Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo: nước Nga tiếp tục tái vũ trang cho quân đội với số tiền bỏ ra khoảng 20.000 tỉ rúp (500 tỉ USD), bất chấp sức tăng trưởng kinh tế suy giảm, đồng rúp rớt giá, cùng những nỗi đe dọa từ các địch thù cũ thời Chiến tranh Lạnh.
Hồi đầu tháng 11, phát biểu tại một lễ thăng hàm cho một số sĩ quan cấp cao, ông Putin nói rằng “những mối đe dọa cũ chưa biến mất, vẫn hiện hữu” trước khi hứa ủng hộ chương trình tái vũ trang, vốn sẽ hiện đại hóa đa phần phần cứng quân sự cũ kỹ của Nga kể từ năm 2020.
Chương trình này tập trung cung cấp tàu hạm, tàu ngầm, máy bay, tên lửa hạt nhân và phương tiện chiến đấu mới cho quân Nga. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ được tái vũ trang đầy đủ.
Theo kế hoạch, chi quốc phòng năm 2015 sẽ đạt con số kỷ lục 3,3 ngàn tỉ rúp (80 tỉ USD) tức tương đương 4,2% tổng sản phẩm nội địa GDP, hãng tin Interfax dẫn lời đô đốc Vladimir Komoyedov – Chủ nhiệm Tiểu ban quốc phòng thuộc Hạ viện Nga.
Trực thăng Nga tham dự một cuộc tập trận
Điện Kremlin cần tiêu tiền cẩn thận
Tuy nhiên, theo giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia Nikolas K. Gvosdev ở Học viện hải quân Mỹ, lại nêu nếu không thực hiện cẩn thận, việc Nga tiếp tục tái vũ trang cho quân đội sẽ là một sự lãng phí vô cùng.
Giáo sư Gvosdev viết trên trang National Interest ngày 1.12:
“Nền kinh tế Nga suy thoái – do bị phương tây cấm vận, do giá dầu rớt 30% từ mùa hè – sẽ buộc Điện Kremlin xài số tiền rúp cho quốc phòng một cách khôn ngoan.
Các ông Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov và Phó thủ tướng Dmitry Rogozin phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng, sẽ phải giải quyết 3 thách thức lớn sau đây:
Pháp quyết định chưa giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga là thách thức đầu tiên: Nga không thể bị cô lập với thị trường vũ khí toàn cầu, nhất là khả năng mua những sản phẩm mà công nghiệp quốc phòng nội địa Nga chưa thể đáp ứng.
Hợp tác quốc phòng với các công ty Ý, Đức cũng gặp khó, do các nước NATO có thể kêu gọi hạn chế hợp tác quốc phòng với Moscow.
Hơn nữa, quân đội Nga hãy còn lệ thuộc nguồn linh kiện do các công ty Ukraine sản xuất, để trang bị cho chính quân đội Nga.
Dù chính phủ Ukraine cấm bán khí tài quân sự cho quân đội Nga nhưng lệnh cấm này khó áp dụng. Có thông tin rằng, một số công ty lách luật, bằng cách xuất khẩu cho công ty trung gian, để những nơi này bán lại cho quân đội Nga sử dụng.
Hoặc họ tranh thủ lỗ hổng pháp lý để bán linh kiện sang Belarus, có nghĩa trong tương lai Ukraine có thể không còn là nguồn cung ổn định.
Thách thức thứ hai: trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nhất là hệ thống không người lái và các phần mềm điện toán để chỉ huy – kiểm soát hiệu quả, Nga xoay qua các đối tác như Israel, vốn là nhà buôn vũ khí hàng đầu thế giới.
Nhưng các nguồn tin Israel đã thừa nhận: dưới sức ép của Mỹ, Israel sẽ hạn chế những gì họ muốn bán cho quân đội Nga.
Ngay cả Ấn Độ- đối tác quốc phòng lâu năm của Nga, nơi mà sự hợp tác dẫn đến những kết quả ấn tượng như tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos – nay cũng đang xem xét liệu sẽ có lợi hơn nếu họ tạo quan hệ thân cận hơn với công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Các nước đang nổi khác – Brazil và Nam Phi chẳng hạn – có thể quan tâm tạo quan hệ thân cận với công nghệ quốc phòng Nga. Nhưng dù các nước này có thể giúp tài chính, những hợp đồng vũ khí mới, họ lại không ở thế mạnh để cung cấp linh kiện hiện đại cho một dự án đồng phát triển vũ khí bất kỳ.
Phải tái cơ cấu công nghiệp quốc phòng
Thừa nhận vấn đề này, ông Rogozin liên tục kêu gọi Nga củng cố khả năng nội địa và giảm lệ thuộc nguồn cung của quốc tế, nhất là các linh kiện kỹ thuật cao.
Theo ông Rogozin, tốt nhất nguồn thu ngoại tệ dự trữ – có từ xuất khẩu dầu thô – nên được dùng để tái cơ cấu công nghiệp quốc phòng Nga.
Nhưng thách thức ở đây là liệu Điện Kremlin có khả năng đầu tư hiệu quả, hay chỉ tung một số tiền có thể bị lãng phí hoặc bị thất thoát.
Một cuộc thử thách lớn sẽ là kế hoạch bơm khoảng 28 tỉ USD cho công nghiệp hàng không Nga trong 10 năm tới.
Khoản đầu tư này có thể mở đường cho việc sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ thế hệ 5 như chiếc T-50 PAK-FA. Đó là cách để Nga nỗ lực duy trì một hệ thống phòng không mạnh mẽ, và cũng có thể thu hút khách hàng trên thế giới đến mua.
Chiến đấu cơ T-50 của không quân Nga
Nhưng ngoài việc tái cơ cấu để sản xuất máy bay, trực thăng quân sự, thử thách sẽ là liệu một mình Nga (hoặc liên kết với Trung Quốc) có chiếm được một thị phần lớn của thế giới về máy bay chở khách, máy bay chở hàng và trực thăng dân dụng?
Các thử thách tương tự ở mảng đóng tàu, xe tải cho các công ty sản xuất những mặt hàng quân dụng lẫn dân dụng và tìm được thị trường xuất khẩu.
Vấn đề là chớ nên dựa cậy vào nguồn ngân sách quốc gia, mà là lập được những công ty quốc phòng nội địa mạnh, đủ khả năng duy trì nguồn nhân công giỏi nghề và khả năng nghiên cứu – phát triển (R&D).
Một đội quân không đông nhưng tinh?
Ngoài việc có công nghệ cần thiết, tái lập cơ sở sản xuất, thách thức thứ ba là một lực lượng có thể sử dụng những vũ khí hiện đại.
Chế độ nghĩa vụ quân sự của Nga không tốt co bằng có đạo quân ít lính hơn nhưng chuyên nghiệp hơn. Đa số các chuyên gia quốc phòng Nga đều công nhận: ép người chẳng thích đi lính không giúp có một đội quân hiệu quả hơn.
Họ bảo nên chuyên nghiệp hóa quân đội bằng cách quảng bá dịch vụ ký hợp đồng làm lính chuyên nghiệp.
Hiện Nga đã có mục tiêu hàng năm tuyển 50.000 tân binh, để đến năm 2017, một nửa số quân sẽ là những người tình nguyện làm lính nhà nghề.
Nhưng để có lính nhà nghề, lương/bổng phải tăng, không chỉ đáp ứng mục tiêu tuyển quân, mà còn để những quân nhân này có hứng tái gia hạn hợp đồng.
Việc này cần một nỗ lực dài hơi, thể hiện việc đi lính không phải là “nghĩa vụ yêu nước” mà còn là một lựa chọn sự nghiệp “đỉnh” cho thanh niên, mở đường cho họ tiến đến một cuộc sống trung lưu ổn định.
Tân binh Nga chuẩn vị vào quân trường
Ba thách thức kể trên không thể dễ dàng vượt qua bằng cách chi thật nhiều tiền.
Phán quyết cuối cùng của việc chi tiền ồ ạt cho sự kiện thể thao Olympic mùa Đông Sochi 2014 là “chi quá nhiều, hiệu quả không bao nhiêu”.
Phán quyết ấy cũng có thể là “mộ chí” cho chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga, nếu số tiền 500 tỉ USD không được chi tiêu một cách cẩn thận, hợp lý và minh bạch.
Nguồn: Một Thế giới
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời