Hàng trăm di dân đang bị mắc kẹt bên ngoài nhà ga chính ở thủ đô Budapest, Hungary, sau khi cảnh sát phong tỏa ga để ngăn họ tìm đường đến các nước EU khác.
Ông Zoltan Kovacs, phát ngôn viên chính phủ nói rằng Hungary cố gắng thực thi pháp luật của EU.
Hàng ngàn người dân, nhiều người chạy trốn chiến tranh và đàn áp, đang nỗ lực tìm đường đến Bắc Âu để tỵ nạn.
Các quốc gia EU đang tham gia một loạt các hoạt động ngoại giao để tìm giải pháp.
Cuộc khủng hoảng di dân đã làm lộ ra những hạn chế của hệ thống luật của EU trong việc đối phó với người tỵ nạn, phóng viên Chris Morris của BBC cho biết.
Theo Quy chế Dublin, di dân nên xin tỵ nạn tại nước EU đầu tiên mà họ nhập cảnh. Nhưng các nước như Ý và Hy Lạp tuyên bố rằng họ không thể tiếp nhận số lượng lớn di dân, do vậy nhiều người đã đi về hướng bắc.
Hungary trước đó dường như đã từ bỏ nỗ lực cho di dân đăng ký, cho phép số lượng lớn những người này lên tàu tại ga Keleti ở đông Budapest đi đến Vienna và miền nam nước Đức hôm 31/8.
‘Căng thẳng và khó lường’
Ông Morris phân tích:
“Liên minh châu Âu lẽ ra phải có một điều khoản chung về tỵ nạn nhưng tại thời điểm này điều khoản này chỉ có giá trị trên giấy.
Đa số người di cư hiện đang cố gắng tìm đường đến Đức qua Hungary có thể nhập cảnh đầu tiên ở Hy Lạp. Nhưng họ đi qua ngả Macedonia và Serbia trước khi băng qua Hungary. Bây giờ chính phủ Hungary tuyên bố
Họ đang cố gắng áp dụng luật của EU, nhưng rõ ràng không muốn di dân ở lại nước này.
Nói cách khác, điều khoản chung về tỵ nạn của EU cần được cải cách. Các nhà lãnh đạo EU đã thông qua đề xuất tiếp nhận người tỵ nạn trên khắp châu u, giúp Hy Lạp và Ý cho di dân đăng ký và có hành động hiệu quả hơn để gửi trả người tỵ nạn về nơi họ xuất phát.
Nhưng nhiều chính sách vẫn chưa được thực hiện trên thực tế.
Hôm 1/9, cảnh sát Hungary sơ tán nhà ga khiến khoảng 1.000 người di cư mắc kẹt bên ngoài.
Nhà ga sau đó cho phép hành khách không di cư đi vào qua một cổng phụ.
Một đám đông di dân giận dữ hô vang “Đức, Đức” và vẫy các vé tàu.
Nhiều người biểu tình ở Budapest phàn nàn rằng họ đã phải trả hàng trăm euro cho vé tàu tới Áo và Đức.
Một phụ nữ 20 tuổi từ Aleppo, Syria, tên Marah, cho biết gia đình bà đã mua sáu vé cho chuyến tàu đến Vienna.
“Họ nên tìm một giải pháp”, bà nói với hãng tin Reuters. “Có hàng ngàn người ở đây, chúng tôi nên đi đâu bây giờ?”
Ủy ban Helsinki về Nhân quyền mô tả tình hình tại nhà ga Keleti là ‘rất căng thẳng và khó lường’.
Phóng viên nói động thái của Hungary dường như là do áp lực từ các nước EU khác về chuyện đối phó với dòng người di cư.
Trong số 3.650 di dân đến Vienna bằng xe lửa hôm 31/8, nhiều người có ý định tiếp tục đến Đức. Cảnh sát Đức cho biết 3.500 người tỵ nạn đến Bavaria hôm 1/9 trong khi Bỉ và Thụy Điển cũng ghi nhận lượng nhập cư đột biến.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ cho đăng ký tất cả người di cư và gửi những người được phân loại là di dân vì lý do kinh tế trở lại nơi mà họ đã ra đi.
Lượng người nhập cư vào châu Âu đã đạt mức kỷ lục, 107.500 người trong tháng 7/2015.
Đức dự kiến tiếp nhận 800.000 người di cư trong năm nay – gấp bốn lần năm ngoái.
Bộ trưởng Lao động Đức Andrea Nahles dự báo có khoảng 240.000 – 460.000 người có thể được hưởng trợ cấp xã hội trong năm tới, khiến chi phí đội lên hàng tỷ euro.
Trong khi đó, Cơ quan Biên giới của Liên hiệp châu Âu Frontex cho biết đã xuất hiện tình trạng mua bán hộ chiếu Syria giả, chủ yếu là ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trả lời