Câu chuyện về cuộc đời của phụ nữ Việt đang sinh sống tại miền đất “hứa” Đài Loan trên kênh BBC khiến không ít người xem cảm thấy đau xót.
Là một trong số 90 nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan giai đoạn 1987 – 2015 với mong muốn được thay đổi số phận, chị Hoàng Duy Thảo (36 tuổi) đến từ Đắk Lắc không thể ngờ quyết định theo chồng về xứ người đã thay đổi hoàn toàn số phận của mình. Trước đó, người phụ nữ đến từ vùng đất Tây Nguyên luôn lấy người chị họ đã có chồng là công nhân ở Đài Bắc làm hình mẫu lý tưởng khi thấy chị họ thường xuyên đem đồ nước ngoài về biếu gia đình.
Năm 18 tuổi, chị được giới thiệu với 3 người Đài Loan làm cùng xưởng với chồng người chị họ. Cả ba người đã lớn tuổi nhưng chưa có điều kiện để lập gia đình, cuối cùng chị chọn làm vợ người tài xế xe tải đã mất cả cha mẹ vì lo lắng mình chưa đủ trưởng thành để chăm lo cho một gia đình với văn hóa hoàn toàn khác biệt.
Những thông tin chị biết được về Đài Loan cùng mong muốn được tới mảnh đất đó đơn giản chỉ vì: “Ngày xưa chưa được đi qua nước ngoài, cứ nghĩ là đi thử nước ngoài để coi cuộc sống ra sao, họ sống như thế nào. Với lại xem trong phim, trong ảnh nhìn thấy họ sống thật xa hoa, cao sang nên nghĩ thôi mình đi cho đổi đời, để có điều kiện lo cho gia đình, em út học tập”. – Chị chia sẻ.
Tuy nhiên, cuộc sống cao sang lại không giống với những gì mà cô gái người dân tộc Mường tưởng tượng. Không lâu sau khi kết hôn, những sóng gió liên tiếp đến với cuộc đời Duy Thảo. Lương lái xe của chồng không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên chị tiếp tục phải theo nghề làm móng của mẹ ở quê để kiếm tiền sinh hoạt phí cho cả nhà. Nhưng đó chưa phải là chuyện tồi tệ nhất mà chị phải gánh chịu. Chị không ngờ rằng mình đã lấy phải một người chồng nghiện rượu: “Đánh thì cũng chưa phải là đánh dã man, nhưng nói là xô xát thì có vì lâu lâu anh ấy hay uống rượu. Lúc đó, hai bé còn nhỏ nhưng chúng đã biết sợ khi bố đập phá đồ đạc,bọn trẻ không nói ra nhưng mình biết cũng có suy nghĩ riêng…” – Người phụ nữ trẻ kể chuyện trong khi mắt ngấn nước.
Hơn thế nữa, chị bị những người thân trong gia đình chồng ghẻ lạnh bởi họ nghĩ chị từ Việt Nam sang đây chỉ để lợi dụng gom hết tiền về nhà. Sau một thời gian ly thân, tới nay thủ tục ly hôn của chị đã hoàn tất, Thảo đã thực sự chấm dứt với cuộc sống đầy đau khổ trước đó, chị cũng thuộc diện được chính quyền bảo vệ an ninh, người chồng cũ phải giữ khoảng cách ít nhất 100m.
Hiện tại với số tiền dành dụm được, chị Thảo đã mở được tiệm móng tay nhỏ ở một khu chung cư nhỏ tại thành phố Đài Bắc để lo cho 3 mẹ con. Từ những gì mà bản thân chị đã trải qua, chị đang giúp 6 phụ nữ khác cùng là người Việt có công ăn việc làm. Chị chia sẻ: “Ở đâu cũng phải kiếm tiền, mình mà không có tiền thì bạn bè cũng không có và người thân cũng không dám ở gần”.
Đó không phải là trường hợp duy nhất của cô dâu Việt tại Đài Loan, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, đã có 1145 vụ ly hôn giữa người Việt và người Đài. Nguyên do chính dẫn tới các vụ ly hôn là do bạo lực gia đình và chủ yếu phụ nữ là nạn nhân. Mặc dù vậy chính quyền Đài Loan vẫn chưa có một chính sách toàn diện để bảo vệ quyền lợi cho những cô dâu nước ngoài.
Chính quyền của vùng lãnh thổ này chưa thực sự có một cái nhìn xa hơn trong việc giải quyết các vấn đề hôn nhân giữa công dân của mình và nước khác. Theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng đang sinh sống tại đây cho biết: “Họ (chính quyền Đài Loan) muốn giải quyết các nhu cầu về hôn nhân, mở cửa cho các công ty môi giới đồng hoạt động thời biến các cô dâu người nước ngoài trở thành công cụ để các công ty này kiếm tiền”.
Trong thời kỳ môi giới hôn nhân hoạt động mạnh mẽ, các tờ rơi quảng cáo lấy vợ Việt được rải, dán khắp nơi. Nguyên văn của một tờ lấy vợ Việt có giá 6000 USD (tương đương 130.000.000 VNĐ) gồm 4 tiêu chí: còn trinh, nhận vợ trong vòng 90 ngày, không có thêm phụ phí, trong trường hợp cô dâu bỏ trốn sẽ được đền bằng cô dâu khác miễn phí. Qua đây, mọi người đều có thể thấy, cô dâu chẳng khác nào một món hàng hóa để mua bán.
Đến năm 2005, chính quyền Đài Loan đã ra quyết định hôn nhân qua môi giới là bất hợp pháp, theo đó quyền lợi của những cô dâu nước ngoài trong gia đình người Đài được bảo đảm hơn. Những người phụ nữ Việt sinh sống tại đây đã tự thành lập ra các tổ chức để bảo vệ quyền lợi của họ.
Những cuộc hôn nhân không tình yêu đều giống như những canh bạc mà ở đây người phụ nữ rất dễ trở thành người thua cuộc. Họ sẽ phải gánh chịu những đau khổ, tủi nhục chỉ vì suy nghĩ giản đơn được đổi đời khi sống ở nước ngoài.
Vào tháng 3/2013, một cô dâu Việt tại Đài Loan đã bị người chồng cắt cổ dẫn đến tử vong. Trước đó, người phụ nữ này thường xuyên bị chồng bạo hành cả về tinh thần lẫn thể chất. Người chồng sau khi cắt cổ vợ đã khai báo với cảnh sát rằng: “Tôi muốn giết cô ta để dạy dỗ cô ta”.
Vũ Lan Phương (Theo BBC)
Trả lời