« Một thế kỷ mới » cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, theo Thủ tướng Nhật, « một viên đá khổng lồ đầu tiên cho sự thịnh vượng tương lai của chúng ta», theo Thủ tướng Úc… Ngày 06/10/2015, nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng hoan nghênh sự kiện 12 nước quanh Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã đúc kết được bản hiệp định tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Là cường quốc kinh tế trong cùng khu vực, nhưng không tham gia vào khối, Trung Quốc cũng có phản ứng nhưng rất chừng mực.
Đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, « một vùng kinh tế lớn sẽ nổi lên (…), TPP sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta sung túc hơn… Một thế kỷ mới đang bắt đầu cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. ». Phản ứng phấn khởi của ông Abe cũng dễ hiểu vì hiệp định TPP được cho là rất có lợi cho Nhật Bản, đồng thời là một thành công chính trị của ông.
Không kém phấn khởi, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng nhiệt liệt hoan nghênh TPP, trong lúc Malaysia tỏ ý vui mừng về khả năng được tiếp cận dễ dàng hơn với một loạt thị trường. Các lãnh đạo 12 nước thành viên TPP lên tiếng hoan nghênh đã đành, mà ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI, qua lời bà Tổng giám đốc Christine Lagarde, cũng cho rằng hiệp định TPP là « một sự kiện rất tích cực ».
Phản ứng từ Việt Nam
Sau khi có tin về việc 12 phái đoàn đàm phán TPP đạt thỏa thuận, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn (từ Sài Gòn) chia sẻ:
« Tôi cũng vừa mới đọc báo sáng nay. Khi đọc đến tin đã kết thúc cuộc đàm phán lịch sử về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, tôi rất là cảm xúc. Lúc đó, tự nhiên tôi muốn vỗ tay tán thưởng nỗ lực của tất cả những vị đại diện của 12 quốc gia, phải nói là đã làm việc hết sức nỗ lực, để vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc, sinh học… Tôi rất mừng. Tôi nghĩ rằng, đối với Việt Nam, kết thúc cuộc đàm phán thành công này, Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành một thành viên của TPP. Đó là một bước ngoặt về kinh tế rất tốt cho Việt Nam, để có thể đặt nền kinh tế trên một đường băng phát triển mới.
Việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những thuận lợi lâu dài. Trước mắt, cơ hội là lớn, nhưng thách thức cũng không kém. Điều quan trọng là TPP sẽ giúp cho Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa những cải cách trong bộ máy hành chánh, những cải cách về thể chế, để tạo điều kiện cho môi trường kinh tế, cho các doanh nghiệp tư doanh của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh.
Tham gia TPP sẽ tạo ra những áp lực để Nhà nước và chính phủ Việt Nam phải thực hiện các cải cách về thể chế kinh tế. Tôi nghĩ rằng, đó chính là điều kiện cho phép Việt Nam nhận được những thuận lợi cơ bản và lâu dài trong tương lai ».
Trung Quốc với thái độ dè dặt
Riêng Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, cũng là một nước ven Thái Bình Dương, nhưng lại không tham gia khối TPP, vì xem đấy là một công cụ của Mỹ, đã có phản ứng rất thận trọng. Sau khi được tin hiệp định TPP đã được thông qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ nói vắn tắt là Bắc Kinh luôn « mở cửa chào đón bất kỳ cơ chế nào » có khả năng « tăng cường sự hội nhập kinh tế của khu vực Châu Á Thái Bình Dương ».
Đối thủ của Trung Quốc là Nhật Bản đã không ngần ngại gợi ý với Trung Quốc là hãy cố cải thiện luật lệ để có thể tham gia vào khối TPP. Theo Thủ tướng Abe: « Nếu trong tương lai Trung Quốc tham gia vào TPP, điều đó sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ».
RFI tiếng Việt
Trả lời