‘Mỹ – Trung không có lợi ích để bắt tay ở biển Đông’

Bà Phương Nguyễn, chuyên gia của CSIS tại Washington, không thấy bất kỳ lý do nào khiến Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau để cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông.

Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ thực hiện nhiệm vụ áp sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: AP
Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ thực hiện nhiệm vụ áp sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: AP

Việc chiến hạm Mỹ tuần tra gần bãi đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam có góp phần kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc?

– Động thái mới nhất của Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải suy nghĩ thấu đáo về sự hung hăng mà họ đang thể hiện trên Biển Đông. Trong suốt một thời gian dài, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn nghĩ Mỹ sẽ không muốn sa lầy vào một xung đột tiềm năng ở Biển Đông và Bắc Kinh đã cải tạo đảo, thực hiện những thủ thuật cứng rắn đối với những nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Việc chiến hạm Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh Xu Bi (bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo), không phải là hành động quân sự. Đây chỉ là hoạt động bình thường theo luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các đảo nhân tạo không có lãnh hải. Vì thế, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để ngăn chặn các phương tiện nước ngoài di chuyển qua những vùng nước quanh đảo nhân tạo.

Bà có lo ngại rằng thái độ cứng rắn hơn của Mỹ có thể biến Biển Đông thành khu vực khủng hoảng?

Sau khi xem xét mọi yếu tố, tôi thấy động thái của Mỹ không thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngay lập tức.

Giới truyền thông Trung Quốc lên án việc chiến hạm Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo, trong khi người dân thể hiện sự giận dữ trên mạng. Bà dự báo sắp tới Trung Quốc sẽ làm gì?

– Sau khi chiến hạm Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo, chính phủ Trung Quốc chủ yếu dùng ngôn từ để phản đối. Bắc Kinh đang ở trong một tình thế khó, bởi nếu họ phản ứng Washington bằng những biện pháp có ý nghĩa và mang tầm chiến lược, họ sẽ tự thừa nhận với thế giới rằng họ hành xử trái với luật pháp và quy tắc quốc tế.

Hiện tại, Hải quân Mỹ vẫn mạnh hơn và sở hữu nhiều vũ khí tối tân hơn nhiều so với Hải quân Trung Quốc. Về mặt chiến lược, dùng vũ lực để đối phó một hành động hợp pháp, vô hại sẽ khiến hình ảnh Trung Quốc hoen ố. Nếu Mỹ không vạch ra giới hạn đối với hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo, tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh hơn hiện nay.

Biển Đông đang trở thành sân khấu cho cuộc đấu ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự lớn trên thế giới trong bối cảnh họ tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vậy chính phủ các nước có lợi ích ở Biển Đông có tính toán gì?

– Các chính phủ trong khu vực đều muốn Mỹ đảm nhận vai trò lớn hơn trong an ninh hàng hải ở Biển Đông. Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh của Mỹ, ủng hộ động thái của Washington. Đương nhiên, dư luận cũng muốn những nước khác trong khu vực noi gương Philippines và Nhật Bản. Song chúng ta cần hiểu rằng, đối với Mỹ, điều quan trọng là thể hiện sự lãnh đạo của họ ở Biển Đông. Nhà Trắng chẳng quan tâm những lời tung hô của dư luận đối với việc chiến hạm của họ di chuyển gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp.

'Mỹ - Trung không có lợi ích để bắt tay ở biển Đông'
Ảnh vệ tinh chụp các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại bãi Xu Bi ngày 3/9. Ảnh:CSIS/AMTI

– Nhà Trắng im lặng khi Trung Quốc phản đối họ điều tàu chiến tới gần đảo nhân tạo. Tại sao Nhà Trắng không lên tiếng? Họ thu được kết quả gì từ việc điều tàu tới gần bãi đá Xu Bi và Vành Khăn?

– Trong nhiều tháng qua, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ đã và đang thảo luận về thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông để gửi một thông điệp tới sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sự kỳ vọng của dư luận đã lên tới mức cao, khiến áp lực đối với chính giới Mỹ cũng rất lớn. Nhưng chính quyền Obama không ra quyết định một cách nhanh chóng. Vì thế giới quan sát đã hoài nghi về mức độ quyết tâm của Washington. Cuối cùng, Obama cho thế giới thấy ông đã sẵn sàng thể hiện chủ trương “nói ít, hành động nhiều”. Đây có thể là một chủ trương hiệu quả hơn nhiều.

Bà nghĩ gì về khả năng Mỹ sẽ bắt tay Trung Quốc để chia sẻ lợi ích trên Biển Đông?

– Chính phủ Mỹ không quá hứng thú với viễn cảnh khai thác tài nguyên ở Biển Đông để phục vụ lợi ích của họ. Washington luôn nghĩ tiềm năng thương mại đối với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông rất thấp. Tất nhiên, Trung Quốc có nhiều lý do để đánh giá cao quá mức giá trị kinh tế ở vùng biển này.

Song, giờ đây giới cầm quyền Mỹ nhận ra rằng nếu họ để Trung Quốc tự tung tự tác ở Biển Đông, sự thống trị về quân sự của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương sẽ chấm dứt. Đương nhiên, Washington không thể để kịch bản đó diễn ra dễ dàng. Tôi không thấy bất kỳ lý do nào khiến Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau để cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông trong tương lai gần.

Theo Zing


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề