Chính quyền Canberra, hôm 13/11/2014 cho biết đang theo dõi chặt chẽ bốn chiếc tàu chiến của Nga có mặt ở vùng biển quốc tế, phía bắc nước Úc. Theo Thủ tướng Tony Abbott, Nga muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình và động thái này có liên quan đến vụ bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines, hồi tháng Bẩy, làm 298 người thiệt mạng, trong đó có 38 công dân Úc.
Bốn tàu chiến Nga bao gồm một tuần dương hạm « được trang bị nhiều vũ khí », một khu trục hạm, một tàu kéo và một tàu tiếp nhiên liệu.
Nhìn bề ngoài, sự hiện diện của tàu chiến Nga ở ngoài khơi Úc trùng với thời điểm Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới dự Thượng đỉnh G20 ở Brisbane trong tuần này và tiếp sau cuộc trao đổi giữa nguyên thủ Nga và Thủ tướng Úc, tại Bắc Kinh, về vụ máy bay MH17.
Sau một vài phản đối, G20 đạt đồng thuận mời Tổng thống Nga tham dự Thượng đỉnh tại Brisbane, bất chấp sự bực bội của Canberra, và cho dù Kiev cũng như phương Tây cáo buộc Matxcơva cung cấp tên lửa cho phe ly khai ở miền đông Ukraina, bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines. Cho đến nay, Nga vẫn bác bỏ những cáo buộc này.
Theo chính quyền Úc, trước đây, hải quân Nga vẫn thường xuyên triển khai tàu chiến vào thời điểm có những hội nghị Thượng đỉnh quốc tế quan trọng. Năm 2010, một tàu chiến Nga thuộc hạm đội Thái Bình Dương đã hộ tống cựu Tổng thống Dmitri Medvedev khi ông tới thăm San Francisco, Hoa Kỳ.
Ông John Blaxland, chuyên gia về an ninh quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho rằng Tổng thống Putin muốn củng cố hình ảnh là một nhân vật cứng rắn, vào lúc vẫn có nhiều dè dặt về sự hiện diện của nguyên thủ Nga tại Úc. Theo ông Blaxland, « đây chỉ là màn trình diễn, biểu dương sức mạnh » và « người ta chỉ làm việc này khi cảm thấy không được hoàn toàn yên tâm và cần phải tỏ rõ vai trò của mình ».
Đối với Thủ tướng Tony Abbott, « việc triển khai lực lượng quân sự mỗi khi có những hội nghị quan trọng, thì không phải là hiếm đối với Nga. Không nên quên rằng trong thời gian qua, Nga đã tỏ ra rất quyết đoán về mặt quân sự » và điều này thể hiện rõ trong hồ sơ Ukraina.
Theo cựu chỉ huy quân đội Úc, ông Peter Leahy, hiện là Giám đốc Viện An ninh Quốc gia, thuộc đại học Canberra, thì việc Nga triển khai tàu chiến đã được lên kế hoạch từ trước và có liên quan đến hội nghị Thượng đỉnh G20. Chuyên gia này cho rằng, đó là một « hành động khéo léo biểu dương sức mạnh ». Matxcơva muốn đưa ra một thông điệp : Nga là một cường quốc hải quân, đi khắp nơi trên thế giới và có lợi ích trong khu vực này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tỏ ra điềm tĩnh hơn, khẳng định là các tàu chiến Nga có quyền hoạt động ở vùng biển quốc tế và bà cho biết : « Cách nay ít lâu, chúng tôi đã được thông báo về việc này. Chúng tôi đang theo dõi và các tàu này vẫn ở vùng biển quốc tế ».
Theo giới quan sát, việc Hoa Kỳ thực hiện chính sách « tái cân bằng » lực lượng trong vùng Châu Á cũng thu hút sự chú ý của các cường quốc khu vực. Theo thỏa thuận giữa Washington và Canberra, hàng trăm thủy quân lục chiến Mỹ thay phiên nhau đồn trú ở phía bắc nước Úc, một khu vực chiến lược nhằm kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc.
Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức trong hai ngày, 15 và 16/11. Chủ đề chính là tăng trưởng trên thế giới. Hồ sơ khủng hoảng Ukraina chắc chắn cũng sẽ được đề cập tới.
Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn European Leadership Network (ELN), có trụ sở tại Luân Đôn, Anh, về những nguy cơ xung đột quân sự có thể xẩy ra giữa Nga và phương Tây, kể từ khi có khủng hoảng Ukraina, thì đa số các sự cố diễn ra trên biển và trên không, ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Thái Bình Dương.
Nguồn RFI
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời