Liệu có cách mạng màu tại Nga hay không?

Russians gather to demand that Vladimir Putin, the prime minister, allows free elections

Phần 2
Điều kiện cho sự thành công

Mô hình đạt được thành công lớn nhất khi nó được triển khai một cách đầy đủ chống lại những nhà lãnh đạo đương nhiệm vốn đang ở thế dễ bị tổn thương. Mức độ dễ bị tổn thương của những nhà độc tài không thay đổi tùy vào mức độ đàn áp trong chế độ tương ứng của họ. Hơn nữa, dạng dễ bị tổn thương của họ cũng khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Ở Slovakia, Meciar bị căm phẫn bởi những thủ đoạn dơ bẩn và sự thao túng bằng mánh khóe xấu xa của mình, cũng như một ý nghĩ phổ biến rằng Slovakia sẽ không được gia nhập NATO và Liên minh châu Âu EU chừng nào ông còn cầm quyền. Ở Croatia và Serbia, người dân mệt mỏi vì phải chịu đựng chiến tranh và cấm vận kinh tế trong nhiều năm. Với trường hợp Serbia, chính quyền Milosevic làm nhiều người dân căm phẫn bởi các hành vi đàn áp ngày càng tàn bạo như việc bắt giam các thành viên Otpor còn rất trẻ, có người mới chỉ khoảng 13 tuổi. Ở Gruzia, chính quyền suy yếu, và bản thân Shvardnadze cũng rất mệt mỏi và đã dần bị loại bỏ khỏi sinh hoạt chính trị thường nhật. Ở Ukraine, việc chính quyền Kuchma thủ tiêu nhà báo đối lập, đầu độc ứng cử viên đối lập Yushchenko, và rất nhiều hành động lạm quyền khác đã khiến người dân phải thốt lên “Đủ rồi!”.
Trong trường hợp những nhà lãnh đạo đương nhiệm ít thiếu sót hơn và những khía cạnh quan trọng của mô hình không được triển khai đầy đủ thì nó không thể tạo ra một bước đột phá về dân chủ, và người đương nhiệm trở nên ngày càng độc tài hơn. Trong giai đoạn này, những quốc gia như Nga, nơi chưa có nỗ lực nào để tiến hành mô hình bầu cử, cũng trở nên độc tài hơn. Một điểm đáng nhấn mạnh, nhất là khi chúng ta đang hỏi liệu mô hình bầu cử có thể hoạt động ở Nga ngày nay hay không, đó là bất cứ trường hợp thành công nào cũng kèm theo ít nhất một lần “thử trình diễn” và thất bại, trong đó, các khía cạnh của mô hình sẽ được thử nghiệm. Tương tự, trong tất cả những trường hợp thành công, phe đối lập đã thắng ở cấp độ địa phương trước khi thắng ở cấp độ quốc gia.
Cũng như các con đường tiến tới dân chủ hóa khác, những kết quả của các đột phá về dân chủ thành công được bàn luận ở trên rất khác nhau. Ở Slovakia và Croatia, sự lật đổ các nhà lãnh đạo bán độc tài mở ra con đường nhanh chóng và khá rõ ràng đến việc tạo nên một hệ thống dân chủ toàn diện. Ở Serbia cũng chứng kiến một quá trình chóng vánh, mặc dù quá trình này đã suy tàn theo thời gian. Ở Ukraine thoạt tiên có trào lưu khá tốt hướng tới dân chủ, nhưng sau đó lại sa vào đường cũ. Ở Gruzia và Kyrgyzstan có ít biến chuyển tích cực hơn – tại mỗi nơi, việc loại bỏ lãnh đạo có các yếu tố của một cuộc đảo chính. Những mẫu hình đa dạng như vậy cũng tương tự như những diễn tiến diễn ra sau các đột phá về dân chủ bắt đầu bởi các thỏa thuận của giới tinh hoa hoặc các cuộc biểu tình của công chúng không liên quan tới các cuộc bầu cử. Nói một cách khác, việc lật đổ một nhà cầm quyền độc tài tạo ra các điều kiện thuận lợi cho quá trình hướng tới dân chủ nhưng không thể đảm bảo quá trình này, cho dù các đột phá có xảy ra như thế nào đi nữa.
Nếu xét đến các cáo buộc đưa ra bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền ở những nước mà chúng tôi đã nghiên cứu trước đó cũng như ở các nước khác, vai trò của các chủ thể quốc tế cần được quan tâm đáng kể. Rõ ràng là việc loại bỏ thành công các lãnh đạo bán độc tài trong khu vực không phải là sự sắp xếp của các chủ thể bên ngoài, mà đứng đầu là Hoa Kỳ, như Putin và nhiều người khác đã nhiều lần tranh luận. Ngược lại, các chủ thể trong nước đóng vai trò quan trọng nhất. Chính các chủ thể này thực hiện các công việc kéo dài, khó khăn và có lúc nguy hiểm để triển khai mô hình này.
Cùng lúc đó, các chủ thể ngoài nước ủng hộ phát triển dân chủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện phổ biến mô hình. Các chủ thể này thực hiện bằng cách sắp xếp các cuộc gặp gỡ với những nhà lãnh đạo trong các trường hợp thành công; cung cấp nguồn hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn cho các nhóm xã hội dân sự; khuyến khích các nhà chính trị đối lập đoàn kết lại; cung cấp, đào tạo về các kỹ thuật vận động tranh cử phương Tây mới lạ trong khu vực; hỗ trợ chuyên gia giúp đỡ về điều tra ý kiến cử tri sau bầu cử và kiểm phiếu song song; hỗ trợ một vài kênh truyền thông độc lập; và gây sức ép để chính quyền cải thiện các thủ tục bầu cử.[8] Trong một vài trường hợp, những tác nhân bên ngoài còn sử dụng cả điều kiện hoặc lời hứa của các thành viên trọng yếu trong một số tổ chức quan trọng như NATO và EU để hỗ trợ cho những thay đổi trong bầu cử.[9] Trong bất cứ trường hợp nào, các tác nhân bên ngoài đều không thực hiện công việc một cách đơn lẻ – họ luôn hoạt động như một phần của liên minh xuyên quốc gia trong đó có những nhà đối lập trong nước và các tổ chức xã hội dân sự cũng như người đã tham gia vào các mô hình bầu cử thành công trước đó.
Nước Nga có hợp với khuôn mẫu đó hay không?
Thoạt nhìn, những cuộc biểu tình lớn ở Nga sau gian lận bầu cử quốc hội vào tháng 12 năm 2011 và những cuộc biểu tình chống đổi nhỏ hơn sau bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2012 dường như không theo khuôn mẫu đã được thảo luận ở trên. Mặc cho sự giận dữ của đám đông, kết quả của lần bầu cử quốc hội gian lận vẫn giữ nguyên, và Putin vẫn đắc cử tổng thống vào tháng 3 năm 2012. Thêm vào đó, những cuộc biểu tình phản đối cuối năm 2011, mặc dù rất lớn nếu so với thập kỷ trước tại Nga và lan rộng hơn so với những cuộc biểu tình trước, vẫn chỉ là một phần nhỏ của đất nước 140 triệu người. Ngay cả ở Matxcơva, nơi diễn ra những cuộc biểu tình lớn nhất, đám đông cũng còn xa mới đạt đến độ khoảng 1 triệu người Ukraine vốn từng tập trung ở Kiev khi cách mạng Cam lên tới cao trào vào năm 2004.
Mặc dù những cuộc biểu tình vào cuối năm 2011 và đầu 2012 thất bại trong việc châm ngòi cho một cuộc cách mạng màu, cũng có một vài lý do để có thể nói rằng, còn quá sớm để loại trừ khả năng mô hình thay đổi chế độ này có thể được sử dụng và thành công trong tương lai. Đầu tiên, các sự kiện gần đây cho thấy điều trước đây chưa từng có: Putin đã có những điểm yếu. Đảng của ông đã mất ghế tại cuộc bầu cử Duma vào tháng 12 năm 2011 mặc dù có những gian lận lớn cho thấy người Nga không còn thấy sự thống trị của ông là quen thuộc và khó tránh khỏi nữa. Ở khu vực Matxcơva vào tháng 3 năm 2012, mặc dù có nhiều gian lận hơn, Putin cũng không thể thắng đa số phiếu bầu cho vị trí tổng thống.
Nếu những dự đoán cho giai đoạn khó khăn phía trước của kinh tế Nga trở thành hiện thực thì nguồn điểm yếu thứ hai có thể được thêm vào: đã đến lúc chấm dứt một chính quyền đầy tham nhũng và đáng hổ thẹn. Rất nhiều người tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng 12 là những người mới bất đồng chính kiến với chính phủ và dường như chủ yếu thuộc về tầng lớp trung lưu mới, những người đã sống tốt dưới thời Putin. Nói một cách khác, ngay cả những người lẽ ra phải trở thành những ủng hộ viên tự nhiên của tổng thống thì giờ đây cũng đang tố cáo ông, và vì thế người ta có thể tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế chuyển biến xấu đi.
Hơn nữa, mặc dù những cuộc biểu tình hồi tháng 3 hầu như được xem là nhỏ hơn và không rầm rộ bằng biểu tình tháng 12, thực tế là chúng tiếp tục tồn tại sau bầu cử báo hiệu rằng đã có một nhóm các nhà hoạt động cốt lõi cam kết thực hiện đối lập lâu dài. Một dấu hiệu tốt là một vài nhà lãnh đạo biểu tình, bao gồm Alexei Navalny, đã nhấn mạnh yêu cầu phải tạo ra một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn và phải hoạt động vì sự thay đổi ở cấp độ địa phương. Những tổ chức và liên minh xã hội dân sự đã được chứng minh đóng vai trò quan trọng trong thành công của mô hình bầu cử ở những nơi khác, và sức mạnh của xã hội dân sự tại một nước là chỉ dấu cho thấy triển vọng quá trình tiến tới dân chủ sẽ được tiếp tục sau khi đạt được một bước đột phá bằng cách sử dụng mô hình này. Một thập niên của những hỗ trợ về dân chủ từ ngoài nước là nền tảng cho đột phá trong bầu cử tại Slovakia và Ukraine, những nơi mà các tổ chức phi chính phủ được tổ chức tốt khiến cho việc huy động người dân dễ dàng hơn khi bầu cử và biểu tình. Tương tự, ở cả Croatia lẫn Serbia, mặc dù triển khai trong những điều kiện ít thuận lợi hơn, các nhà hoạt động xã hội dân sự đã đạt được những kinh nghiệm quý giá trước khi có đột phá về bầu cử. Sự tự nguyện của hàng ngàn người Nga đóng vai trò như những người giám sát bầu cử Quốc hội lẫn bầu cử Tổng thống là một dấu hiệu khác chứng tỏ một số công dân nhất định đã nhận thức rõ và giờ đây đang thực hiện vai trò dân sự của mình một cách nghiêm túc.
Cuối cùng, rất thú vị rằng, bất chấp “Mùa xuân Ả Rập” và các ảnh hưởng của nó tới các đảng đối lập ở những nơi khác thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan, sự gia tăng của các hoạt động biểu tình tại Nga cho đến nay vẫn chỉ tập trung vào bầu cử. Như nhiều người đã khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân tại sao bầu cử lại là điểm mấu chốt cho các cuộc biểu tình, nhất là khi chúng có sự gian lận.Như Graeme Roberson chú thích, còn có rất nhiều loại hình biểu tình khác ở Nga dưới thời Putin, bao gồm biểu tình của công nhân và các cuộc biểu tình tập trung vào các vấn đề về sinh thái, kinh tế và các vấn đề khác. Tuy nhiên, không trường hợp nào trên đây có số lượng các cuộc biểu tình xảy ra như hồi tháng 12/2011, cũng không có những cuộc biểu tình nào xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương như vậy. Theo sau cuộc bầu cử Tổng thống, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạt động người Nga đã sẵn sàng để tổ chức các cuộc biểu tình rải rác, bao gồm những hình thức mới như nhảy tập thể flash mobs, mà không có liên quan tới chu kỳ bầu cử. Nếu xét đến sự phát triển này cũng như tầm ảnh hưởng mà những cuộc biểu tình không liên quan tới bầu cử ở các nước Ả rập đã tạo ra đối với chiến thuật của phe đối lập tại các nước hậu cộng sản khác, có khả năng sự tập trung vào bầu cử trong các cuộc biểu tình ở Nga sẽ được thay thế bằng một kiểu đối lập mới không gắn với chu kỳ bầu cử. Mặt khác, những hành động như vậy có thể giúp cung cấp một nhóm các nhà hoạt động dày dặn kinh nghiệm cho vòng tới của các cuộc biểu tình liên quan tới bầu cử.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề