Mỹ soi xét chi phí của Nga trong can thiệp Syria

Sau ba tháng can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Nga Putin đã đạt được mục tiêu trọng tâm là củng cố chính quyền ông Assad với phí tổn tương đối thấp, nhưng giới chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Moscow sa lầy trong dài hạn.

chuyen-gia-my-thua-nhan-chien-dich-khong-kich-cua-nga-o-syria-hieu-qua

Máy bay cất cánh từ căn cứ Nga tại Syria. Ảnh: Sputnik

“Tôi nghĩ điều không thể chối cãi là chế độ Assad, với sự hỗ trợ quân sự của Nga, đã xác lập được vị thế an toàn hơn trước đây”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận xét.

5 quan chức Mỹ khác cũng đồng tình với nhận định rằng, cho đến nay, sứ mệnh của Nga ở Syria phần lớn đã thành công và chỉ chịu phí tổn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng ông Putin có thể đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn nếu quyết định kéo dài can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.

Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự Mỹ nhận xét rằng kể từ lúc Nga phát động chiến dịch không kích nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria vào ngày 30/9, Nga chỉ chịu thương vong về binh sĩ ở mức tối thiểu và nước này hoàn toàn có thể trang trải chi phí của chiến dịch, ước tính 1-2 tỷ USD mỗi năm, dù kinh tế trong nước đang gặp khó khăn. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết chi phí cho cuộc chiến ở Syria được trích từ ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga khoảng 54 tỷ USD/năm.

Các nhà phân tích và các quan chức Mỹ cho rằng chi phí này đang bị hạn chế do giá dầu lao dốc. Mặc dù giá dầu thấp gây tổn thương cho tổng thể nền kinh tế Nga nhưng lại giúp ngân sách quốc phòng nước này giảm một gánh nặng nhỏ vì giảm chi phí nhiên liệu cho các máy bay và tàu chiến. Cuộc chiến ở Syria cũng giúp Nga giải phóng kho bom thường từ thời Liên Xô.

Chuyên gia Vasily Kashin ở Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow cho rằng tham chiến ở Syria không làm Nga khó khăn về tài chính.

“Tất cả dữ liệu hiện có cho chúng ta thấy chiến dịch quân sự của Nga ở Syria không ‘ngốn’ quá nhiều so với nền kinh tế và ngân sách Nga”, Kashin nói. “Nga có thể duy trì với mức độ như hiện giờ từ năm này sang năm khác”, ông nhận xét.

Ông Putin giải thích quyết định can thiệp quân sự của Nga vào cuộc chiến ở Syria nhằm củng cố chính phủ của ông Assad và hỗ trợ ông Assad chống IS, trong khi đó các quan chức phương Tây và các nhóm đối lập ở Syria cáo buộc các cuộc oanh kích của Nga chủ yếu nhằm vào các phiến quân ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ và phương Tây nhận định dù Nga và đối tác Iran chỉ giúp chính phủ Syria giành lại được một ít lãnh thổ nhưng quyết định can thiệp quân sự của ông Putin đã chặn đứng động lực của phe đối lập, cho phép quân đội của ông Assad mở các cuộc tấn công. Trước khi Nga tiến hành không kích ở Syria, các quan chức Mỹ và phương Tây cho rằng chính phủ của ông Assad đang ngày càng rơi sâu vào tình thế nguy hiểm.

Thay vì đẩy lùi phe đối lập, Nga có thể cho rằng chỉ cần chỉ cần bảo vệ quyền lực mà ông Assad đang nắm ở các vùng dân cư quan trọng là đủ, bao gồm khu trung tâm của cộng đồng Hồi giáo dòng Alawite, vốn là nguồn gốc xuất thân của ông Assad, một quan chức tình báo Mỹ nhận định.

Quan chức này cũng cho rằng Nga đang tận dụng chiến dịch không kích để thử nghiệm các vũ khí mới trong điều kiện thực chiến và phối hợp chúng thành các chiến thuật, đồng thời hoàn thiện kỹ năng vận hành máy bay giám sát không người lái.

“Người Nga không can thiệp vào Syria một cách mù quáng”, ông bình luận. Ông nói Nga đang gặt hái một số lợi ích lơn hơn so với phí tổn cho chiến dịch không kích ở Syria.

Can thiệp quân sự của Nga vào Syria cũng dường như đã tạo thêm sức mạnh cho Nga trên bàn đàm phán. Trong những tuần gần đây, Washington chủ động trao đổi chặt chẽ với Nga để tìm kiếm một giải pháp xử lý cuộc nội chiến ở Syria, đồng thời dịu giọng trong việc yêu cầu ông Assad phải ngay lập tức ra đi.

Nguy cơ sa lầy

Trong thời gian vừa qua, Tổng thống Obama nhiều lần cho rằng Nga đang bị cuốn vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Syria và nó sẽ hút kiệt các nguồn lực của Nga, khiến nước này sa lầy quân sự.

“Bất kỳ ý định nào của Nga và Iran nhằm chống lưng ông Assad và làm yên dân chúng sẽ chỉ khiến họ sa lầy và không đạt được kết quả”, ông Obama nói vào ngày 2/10. Hai tháng sau, ông vẫn nêu ra viễn cảnh Nga sẽ “bị kẹt trong một cuộc nội chiến tê liệt và không có hồi kết”.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đề cao nhận định của ông Obama. “Tôi nghĩ rằng quan điểm của tổng thống là Nga sẽ không thành công (ở Syria) trong dài hạn. Người Nga đang bị hút vào cuộc nội chiến theo cách khiến họ cực kỳ khó thoát ra”, ông nói.

Các quan chức Mỹ không công khai xác định như thế nào là sa lầy đối với Nga trong cuộc chiến ở Syria. Tuy nhiên, ông Obama đã nêu ra viễn cảnh tương tự như thời kỳ Liên Xô hiện diện ở Afghanistan năm 1979-1989, khiến Liên Xô gặp nhiều thiệt hại về lực lượng.

Các quan chức Mỹ cho biết sự hiện diện quân sự của Nga ở lãnh thổ Syria tương đối nhỏ, chỉ bao gồm một căn cứ thường trú hải quân ở thành phố cảng Tartus, một căn cứ không quân lớn ở thành phố Latakia và một căn cứ không quân thứ hai đang được mở rộng gần thành phố Homs, cùng một số đồn bốt nhỏ khác.

Ước tính có khoảng 5.000 quân nhân Nga đang có mặt ở Syria gồm phi công, nhân viên mặt đất, nhân viên tình báo, đơn vị an ninh bảo vệ căn cứ quân sự của Nga và cố vấn quân sự.

Tuy nhiên, Nga đã mất một máy bay thương mại trong vụ tấn công nhiều khả năng do IS thực hiện ở Ai Cập, làm 224 người trên máy bay thiệt mạng. Một cường kích Su-24 của Moscow bị Ankara bắn rơi gần khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đang hợp tác với một quân đội Syria rệu rã và thiếu nhân lực, đồng thời phải đối mặt với phe nổi dậy có trang bị hỏa tiễn chống tăng và được Mỹ hậu thuẫn.

“Đó là một tình thế đau đầu”, một quan chức tình báo Mỹ nhận định. Ông cũng cho rằng, nói về quyền kiểm soát trên lãnh thổ ở Syria, “người Nga không đạt được mức như họ mong muốn”.

Theo vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề