Những năm qua, lượng kiều hối chuyển về tăng qua từng năm, số DN có vốn góp của kiều bào cũng tăng trưởng ấn tượng…
40 năm đất nước thống nhất, trong suốt khoảng thời gian ấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài trở về quê hương, mang theo khát vọng làm giàu cho đất nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về vẫn tăng qua từng năm, số doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào cũng tăng trưởng ấn tượng, phần nào cho thấy tấm lòng hướng về quê hương của những người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau giải phóng đất nước, ông David Dương cùng cả nhà định cư trên đất Mỹ, bắt đầu mưu sinh bằng công việc bán ve chai. Từ một chiếc xe tải cũ ban đầu, đến nay California Waste Solutions của gia đình ông đã phát triển thành một công ty đứng thứ 37 trong 100 công ty hàng đầu về xử lý chất thải tại Mỹ. Kết quả kinh doanh ấn tượng đã giúp xây dựng được uy tín và làm rạng danh cho cộng đồng người Việt nơi này. Hiện nay, Công ty của ông có chi nhánh tại Philippines, Trung Quốc và hai khu liên hiệp xử lý chất thải có diện tích hàng trăm hecta tại Việt Nam. Tất cả các nhà máy đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Mỹ, rác sau khi được xử lý sẽ làm nguyên liệu sản xuất phân compost dùng bón cho cây trồng và khí gaz mê-tan dùng cho điện sinh hoạt. Không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông David Dương còn nổi tiếng về những hoạt động thiện nguyện, hết lòng chia sẻ với cộng đồng. Đi lên từ khó khăn, ông David Dương luôn nhớ đến cội nguồn, trân trọng tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống: “Công ty chúng tôi khi thành lập tại Việt Nam đã có một quyết tâm là trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ cộng đồng. Bởi khó khăn của xã hội là việc chung, đòi hỏi mỗi người cùng chung tay để nâng đời sống của cộng đồng ngày một tốt hơn và xã hội ngày một thăng tiến”.
Cũng với tâm niệm vì lợi ích của cộng đồng, ông Nguyễn Văn Công, một kiều bào Pháp đã trở về nước ngay từ năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất. Là một kỹ sư xây dựng, ông rất đỗi tự hào vì chính mình đã góp công làm nền móng cho 7 cao ốc trên 20 tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Hàm Nghi Tower, Sunwah Tower, Saigon Center…Về hưu hơn chục năm nay, ông Công cùng nhóm kỹ sư Việt kiều do mình sáng lập dành phần lớn thời gian ở Việt Nam, rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố phía Nam với ước mơ hết sức giản dị, đó là xóa đi những chiếc cầu khỉ bấp bênh, xây nên những cây cầu bê-tông vững chắc. Bằng nguồn kinh phí tự vận động, đến nay, nhóm đã hoàn thành gần 200 cây cầu bêtông ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và dự tính năm nay sẽ đi xây cầu ở các tỉnh phía Bắc. Ông Nguyễn Văn Công vui vẻ nói: “Tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ đồng bào ở Việt Nam, giúp cho quê hương mình. “Tôi đi khắp nơi thì thấy việc này rất quan trọng, có một cây cầu thì họ sung sướng lắm, vì 75% người dân sống ở nông thôn nên phải giúp đồng bào, làm thế nào cho cuộc sống của họ đi lên, mà họ cần cái gì nhất, đó là việc đi lại phải dễ dàng”.
Cũng với tấm lòng hướng về quê hương, đông đảo Việt kiều Thái Lan trở về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ từ những năm 1960 cho đến nay, đóng góp cho sự phát triển không ngừng của Việt Nam. Là thế hệ thứ ba kể từ ngày ấy, chị Phan Thị Hường, Việt kiều Thái đã về nước hơn 20 năm và hiện là Tổng Giám đốc Công ty Văn Minh AB, chuyên sản xuất phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản.
Sinh ra trong một gia đình có 3 thế hệ sống trên đất nước Thái Lan, chị luôn giáo dục con cái hiểu hơn về quê hương. Ngoài việc kinh doanh, chị cần mẫn làm công việc liên lạc, hỗ trợ bà con kiều bào Lào – Thái suốt nhiều năm qua, tích cực làm cầu nối để kiều bào hiểu biết hơn những chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, giúp họ vững tin trở về, đầu tư xây dựng đất nước.
Chị Hường tâm niệm, lớp người đi sau phải cố gắng truyền ngọn lửa nhiệt tình yêu nước cho thế hệ kiều bào trẻ, giúp họ hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước: “Kiều bào Thái Lan có một tinh thần yêu nước rất cao, thể hiện qua những cống hiến về sức người, tiền của để giành được độc lập. Tới hôm nay bà con vẫn luôn hướng về cội nguồn và dân tộc Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều người con của kiều bào Thái có học vị rất cao cũng luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn quay về cống hiến cho đất nước Việt Nam”.
Đất nước thống nhất đã 40 năm, nhưng cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài không tránh khỏi những sự khác biệt về nhận thức, định kiến về những vấn đề quá khứ. Những bước đột phá trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Việt Nam thời gian gần đây đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Những cung bậc cảm xúc khác nhau đã nói lên tình cảm của kiều bào đối với đất nước. Mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng tuyệt đại đa số đồng bào ta ở nước ngoài vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và một lòng hướng về quê hương./.
VOV News
Trả lời