Quyết định lịch sử của Eurozone

Hơn một tháng qua, mỗi một ngày đều mang ý nghĩa sống còn với Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh Athens sắp cạn tiền, cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính châu Âu tại Brussel, Bỉ hôm 21/2 (theo giờ Việt Nam) có thể là quyết định chính trị lịch sử với Hy Lạp và EU.

Trước sự thúc ép của giới chức EU, Mỹ và của thị trường, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis hôm 19/2 đã công bố đề xuất về kế hoạch mở rộng gói cứu trợ mới khi chương trình cho vay cũ sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/2. Nếu gói cứu trợ này không được gia hạn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và hậu quả của kịch bản này đối với cả Athens lẫn EU là vô cùng thảm khốc .

Thị trường chứng khoán Hy Lạp lại lao dốc

Thị trường chứng khoán Hy Lạp lại lao dốc

Nỗi sợ hãi bao trùm

Các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đại diện của chủ nợ quốc tế là Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi và Tổng giám đốc Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã gặp nhau tại Brussels để quyết định có chấp nhận kế hoạch mở rộng gói cứu trợ được chính phủ Hy Lạp đưa ra hay không.

Trong lúc các nhà đàm phán gặp nhau tại Brussel, thị trường đã trải qua một phiên giao dịch cuối tuần nhiều biến động. Bầu không khí lo lắng và sợ hãi bao trùm các thị trường do triển vọng mong manh của gói cứu trợ mới. Kết quả tất yếu là đồng Euro đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp và ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua so với đồng bảng Anh.

Trong khi đó tại Hy Lạp, làn sóng rút tiền mặt khỏi ngân hàng vẫn tiếp diễn những tuần gần đây với một tốc độ đáng lo ngại. Câu hỏi về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn là đề tài bí mật được mọi người rỉ tai nhau nữa mà trở thành một đề tài được trao đổi công khai ngay trên đường phố. Tất nhiên, mức độ nghiêm trọng của hoạt động rút tiền lần này chưa bằng năm 2012 nhưng con số 1 tỷ Euro bị rút mỗi ngày là lời cảnh báo với đảng Syriza vừa nắm quyền.

Người vô gia cư ngủ ngay trên đường phố Athens

Người vô gia cư ngủ ngay trên đường phố Athens

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Alexis Tsipras đã thực hiện đúng cam kết tranh cử là chấm dứt chương trình thắt lưng buộc bụng và nhận được sự ủng hộ của cả giới chức lẫn người dân trong nước. Thế nhưng hành động quay lưng lại với các chủ nợ quốc tế đã khiến Athens phải trả giá đắt khi thị trường chứng khoán lao dốc, dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường. Đáng chú ý là các chính trị gia cũng bị cuốn vào vòng xoáy rút tiền này khi xuất hiện thông tin ECB đang lên kế hoạch hành động trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Nhượng bộ chưa phải là tất cả

Cách thời điểm không thể tiếp cận với nguồn tiền của chủ nợ chỉ 9 ngày, đề xuất về gói cứu trợ mới có thời hạn 6 tháng của Hy Lạp đã ghi nhận không ít sự thỏa hiệp. Một trong những sự nhượng bộ đáng kể nhất là việc Athens sẵn sàng quay lại với chế độ giám sát của Troika – bộ ba chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu, ECB và IMF mà Bộ trưởng Tài chính Varoufakis đã đề cập trong bức thư gửi Chủ tịch Eurogroup Dijsselbloem.

Trước khi quan chức EU bắt đầu cuộc đàm phán thứ 3 về gói cứu trợ cho Athens, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thực hiện một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khu vực để thuyết phục các bên tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi cho cả Hy Lạp lẫn Eurozone. Thủ tướng Tsipras cũng kêu gọi các Bộ trưởng Tài chính thực hiện một “quyết định chính trị lịch sử” với tương lai của châu Âu bằng cách sớm thông qua thỏa thuận ngay sau cuộc đàm phán tại Brussels.
Động thái này của Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính – hai kiến trúc sư của chương trình đàm phán khiến nhiều quan chức Hy Lạp thông qua nhiều kênh khác nhau đã kêu gọi Eurozone cần phải có cách tiếp cận linh hoạt hơn bởi Athens đã có rất nhiều sự nhượng bộ.

Tất nhiên, đó chỉ là mong muốn một chiều của Athens bởi Đức và một số quốc gia chủ chốt khác của khu vực dường như không có chung quan điểm đó. Ngay sau khi Athens công bố đề xuất về gói cứu trợ mới, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã thẳng thắn phê phán về “kế hoạch không có nhiều giải pháp đáng kể”. Tuyên bố của người điều hành hệ thống tài chính lớn nhất châu Âu cho thấy Eurozone đã quá mệt mỏi với những biến cố do Athens gây ra. Điều này phần nào lý giải hành động phản đối kế hoạch tìm kiếm gói cứu trợ mới cho Hy Lạp của chính quyền Bồ Đào Nha. Với tuyên bố “không chấp nhận” mở rộng chương trình cho vay mới của Hy Lạp mà không kèm điều kiện gì, Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã chính thức đưa Bồ Đào Nha bước về phía có đường lối cứng rắn với Athens, hiện gồm có Đức, Phần Lan và Hà Lan.

Ánh sáng cuối đường hầm

Việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi Eurozone là điều không một ai mong muốn bởi nó sẽ gây ra một thảm kịch đối với thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của EU. Phát biểu trước khi cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, Hy Lạp là một phần của châu Âu nên tất nhiên phải ở lại Eurozone, với điều kiện Athens phải có thiện chí thay đổi.

Liệu Athens có tận dụng được ánh sáng để thoát khỏi đường hầm?

Liệu Athens có tận dụng được ánh sáng để thoát khỏi đường hầm?

Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo hàng đầu EU cho thấy, không có lý do gì để nghi ngại việc các nhà đàm phán tại Brussel sẽ làm hết sức mình để Athens tiếp tục ở lại Eurozone và quyết tâm này có thể coi là ánh sáng cuối đường hầm của Hy Lạp.

Tuy nhiên, ông Guenther Oettinger – Ủy viên EU của Đức và nhiều quan chức EU tin rằng, sẽ cần nhiều hơn một cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận cho vay mới. Từ nay đến ngày 28/2 – thời điểm kết thúc gói cứu trợ cũ, các nhà đàm phán vẫn còn thời gian để “mặc cả” và theo dự đoán, nhiều khả năng cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được thực hiện vào Chủ nhật hoặc thứ Hai. Nếu đàm phán tại Brussel thất bại, Hy Lạp sẽ yêu cầu EU triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bất thường trong tuần tới, có thể vào thứ Ba hoặc thứ Tư để bàn thảo về số phận của Athens.

Kinh tế & Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề