Người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN: Đi ngược mong muốn!

Thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra quan điểm của mình trước con số mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Kiệt sức lấy đâu tiền mà đóng?

PV: – Thưa bà, mới đây tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một thực tế tại Việt Nam thu từ thuế và phí hiện nay ở mức rất cao. Cụ thể, mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Thưa bà, thực tế này đang thể hiện điều gì?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Đúng là phí và thuế ở Việt Nam thực sự là cao so với các nước trong khu vực mặc dù chính sách đã mấy lần giảm thuế cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế thì vẫn rất cao, nhất là lại có quá nhiều loại.

Nhiều khi giảm loại thuế này nhưng cái khác lại cao nên vẫn đè vào doanh nghiệp và người dân. Còn phí thì quá nhiều. Mỗi gia đình nông dân mà cũng cõng đến mấy chục loại phí khác nhau.

Gần đây dư luận cũng đã phản ánh các sản phẩm nông sản cũng có biết bao nhiêu phí dọc đường đè nặng lên.

Điều này thể hiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Cũng như giới chuyên môn nhiều người đã phân tích là do nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách nặng nề.

Do vậy cũng có thể hiểu được do nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng nên phải tìm các khoản khác nhau để bù vào phần bị thâm hụt.

Tôi cho rằng điều này đang đi ngược với mong muốn tạo đà để nền kinh tế phát triển bền vững.

PV: – Khi thuế, phí tăng cao, doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để có lãi và xét cho cùng thì người dân lại là đối tượng cuối cùng đang đưa vai ra gánh gánh nặng này. Trong khi đó, kinh tế suy giảm ảnh hưởng trực tiếp, khiến thu nhập của đại đa số người dân bị ảnh hưởng. Theo bà tình thế hiện nay của người dân phải được nhìn nhận và giải quyết ra sao?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Có thể thấy việc tăng thuế, phí trước mắt thì có thể có thêm để bù vào phần thâm hụt nhưng về lâu dài thì có thể các gánh nặng đó nợ thêm về thâm hụt. Bởi vì các doanh nghiệp và người dân không còn sức để đóng thuế, không làm ăn có lời được nữa thì lấy đâu tiền mà đóng?.

Cứ nhìn vào con số 6-7 vạn doanh nghiệp đóng cửa trong một năm thì sẽ thấy mất đi biết bao nhiêu người đóng thuế. Những người lao động lại mất việc làm thì yêu cầu an sinh xã hội tăng lên, thêm gánh nặng cho nhà nước. Tất cả sẽ thành vòng luẩn quẩn.

Trong điều kiện khó khăn như vậy thì sức mua của xã hội giảm xuống thì doanh nghiệp không đóng góp vào tăng trưởng được. Khi đó tăng trưởng cũng không được mà người nộp thuế cũng không có hoặc khả năng nộp thuế giảm đi.

Tôi nghĩ rằng trên bình diện chung cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại bởi thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân.

PV: – Ở hoàn cảnh hiện nay, liệu chúng ta có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng thuế phí để bù thu ngân sách? Chúng ta cần làm thế nào để tháo gỡ khó khăn hiện nay?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam không có cửa để tăng giá nữa vì đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng nhập khẩu.

Càng ngày xu hướng tự do hóa thương mại mở ra thì dòng sản phẩm của các nước tràn vào Việt Nam càng nhiều hơn. Hàng rẻ thì là hàng Trung Quốc, hàng khá hơn về chất lượng mẫu mã một chút là hàng Thái Lan và các nước xung quanh.

Chính vì thế các doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh ghê gớm cho nên họ không còn cửa để tăng giá. Chính điều này lý giải vì sao các doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên là như vậy.

Đáng lẽ ra khi thiếu hụt ngân sách thì việc đầu tiên cơ quan quản lý phải nghĩ đến là tiết kiệm chi tiêu, giảm đầu tư công. Nhưng thực sự nhà nước hoàn toàn chưa tiết kiệm được.

Nhân đây đáng ra phải tổng rà lại và cắt chi tiêu thường xuyên quá nhiều và lãng phí hiện nay. Một trong những thước đo của cải cách thủ tục hành chính phải là giảm bớt đội ngũ công chức, viên chức. Thế nhưng đội ngũ đó vẫn quá đông.

Trí Lê (Theo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề