công nghệ chưa phát triển.
Năm 1933, Kiichiro Toyoda thành lập bộ phận sản xuất ô tô nằm trong công ty dệt Toyoda Automatic Loom Works và bắt đầu sản xuất động cơ.
Toyoda Automatic Loom Works là hãng dệt nổi tiếng được thành lập bởi Sakichi Toyoda – cha của Kiichiro Toyoda. Sakichi Toyoda vốn sinh ra tại Kosai, vùng đất nổi tiếng với bông sợi và là cái nôi của ngành công nghiệp dệt may Nhật Bản. Mẹ ông là một phụ nữ nông dân, hàng đêm cặm cụi dệt sợi bằng tay. Đây là điều truyền cảm hứng cho Sakichi phát minh ra guồng dệt mới giúp công việc này trở nên nhẹ nhàng hơn.
Sau này chính Sakichi là người có nhiều đóng góp, phát minh cho ngành dệt Nhật Bản. Từ đây nhiều nhà máy được thành lập tại vùng lân cận Kosai như Suzuki Loom Works (nay là Suzuki Motor Corporation), Suzumasa Shokki (nay là Enshu Ltd.).
Lại nói về con trai cả của Sakichi Toyoda, Kiichiro Toyoda sinh năm 1894 tại Yamaguchi, một vùng thuộc Kosai. Lúc này Sakichi dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về động cơ dệt nên Kiichiro sống cùng ông bà nội tại quê nhà cho đến năm ông lên 3 tuổi mới sống cùng bố.
Tuổi thơ Kiichiro lớn lên trong nhà xưởng của công ty và hàng ngày chứng kiến hình ảnh mọi người thiết kế, cải tiến và sửa chữa máy móc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cùng niềm đam mê máy móc ông vào học ngành kỹ sư tại trường đại học Tokyo Imperial Uninversity (nay là đại học Tokyo). Bạn học của ông sau này là đều là những người giúp ông trong ngành công nghiệp ô tô như Kazuo Kumabe, Tokushichi Mishima, Ryonosuke Yamada,…
Hai năm sau khi thành lập bộ phận sản xuất ô tô, Kiichiro Toyoda bắt đầu sản xuất ô tô và tách hẳn thành công ty Toyota Motor vào năm 1937. Năm 1940, sản lượng của toàn ngành sản xuất ô tô Nhật Bản đạt 46.000 chiếc so với con số 4,47 triệu chiếc của nước Mỹ. Sau năm 1945, phần lớn những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lựa chọn con đường lắp ráp cho các hãng nước ngoài thì Kiichiro Toyoda chọn con đường khác là tự chế tạo, sản xuất.
Ngày nay bên cạnh hoạt động kinh doanh chính là sản xuất ô tô, Toyota còn có những hoạt động trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, công nghệ sinh học, dịch vụ tài chính, tàu biển, công nghệ thông tin xe hơi.
Năm 2014, doanh thu của tập đoàn Toyota đạt 25.692 tỷ yên (tương đương 213,78 tỷ USD), tăng trưởng 16,1% trong đó đóng góp của mảng ô tô chiếm 92,56%.
Cũng trong năm nay, Toyota sản xuất khoảng 9 triệu chiếc xe trong đó gần một nửa được sản xuất tại Nhật. Tuy nhiên, lượng xe tiêu thụ tại chính quốc gia này chỉ khoảng 2,4 triệu chiếc, tương đương khoảng 25,6% tổng sản lượng.
Ông trùm ngành ô tô tại Việt Nam
Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) được thành lập vào tháng 9 năm 1995, là Công ty liên doanh với số vốn đầu tư ban đầu là 89,6 triệu USD từ Tập đoàn Toyota Nhật Bản (70%), Tổng công ty Máy Động Lực và Máy Nông Nghiệp – VEAM (20%) và Công ty TNHH KUO Singapore (10%). Đây là một trong những liên doanh ô tô có mặt đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Từ tháng 9 năm 1995, Toyota Việt Nam khởi công nhà máy tại Mê Linh, Vĩnh Phúc và chính thức hoạt động sau 1 năm. Nếu năm đầu tiên sản lượng của nhà máy chỉ khoảng 10 xe mỗi ngày thì đến nay con số đã lên đến hơn 100 xe.
Hiện nhà máy của Toyota Việt Nam có công suất đạt trên 36.000 xe/năm. Năm 2014 doanh số bán hàng của công ty này đạt kỷ lục với 41.205 chiếc, tăng 24% so với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD.
Theo số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama), Toyota Việt Nam đứng thứ 2 ngành ô tô với mức 30,6% thị phần.
Toyota Việt Nam hiện cũng là doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách kỷ lục khi nộp khoảng 700 triệu USD tiền thuế năm 2014, lũy kế đến hết năm này là 4 tỷ USD tiền thuế (bao gồm VAT, SCT, BIT, thuế nhập khẩu…).
Mặc dù là doanh nghiệp FDI đứng đầu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng hồi tháng 4/2015, Toyota khiến dư luận trong nước chú ý trước việc cân nhắc ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ Hiệp định thương mại tự do AEC.
Theo ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam trung bình một mẫu xe mất khoảng 3 năm chuẩn bị mới đưa ra thị trường, trong khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đến năm 2018 thì mức thuế này sẽ giảm xuống bằng 0%.
“Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong VAMA đều phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu”, ông Maruta cho biết.
Sau đó, mặc dù lên tiếng phủ nhận thông tin sẽ ngừng sản xuất ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, Toyota có hẳn một bản đề xuất với 2 kịch bản đi hay ở gửi tới Chính phủ Việt Nam. Nếu ở lại, hãng xin Chính phủ trợ giá ít nhất 10% giá trị xe. Nếu như với mức hỗ trợ lên tới 10-12,5%/xe và trung bình sản lượng xe của Toyota là 35.000-40.000 xe/năm thì tổng mức hỗ trợ mà Toyota đòi hỏi trong 10 năm phải lên tới 35.000-40.000 tỷ đồng.
Cho đến nay, câu chuyện “đi hay ở” của Toyota tại Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ.
Trí Lê (Theo Trí Thức Trẻ)
- TPP đảo ngược bài toán phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam
- Nhật Bản mở nhà máy sản xuất linh kiện cho xe ô tô tại Ukraina
- Toshiba và vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử
- Ngành công nghiệp ô tô - nguy cơ cản trở tăng trưởng kinh tế dài hạn
- Ngành ô tô Việt Nam 20 năm giậm chân tại chỗ
- Công nghiệp ôtô Việt Nam đang đứng ở "ngã ba đường"
Trả lời