Mua ảnh hưởng, dựng vai trò

Trước khi Trung Quốc tuyên cáo 57 thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) đạt được thỏa thuận về điều lệ và nguyên tắc hoạt động thì Nhật Bản đưa ra chương trình tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển ở châu Á.

AIIB được thành lập theo sáng kiến của Trung Quốc với mức vốn ban đầu là 50 tỷ USD, về sau có thể được tăng lên đến mức 100 tỷ USD. Trung Quốc cam kết đóng góp phần vốn lớn nhất. Vì thế, ai cũng cho rằng Trung Quốc sẽ có vai trò nổi bật trong AIIB.

Đồng thời ai cũng thấy Trung Quốc sẽ sử dụng AIIB làm công cụ để gây dựng vai trò lớn hơn và mở rộng phạm vi ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại ở khu vực, châu lục và trên thế giới. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến ngay từ cuối năm 2015 này, AIIB không chỉ làm những công việc mà cho tới nay vẫn thường do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đảm nhận. Ý đồ của Trung Quốc vì thế còn là về lâu dài phát triển AIIB thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với WB và ADB, dần làm thay đổi trật tự tài chính thế giới hiện tại.

WB bị Mỹ chi phối, trong khi Nhật Bản có vai trò và ảnh hưởng quyết định nhất trong ADB. Cả hai nước này hiện đều không tham gia AIIB. Chương trình tài chính nói trên của Nhật Bản là đối sách của chính phủ nước này đối với AIIB và Trung Quốc. Nó giống AIIB về định hướng hoạt động, nhưng khác ở chỗ vốn hoạt động của AIIB do 57 thành viên đóng góp với phần góp vốn lớn nhất là của Trung Quốc, trong khi ở chương trình tài chính của Nhật Bản thì Chính phủ Nhật Bản chi 110 tỷ USD và giới kinh tế tư nhân góp thêm 33 tỷ USD. Như vậy, về khả năng tài chính, Nhật Bản vượt xa AIIB. Theo Chính phủ Nhật Bản, một nửa số tiền ấy do chính phủ nước này đầu tư trực tiếp, phần còn lại sẽ được giải ngân trong sự hợp tác với ADB.

Trung Quốc và Nhật Bản không khác nhau ở phương châm bỏ tiền ra để mua ảnh hưởng và gây dựng vai trò ở các nước đang phát triển trong cũng như ngoài khu vực, dùng đúng chiêu bài của nhau để ganh đua lẫn nhau. Họ bỏ tiền ra đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài đều vì lợi ích chiến lược lâu dài của họ ở bên ngoài. Nhật Bản không thể phớt lờ cả WB lẫn ADB như Trung Quốc. Vì thế mới có chuyện Nhật Bản phải lưu tâm tới việc tăng cường vai trò cho ADB. Nhật Bản có thể ganh đua với Trung Quốc nhưng nếu muốn cạnh tranh và kiềm chế AIIB thì phải sử dụng ADB. Vực ADB dậy như thế còn giúp Nhật Bản vừa củng cố và tăng cường được vị thế quyền lực của mình trong ADB vừa có công cụ đối phó với AIIB. Bước đi này của Nhật Bản chắc chắn làm Trung Quốc không thể không hậm hực nhưng cũng không thể phê trách.

Trí Lê (Theo Kinh tế & Đô Thị)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề