Một cái nhìn về sự thất bại quân sự của Ukraina

“Ukraine với sự hỗ trợ của những người bạn hãy xây dựng đất nước phồn vinh giàu mạnh cùng với nền tảng quốc phòng vững mạnh – có thể một lúc nào đó, Crimea, Donbass… sẽ nuối tiếc khi tự tách ra để “theo đuôi” Nga”.

Ngay sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đào tẩu, nền chính trị Ukraine rơi vào hỗn loạn. Các đảng phái và phe phái chống đối gây bất ổn trong nước và nghiêm trọng hơn là việc Nga đưa quân vào Crimea chiếm đoạt để rồi “sáp nhập” bán đảo này một cách dễ dàng không mất một viên đạn.

Nổ phát súng đầu tiên trong việc bảo vệ Ukraine sau cách mạng Maidan thành công là Hoa Kỳ. Mỹ đã đặt ra lằn ranh giới đỏ và cho Tổng thống Putin suy nghĩ trong 18 tiếng đồng hồ về việc rút quân trở lại Sevastopol, trả lại Crimea cho Ukrane hoặc phải đối diện với lệnh trừng phạt. Moscow trả lời lại bằng cách công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, đẩy Ukraina, Mỹ và EU vào một cuộc chiến lưỡng bại câu thương.

Tuy nhiên, Nga đã không dừng lại ở Crimea mà tiếp tục gây bất ổn trên khắp đất nước Ukraine, đặc biệt là ở những tỉnh miền Đông – thủ phủ của nền độc tài tham nhũng Yanukovych. Những cuộc bạo loạn, rồi cuộc chiến chống khủng bố diễn ra khắp nơi – đỉnh điểm là xung đột đẫm máu khiến 48 người tử thương ở tòa nhà công đoàn Odessa cách đây bốn tháng.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Ukraina phải đối diện với muôn vàn khó khăn: một chính phủ lâm thời được thành lập và tiếp quản ngân khố trống rỗng, mâu thuẫn Đông-Tây và trong từng khu vực bị đẩy lên cao. Tình hình báo động đỏ ở mức nội chiến và có nhiều người nghĩ đến viễn cảnh như bà tiên tri Varga dự đoán: nước này sẽ bị tan rã và xóa tên trên bản đồ thế giới.

Tất nhiên người dân Ukraine và chính phủ lâm thời, cùng các đồng minh Mỹ, EU, NATO… không ngồi yên để Nga tròng dây vào cổ Ukraine. Cùng với sự huy động lực lượng quân đội, vũ trang, người dân yêu nước từ doanh nhân, nhà giáo, thanh niên – được sự ủng hộ, khích lệ của các nước trên thế giới – đã đứng lên chống lại phán quân ly khai, được chính quyền Putin chống lưng vô điều kiện.

Liên tiếp những đòn cấm vận, trừng phạt được áp dụng đối với Liên bang Nga. Nhưng Moscow gần như vẫn phớt lờ và tiếp tục leo thang bạo lực thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ ngày càng được gia tăng đối với phiến quân ly khai. Tại sao những đòn trừng phạt được giới báo chí và người yêu nước Ukraine đặt hy vọng có tác động kìm hãm, đe nẹt chính quyền Putin, nhưng lại gần như vô dụng?

Giao dịch thương mại giữa Mỹ và Nga là 28 tỷ USD một năm, với EU là 420 tỷ USD. Những đòn trừng phạt của Mỹ tuy khốc liệt nhưng với lượng giao dịch thương mại như vậy quả là quá bé so với nền kinh tế hơn 2.000 tỷ của Nga. Với EU, họ cũng mới chỉ dừng lại ở những biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và gần đây nhất là tập đoàn, nhưng cấm vận quan trọng nhất là cấm huy động vốn tại thị trường EU cũng chỉ kéo dài 90 ngày.

Nguồn doanh thu quan trọng nhất mà chính phủ Nga thu về cho ngân khố nhà nước là năng lượng. Trong khoản 420 tỷ USD của giao dịch thương mại hàng năm với EU, năng lượng chiếm tới 360 tỷ – ngoài ra Nga có nguồn dự trữ hiện nay còn hơn 300 tỷ (chừng 100 tỷ từ nguồn dự trữ đã được sử dụng để cứu đồng nội tệ, bù vào những thiếu hụt do cấm vận của Mỹ và EU gây ra).

Như vậy, với lượng giao dịch thương mại hiện nay cộng với nguồn dự trữ của mình, Nga vẫn có thể phát triển những dự án lớn của mình như các đại dự án khí đốt “Hải lưu phương Nam” và “Sức mạnh Siberia”, việc hiện đại hóa lực lượng quân đội, v.v… một cách bình thường mà không bị ảnh hưởng một cách thật đáng kể.

Những chuyên gia dự báo rằng dân Nga sẽ nghèo đi và sẽ có những cuộc biểu tình nhưng với sự quản lý hiện nay của chính phủ Nga, khó có đất sống cho những phản kháng mang tính đối lập. Một chính trị gia hàng đầu của Nga từng nói, “muốn làm việc gì đó không phải lo đến dân, dân chỉ là mức độ cần suy xét trong một sự kiện nhỏ”.

Chính vì có tiềm lực về tài chính và, quân sự, Nga luôn cứng rắn đối với Ukraine, một quốc gia tuy được các nước ủng hộ nhưng nội lực yếu, khả năng có hạn và cuộc đua dài hơi về vũ trang gần như là bất khả. Lấy gì để nuôi quân, chi phí mua sắm trang thiết bị quốc phòng khi ngân sách hoàn toàn dựa vào lượng tiền vay của các tổ chức tín dụng quốc tế, và nền kinh tế thì suy giảm.

Về phần mình, Nga luôn xác định chỉ trong một khoảng thời gian nhất định – có thể một hoặc hai năm – nếu Ukraine tiếp tục theo đuổi cuộc đua vũ trang, chắc chắn chính phủ sẽ sụp đổ, tổng thống sẽ phải thoái vị , đất nước dễ rơi vào cảnh vô chủ. Chính vì vậy Moscow tiếp tục leo thang mặc dù đang bị siết chặt trong các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Pháp không bán tàu Mistral thì dùng tạm tàu Nikolai Filchenkov, Kuznetsov. Anh cấm vận tài chính thì huy động từ nguồn tiền dự trữ, từ Trung Quốc… EU và Mỹ cấm vận về công nghệ cao thì dùng công nghệ “thường thường bậc trung” của Ấn Độ, của Trung Quốc hay của chính Nga. Không có Honda thì dùng Minsk, không có Toyota, Volkswagen… thì đi xe Lada – rồi mọi cái cũng sẽ qua…

Điều cơ bản là mối đe dọa quân sự từ bên ngoài ảnh hưởng tới Nga trong tương lai gần hầu như không có. EU vẫn phải mua năng lượng của họ, Nga vẫn thu tiền về để tiếp tục leo thang chiến tranh. Quan hệ thương mại song phương hiện tại có hàm chứa sự liên quan lợi ích lẫn nhau nên bản thân nền kinh tế của EU – thậm chí kinh tế thế giới – đã bị tác động mạnh và có chiều hướng suy giảm.

Dân Nga đã nghèo quen, sống khổ quen nên khả năng chịu đựng nhìn chung là tương đối cao, nhưng với Phương Tây là chuyện khác: nếu tình trạng tăng trưởng kinh tế luôn ỳ ạch, người dân sẽ xuống đường biểu tình ồ ạt, các đảng đối lập sẽ tìm cách đòi thay người đứng đầu. Lãnh đạo phương Tây thường tuân thủ tôn chỉ việc làm đầu tiên là lo cho cuộc sống người dân, sau đó mới tính đến những yếu tố khác.

Đến một lúc nào đó khi mọi việc đã “chìm xuồng” như Nam Ossetia, Abkhazia hay Crimea…, Phương Tây buộc phải trở lại làm ăn với Nga. Hầu như mỗi lần Mỹ hay EU cấm vận Nga, ngoài những vụ viện, chuyên gia phân tích kinh tế họ còn được tham vấn bởi chính những CEO của các tập đoàn nước ngoài đang làm ăn tại Nga.

Với Ukirana hiện nay phụ thuộc phần lớn vào năng lượng của Nga với số tiền cần phải thanh toán cho Nga lên tới 5 tỷ USD khi mùa đông cận kề, dù muốn dù không vẫn phải mua năng lượng (khí đốt) của Nga. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Ukraine Poroshenko lại gọi điện cho ông Putin vào lúc 5 giờ sáng, và theo nhận định của quan chức cấp cao NATO thì Ukraine đã thua trong cuộc chiến quân sự nhất thời với Nga.

Có thể đàm phán sẽ là điều khó nuốt trôi đối với người dân yêu nước Ukraina nhưng thà hòa bình để phát triển và ổn định theo hướng mới còn hơn chiến tranh kéo dài dẫn đến sụp đổ. Ukraine có thể mất tiếp vùng Donbass nhưng vẫn tồn tại trên bản đồ như một trong những quốc gia lớn và có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở Châu Âu.

Ba mươi năm trở về trước không một ai có thể dự đoán sự sụp đổ của Liên Xô, trước năm 2013 không ai nghĩ Nga sẽ xâm lược Ukraine, v.v… vậy mà tất cả những điều đó đã xảy ra. Ukraine với sự hỗ trợ của những người bạn hãy xây dựng đất nước phồn vinh giàu mạnh cùng với nền tảng quốc phòng vững mạnh – có thể một lúc nào đó, Crimea, Donbass… sẽ nuối tiếc khi tự tách ra để “theo đuôi” Nga.

Bài viết của bác Anh Già


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề