Nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 10-11/11/2014 tới đây, một lần nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lại có một cuộc hội kiến song phương. Đây là cuộc gặp thứ 10 giữa hai người, một kỷ lục hiếm hoi, cho thấy là giữa Matxcơva và Bắc Kinh, hiện đang có một sự tương đồng chiến lược rất lớn, trong đó đáng ngại nhất là ý hướng bành trướng, bất chấp chủ quyền của các láng giềng.
Theo một bài phân tích của hãng tin Pháp AFP vào hôm nay (08/11/2014), điểm chung giữa hai người đang lãnh đạo Trung Quốc và Liên Bang Nga rất nhiều, từ xu hướng cai trị độc đoán, coi nhẹ nhân quyền, cho đến tâm lý chống phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Đáng ngại hơn cả hai nhân vật này không che giấu ý hướng bành trướng thế lực của nước mình, bất kể chủ quyền của các nước khác.
Theo các nhà quan sát, đà xích lại gần nhau giữa Matxcơva và Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã tăng tốc hẳn lên, sau khi hố ngăn cách Nga với các nước phương Tây ngày càng sâu rộng.
Khi đơn phương sáp nhập vùng Crimée của Ukraina vào lãnh thổ của mình, rồi sau đó công khai hỗ trợ phiến quân ly khai tại miền đông của nước láng giềng, chế độ Putin đã khiến cho Hoa Kỳ và các nước Liên Hiệp Châu Âu phẫn nộ, và ban hành các biện pháp trừng phạt.
Trái ngược hẳn với phương Tây, Bắc Kinh thì hoàn toàn không phản ứng, thậm chí còn lẳng lặng giúp Matxcơva giảm nhẹ tác động của cấm vận đến từ Liên Hiệp Châu Âu hay Hoa Kỳ.
Thái độ của Trung Quốc rất dễ hiểu : Trong vùng Châu Á, Bắc Kinh cũng gây mâu thuẫn với các nước láng giềng, công khai biểu hiện tham vọng bành trướng trên biển : Đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đang do Nhật Bản quản lý. Trên đất liền, Trung Quốc cũng không ngần ngại tranh chấp với Ấn Độ chủ quyền trên một số vùng lãnh thổ dọc theo biên giới hai nước.
Hành động của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã bị Hoa Kỳ chỉ trích, và Washington đã lên tiếng gián tiếp hậu thuẫn cho các láng giềng của Trung Quốc khi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải, không được dùng các biện pháp hù dọa, bức hiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Ý hướng bành trướng của Trung Quốc và Nga đã đặc biệt rõ nét từ ngày cả hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin lên cầm quyền.
Chuyên gia Vladimir Evsseïev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội-Chính trị (độc lập) và khoa học thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế ghi nhận : « Giữa Putin và Tập Cận Bình có một sự tương đồng quan điểm rất lớn, dựa trên một số cơ sở : ông Tập Cận Bình xuất thân từ giới thân cận với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, một con người quen thuộc với các định chế dùng sức mạnh (Nội vụ, Quốc phòng và Tình báo…) hơn là người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tổng thống Nga Putin hiểu đồng nhiệm Trung Quốc hơn vì quan điểm của họ giống hệt nhau. Tập Cận Bình là người sẵn sàng đi đến đối đầu nếu cần thiết, và điều này rất được Putin tán đồng ».
Nguồn: RFI
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời