Người Việt và khủng hoảng di dân ở Đức

Tại Berlin, trong số những cư dân địa phương chào đón và trợ giúp các di dân mới tới trong làn sóng khủng hoảng hiện thời có cả những gương mặt gốc Việt.

Từ nhiều tuần qua, họ có mặt, xông xáo giúp những người mới tới, từ chuyện nơi ăn chốn ở cho tới việc trợ giúp giấy tờ.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng, một người hoạt động trong ngành truyền thông tại đây nói với BBC Tiếng Việt rằng nhóm người này khá khiêm tốn nếu so sánh với cả cộng đồng người Việt ở Berlin.

‘Phản ứng phụ thuộc tuổi tác, hoàn cảnh ra đi’

Có các nhóm khác nhau nếu xét về thái độ đối với câu chuyện di dân, và phản ứng của họ phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh ra đi, theo ông Hùng.

“[Ở nhóm] thế hệ thứ nhất có những người mới sang, mới có gia đình và có thể chưa có con cái.”

“Tôi có cảm giác phần lớn họ vẫn coi mình là những người tiếp tục cần nước Đức giúp đỡ, bởi họ còn khó khăn. Họ theo dõi tin tức với thái độ hoặc thờ ơ, hoặc không tỏ phản ứng gì,” ông Hùng nói.

“Ở thế hệ thứ hai, lại có sự phân chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những người vẫn ‘hướng về biển đảo quê hương’, ‘tìm cách giúp đỡ quê hương Việt Nam’… Họ không chú trọng tới nơi họ đang sống, nơi cũng đang có vấn đề mà [lẽ ra] họ cần phải có đóng góp nào đó.”

“Nhóm thứ hai trong thế hệ thứ hai này, trong đó có con gái lớn của tôi, là những người đi học, tốt nghiệp đại học, đi làm ở đây.”

“Nhóm này thực sự cảm thấy đây là quê hương của mình, và thấy một khi nước Đức phải đối mặt với các khó khăn về vấn đề di dân thì họ cũng phải có tiếng nói, có hành động cụ thể để cùng giải quyết vấn đề.”

Ông Hùng cho biết trong nhiều tuần qua, những người như con gái ông đã tới LaGeSo, điểm tập trung di dân ‘nóng’ nhất tại khu quận trung tâm Berlin để tổ chức chiến dịch giúp đỡ trong lúc chính quyền địa phương chưa ứng phó kịp.

Tuy nhiên, nhóm người quan tâm và có hành động cụ thể trước tình hình hiện tại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, ông Hùng nhận xét.

Tâm lý ‘ăn nhờ ở đậu’?

Ông Hùng nói ông “hết sức bất ngờ” trước phản ứng của phần đông những người Việt còn lại. Nhiều người có tuổi thuộc thế hệ thứ nhất nói rằng họ sẽ đi nơi khác “nếu nước Đức có vấn đề”, ông cho biết.

“Tôi cho rằng suy nghĩ đó sẽ vấp phải sự phản kháng từ chính con em mình. Bởi một khi sinh ra, lớn lên ở đây, các cháu sẽ coi đây là quê hương.”

“Các cháu sẽ đặt câu hỏi phải chăng chúng ta chỉ là những kẻ chuyên đi ăn bám, ăn nhờ ở đậu, hôm nay chỗ này không ổn thì mai lại bỏ đi tìm chỗ khác mà không biết đâu là quê hương, là nơi mình phải gắn bó cuộc đời và những cố gắng của mình.”

“Tôi nghĩ cộng đồng người Việt nên nhắc nhau rằng mình đang sống ở đâu, chọn đâu là nơi sống lâu dài, và phải có trách nhiệm với nơi mình đang sống.”

“Chúng ta không thể coi Đức như một nơi tạm trú để rồi lại tính tiếp bước thứ hai, thứ ba, hay lại quay trở về quê hương. Cần phải có ý thức công dân,” ông Hùng nói thêm.

“Ở đây, vẫn có rất ít những lời kêu gọi giữa những người Việt với nhau rằng đây là dịp để thể hiện trách nhiệm công dân của mình.”

“Một khi đã có trong tay quốc tịch Đức, một khi con, cháu mình sinh ra và lớn lên ở đây, mình phải làm gì đó để đóng góp cho đất nước này, làm gì đó để đáp lại những điều đất nước này đã dành cho mình những ngày đầu, khi mình còn gặp khó khăn.”

Thiếu gắn kết giữa các nhóm người Việt?

Về mối quan hệ giữa các nhóm người Việt, ông Hùng nhận xét nhóm những người tích cực hoạt động giúp đỡ di dân là những người đã hội nhập hoàn toàn.

Nhóm người này hướng tới việc sử dụng truyền thông, phối hợp với nhau thông qua các hội đoàn, tổ chức dân sự của Đức, nhằm gây tác động tới các chính trị gia, chính quyền và dân chúng trong việc tìm giải pháp tốt cứu giúp di dân.

Họ tự coi mình là công dân Đức và “không cảm thấy đặc biệt cần thiết phải nhấn mạnh tới cộng đồng người Việt ở đây”, đồng thời không có nhu cầu “đánh thức hay tác động tới cộng đồng người Việt nói riêng”.

“Tôi nghĩ nhu cầu đó nằm ở chính thế hệ thứ nhất, trong đó có tôi.”

“Tôi muốn nói với các đồng hương của mình rằng, là các bậc cha anh, dù chúng ta ban đầu tới đây mong được nhà nước Đức giúp đỡ, nhưng điều đó xảy ra đã quá lâu rồi, hàng chục năm qua rồi. Không lẽ chúng ta vẫn cần sự giúp đỡ của nước Đức nữa?”

“Thế hệ chúng tôi hãy lãnh vai trò ‘đánh thức cộng đồng của mình’, hãy thực hiện trách nhiệm của mình trong việc cùng dân chúng bản địa ở đây, cùng nước Đức giải quyết vấn đề đang nóng bỏng hiện nay.”

Lan Hương (Theo Báo Nước Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề