Tái tạo một lực lượng lao động thay thế con người là việc tất yếu trong nhịp độ phát triển chóng mặt của kỷ nguyên công nghệ hiện nay. Trong đó, robot luôn là một thành tựu đáng tự hào của người dân Nhật Bản.
Sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo robot ở Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng và mức lương bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, những chú robot luôn được nồng nhiệt đón chào như một giải pháp êm đẹp nhất nhằm xử lý tình trạng dân số lão hóa, lực lượng lao động thu hẹp cùng sự dè dặt trong nhập khẩu lao động của nước này.
Vốn dĩ, Nhật Bản luôn được biết tới là một cái nôi của công nghệ chế tạo robot. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn có tham vọng lớn hơn cho một “cuộc cách mạng robot” trong tương lai. Theo trang tin Bloomberg, trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ chú trọng việc thúc đẩy sử dụng các loại robot thông minh trong sản xuất, dây chuyền cung ứng, xây dựng và y tế – chăm sóc sức khỏe. Theo đó, nước này đang đặt mục tiêu phát triển thị trường robot từ 660 tỷ yên đến 2,4 nghìn tỷ yên vào năm 2020.
Phương án thay thế lao động hiệu quả
Theo ông Hajime Shoji, Trưởng bộ phận Thực hành công nghệ Châu Á – Thái Bình Dương tại tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group, “Sự thiếu hụt lao động là một vấn đề cấp bách đến nỗi các doanh nghiệp đều không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng hiệu suất làm việc”. Ông còn cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản trong thị trường này luôn rất lớn. Theo đó, đến năm 2025, robot có thể giúp tiết kiệm tới 25% chi phí lao động cho các nhà máy tại Nhật Bản.
Robot công nghiệp đang phân loại mặt hàng tại trung tâm phân phối Kuki, Nhật Bản.
Ngoài ra, tự động hóa còn rất có tiềm năng trong phân phối tại Nhật Bản. Đơn cử, trung tâm phân phối thuốc trị giá 10 tỷ yên Toho Holdings Co. chỉ tuyển có 130 nhân viên, chưa tới 1 nửa so với số nhân công tại các hãng thuốc lớn khác. Bởi lẽ hãng này đã sở hữu 16 robot làm việc hết sức đắc lực, góp phần tăng trưởng năng suất làm việc tới 77%.
Giám đốc điều hành Mitsuo Morikubo chia sẻ: “Chúng tôi quyết định cắt giảm nhân công bằng cách sử dụng robot để tránh những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự”. Tại trụ sở ở tỉnh Saitama, luôn có ít nhất 16 robot hoạt động nhằm phân loại và sắp xếp 28.000 mặt hàng dược phẩm trong kho. “Đội quân” robot này có khả năng sắp xếp tới 10.000 sản phẩm mỗi giờ với sự chính xác gần như tuyệt đối. Nhờ vậy, khối lượng công việc của các công nhân sẽ được giảm bớt đáng kể. Được biết, tập đoàn này dự kiến sẽ xây dựng một trụ sở khác tại Hiroshima, cũng sử dụng robot làm nguồn lực lao động chính.
Kỷ nguyên mới của robot làm dịch vụ
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản luôn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất sử dụng robot, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế tạo xe ô tô. Hiện tại, khi Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu chế tạo robot sản xuất tự động, Nhật Bản lại hướng trọng tâm vào chế tạo robot làm dịch vụ. Cùng với đó, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng cho robot dịch vụ tới 20 lần, đạt mức 1.200 tỉ yên vào năm 2020.
Bộ đồ cơ học HAL sẽ giúp các công nhân làm việc ít vất vả hơn.
Nổi bật có công ty Cyberdyne với sản phẩm bộ đồ cơ năng học HAL. Thiết bị này phát tín hiệu từ não truyền đi khắp các cơ bắp của người mặc, giúp giảm sự gắng sức vật lý nhằm hỗ trợ vận động dễ dàng hơn. Cụ thể, trong sản xuất và xây dựng, HAL giúp công nhân làm việc liên tục và ít căng thẳng hơn. Đối với bệnh nhân, HAL góp phần hỗ trợ vật lý trị liệu hiệu quả. Chủ tịch Yoshiyuki Sankai của Cyberdyne khẳng định, robot là một giải pháp hợp lý cho tình hình xã hội tại Nhật Bản. Ông còn tự tin robot của Cyberdyne sẽ nhanh chóng gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.
Thêm vào đó, robot cũng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Tại viện dưỡng lão Good Time Living ở tỉnh Chiba, điều dưỡng viên Yuki luôn mang theo bên mình chiếc tablet hiển thị hình ảnh người bệnh. Chiếc máy tính bảng này kết nối với camera trong phòng bệnh nhân, ghi lại mọi chuyển động của họ và sẽ báo hiệu nếu người bệnh cần sự hỗ trợ. Ngoài ra, để đỡ người bệnh ra khỏi giường, một chiếc máy nâng tự động cũng sẽ giúp các điều dưỡng viên hoàn thành nhiệm vụ. Cô Yuki chia sẻ mình bị mắc chứng đau lưng mãn tính và vì thế, chiếc máy này hỗ trợ cô rất nhiều trong công việc.
Robot luôn hiện diện thường xuyên trong lĩnh vực y tế – chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, để robot có thể thâm nhập sâu hơn vào đời sống, việc hạ giá thành luôn là một vấn đề đáng lưu tâm. Hiệu quả của robot là điều không phải bàn cãi, nhưng giá bán hiện tại vẫn quá cao. Ví dụ, hệ thống theo dõi bệnh nhân như trên có giá tới 500.000 yên, hay một chiếc máy nâng tự động trong bệnh viện cũng có giá không dưới 400.000 yên. Dù vậy, những sản phẩm robot dịch vụ có cấu tạo không quá phức tạp và kích thước nhỏ hơn sẽ có mức giá dễ chịu hơn, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Như Chủ tịch Yoshiyuki Sankai của Cyberdyne đã nói, một kỷ nguyên mới sẽ không thể bắt đầu nếu chúng ta không hành động. Tái tạo một lực lượng lao động thay thế con người là việc tất yếu trong nhịp độ phát triển chóng mặt của kỷ nguyên công nghệ hiện nay. Trong đó, robot luôn là một thành tựu đáng tự hào của người dân Nhật Bản.
Theo Trí thức trẻ
Trả lời