‘Netizen Việt’, hãy click chuột có trách nhiệm

Ngày nay rất nhiều bạn trẻ Việt “ăn ngủ, làm việc, giải trí” liên tục trên net như những “netizen” chính hiệu. Thế nhưng không phải ai cũng ý thức được những thứ thật ảo khó lường trên Internet.

Thuật ngữ “netizen” mang tính công nghệ, xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 1980, là một thuật ngữ chung, giống như “metropolitan” là dân thành thị, “countryman” là người nông thôn. Netizen là một danh từ ghép từ hai chữ “Internet” và “citizen” với hàm nghĩa “công dân của net” để chỉ những người kết nối cuộc sống của mình với mạng Internet.

Vào khoảng năm 1970, khái niệm “kỷ nguyên Internet” (Internet era) xuất hiện để chỉ thời đại mà thông tin có thể được công chúng truy xuất dễ dàng thông qua máy tính và mạng máy tính. Có lẽ lúc đó cũng chẳng mấy ai dám tin rằng rồi sẽ tới ngày người ta mở mắt thức dậy là thấy net, ngó sang kẻ đang nằm bên cạnh mình là gặp một netizen.

Michael F. Hauben, một nhà tiên phong Internet, viết: “Xin chào thế kỷ 21. Bạn là một netizen và bạn tồn tại như một công dân của thế giới nhờ vào kết nối toàn cầu mà net đã tạo nên. Bạn coi mọi người như đồng hương của mình.

Bạn đang sống với tính chất vật lý ở một nước nhưng bạn có mối liên hệ với nhiều người khác trên thế giới thông qua mạng máy tính toàn cầu. Bạn đang sống ảo ngay bên cạnh mọi netizen khác trên thế giới.

Sự phân cách về địa lý được thay thế bởi sự tồn tại trong cùng một không gian ảo” (trích từ “Net và Netizen: Ảnh hưởng của net trên cuộc sống con người” – Michael Hauben).

Khi mạng Internet (cáp và không dây) được phủ khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, cộng thêm các thiết bị di động có thể kết nối Internet (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) ngày càng phổ cập, già trẻ lớn bé, nam thanh nữ tú, mọi thành phần trong xã hội đều dễ dàng trở thành những netizen.

Theo số liệu của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, kể từ quý 1-2012, Việt Nam đã vươn lên thứ 18 trong số 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, chiếm hơn 34% dân số (xếp thứ 7 ở châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á).

Thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông vào cuối năm 2014 cho biết hiện có 41% dân số Việt Nam đã được tiếp cận dịch vụ Internet.

Bình quân 1 người dân Việt Nam sở hữu 1,4 thuê bao di động. Có khoảng 27,5 triệu thuê bao di động có sử dụng dịch vụ 3G, tức có truy cập Internet. Mật độ phủ sóng di động trên cả nước đã đạt tới 94%.

Tất nhiên ở đây không bàn về mức độ chính xác của số liệu, nhưng con số 30 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng Facebook hằng tháng do mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này vừa công bố cũng góp phần vẽ nên bức tranh Internet của Việt Nam.

Theo Facebook, mỗi ngày có 20 triệu người Việt dùng Facebook (trong số đó có 17 triệu người dùng thiết bị di động). Do không phải ai vào Internet cũng đều lướt Facebook, nếu cứ tính cho vừa lòng chàng Mark Zuckerberg là Facebook chiếm 1/3 số người dùng Internet (trên quy mô toàn cầu), như vậy mỗi ngày có tới 60 triệu người Việt vào Internet, một con số thật không thể tin được so với dân số hơn 90 triệu người một chút của Việt Nam.

Càng choáng hơn khi Facebook cho biết trung bình mỗi người Việt sử dụng Facebook lang thang tới 2,5 giờ mỗi ngày trên mạng này (gấp đôi thời gian dành cho xem truyền hình).

Từ lâu Internet đã trở thành một “thành phần tất yếu” của cuộc sống người Việt. Người ta làm trên net, ăn bên net, chơi với net, ngủ cùng net…

Bình thường, ngoài giờ làm việc và học hành, người ta chỉ có thể tạm rời net khi ngủ. Còn với những người có đặc thù công việc trên net thì coi như “thường trú nhân”.

Việc nhiều người có thể truy cập Internet là điều đáng mừng, khi Internet ngày nay là một trong những chỉ số quốc tế căn bản để đánh giá mức độ phát triển của quốc gia và sự hạnh phúc của người dân. Nhưng việc người ta dành nhiều thời gian cho Internet thì lợi hay hại lại tùy thuộc vào việc người ta vào Internet để làm gì.

Mục đích chính của người truy cập Internet trên thế giới là để cập nhật và tìm kiếm thông tin. Theo thống kê của Infoplease, tỉ lệ người dùng Internet để tìm kiếm thông tin chiếm 77% (nam) và 66% (nữ).

Còn khi đăng nhập vào một mạng xã hội nào đó, mục đích chính của nhiều người vẫn là giao lưu với bạn bè, người thân. Facebook cho biết người Việt vào mạng này chủ yếu để trò chuyện với bạn bè, truy cập vào các trang thương hiệu, cửa hàng,…

Sẽ là điều đáng mừng cho xã hội khi ngày càng có thêm nhiều người sử dụng Internet cho công việc, hoạt động kinh doanh và học tập. Và ngược lại sẽ là điều đáng báo động khi số lượng người dùng và số thời gian trên Internet xuất phát từ thực tế người ta không có việc để làm hay không chịu làm việc.

Trong bối cảnh đó, Internet là chốn dung thân hay ẩn náu của những người quanh năm suốt tháng chỉ biết ngồi đó mà “nhìn những mùa thu đi…” (xin lỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Internet suy cho cùng vẫn chỉ là một phương tiện của thời đại công nghệ cao. Việc sử dụng nó lợi hay hại thế nào là tùy vào mục đích và nền tảng của người dùng.

Có một thành ngữ “rảnh rỗi sinh nông nỗi” là phiên bản thời mạng xã hội của câu thành ngữ dân gian “nhàn cư vi bất thiện”. Đặc thù nặc danh và mỗi người một bàn phím của môi trường Internet càng dễ khiến những người chưa được trang bị đầy đủ nền tảng làm người bị cuốn vào mặt trái của Internet.

Trên thế giới, người ta đang ngày càng nâng thang độ báo động về tệ nạn “ném đá”, xúc phạm nhau trên Internet.

Thậm chí Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh Nhà Trắng, từng làm kinh động cả thế giới vào năm 1998 với vụ xìcăngđan “tình dục” có liên quan tới đương kim tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Bill Clinton, mới đây đã dẫn lời giáo sư Nicolaus Mills gọi đó là một thứ “văn hóa sỉ nhục online” (online culture of humiliation) và cảnh báo rằng nó đang bị biến thái dần như một trong những mặt trái của Internet.

Người hiện nay ở tuổi 41 là một nhà hoạt động xã hội Mỹ đã chỉ đích danh những hình thức sỉ nhục online đó là “sỉ nhục công cộng” (public shaming), “bắt nạt trên mạng” (cyberbullying), “quấy rối trực tuyến” (online harassment),…

Theo Monica, các trang “chém gió”, chụp ảnh lén (paparazzi), chương trình thực tế, chính trị, các kênh tin tức và đôi khi cả bọn tin tặc… tất cả đều chảy trong sự sỉ nhục người khác. Nó dẫn tới sự vô cảm hóa và môi trường buông thả trên mạng tạo các điều kiện cho sự trêu chọc, xâm phạm đời tư và bắt nạt qua mạng.

Vốn là một nạn nhân của sự sỉ nhục online đã khiến mình bị mất hết thanh danh và phẩm giá, suýt nữa là mất cả mạng sống, Monica nhấn mạnh:

“Sự xâm phạm người khác là một thứ quặng thô bị khai thác một cách hữu hiệu và tàn nhẫn, được đóng gói và bán vì lợi nhuận.

Một thị trường đã nổi lên là nơi mà sự sỉ nhục công cộng là một loại hàng hóa và sự sỉ nhục là một ngành công nghiệp. Họ kiếm tiền ra sao? Click chuột. Càng làm nhục bao nhiêu, càng có nhiều click chuột bấy nhiêu. Càng nhiều click chuột bao nhiêu, càng nhiều đôla quảng cáo bấy nhiêu”.

Tôi là một netizen với đầy đủ ý nghĩa công nghệ của từ đó – người đã gần 20 năm gắn đời mình với Internet. Mỗi khi có ai hỏi có thể chia sẻ điều gì cho việc sử dụng Internet một cách tốt cho tất cả, tôi luôn nói rằng mỗi lần bước vào không gian ảo Internet, tôi luôn tâm niệm trong đầu triết lý sống trong cuộc đời thật: điều gì mình không muốn người ta làm với mình thì đừng nên làm với những người khác.

Thật ảo khó lường trên Internet, vì thế đừng nên share bất cứ cái gì mà mình chưa xác tín là có thật và không gây hại cho ai khác. Hãy click chuột một cách có trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Mạng Internet chỉ có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho loài người nếu như ngày càng có được nhiều người dùng có trách nhiệm.

Vũ Văn (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề