Ai là thủ phạm gây ra khủng hoảng di cư ở châu Âu?

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng trách nhiệm lớn nhất của cuộc khủng hoảng di cư vào Châu Âu thuộc về Tổng thống Syria Assad, Nhà nước Hồi giáo (IS) và các băng nhóm tội phạm buôn người ghê tởm.

Hãng tin TASS trích lời Thủ tướng Anh cho biết: “Cuộc khủng hoảng di cư nổ ra ở Châu Âu là do các hành động của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các nhóm khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo IS và bọn buôn người sẵn sàng phá vỡ luật pháp dụ dỗ các cư dân tại Châu Phi và khu vực Trung Đông đưa họ đến Châu Âu.

Ông Cameron một lần nữa kêu gọi Châu Âu tìm “giải pháp toàn diện” để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư này. Theo ông Cameron, vấn đề không thể được giải quyết bằng cách cho phép những người di cư tị nạn ngày càng nhiều ở Châu Âu. Nó đòi hỏi một phương pháp toàn diện, bao gồm việc thành lập chính phủ mới ở Lybia và giải pháp hòa bình ở Syria.

Thủ tướng Anh tuyên bố “Vương quốc Anh đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đạo đức của mình” bằng cách gửi các đội tàu tới vùng biển Địa Trung Hải và viện trợ 0,7% GDP cho các quốc gia Trung Đông và Châu Phi. Anh tiếp tục duy trì lập trường khác biệt với một số đồng nghiệp Châu Âu, thắt chặt các quy định về nhập cư.

Liên quan tới vấn đề này, các phương tiện truyền thông đã ước tính rằng, trong năm qua Vương quốc Anh đã tiếp nhận khoảng 10.000 công dân nước ngoài vào tị nạn ở Anh; trong khi ở Đức và Thụy Điển, con số này lần lượt là 40.000 và 30.000 người. Ngoài ra, người Đức còn cho xây dựng các cơ sở vật chất để tiếp nhận thêm 30.000 người tị nạn từ Syria, còn Anh sẽ chỉ nhận thêm khoảng 200 người nữa.

Giữa tháng 8 vừa qua, Ủy viên Châu Âu về vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos tuyên bố, Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến II. Theo số liệu từ Cơ quan bảo vệ biên giới Châu Âu (Frontex), tính từ đầu năm 2015, số lượng người dân xin tị nạn tại các nước Châu Âu lên tới 340.000 người. Riêng tại Đức, ước tính tới cuối năm nay, con số người tị nạn là 800.000 người.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, nếu các nước EU không thể đồng thuận về sự bố trí dân tị nạn, thì những thỏa thuận trong Hiệp ước Schengen có thể sẽ được đưa ra xem xét lại,

Để giảm áp lực về người nhập cư cho các quốc gia Nam Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề xuất phân chia hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư cho các quốc gia dựa theo tổng sản lượng GDP, số lượng dân cư, tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người nước ngoài đã được cấp phép tị nạn tại quốc gia đó.

Vũ Văn (Theo TASS, Infonet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề