Góc nhìn khác về “thoát Trung”

Sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 cắm vào vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta hồi tháng 5-2014, nhiều người đặt vấn đề “thoát Trung”. Bài này thử bàn “thoát” cách nào trên cơ sở thực tiễn quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, kinh nghiệm và vai trò của kinh tế người Hoa ở Nam bộ.

Theo tổng điều tra dân số năm 2009, người Hoa ở Việt Nam có 823.071 người (chiếm khoảng 1,1% dân số). Trong đó, 50% ở TPHCM (Sài Gòn – Chợ Lớn) với 414.045 người, tỉnh Đồng Nai có 95.162 người, tỉnh Bình Dương có 18.873 người, miền Tây Nam bộ có khoảng 200.000 người. Các tỉnh từ Nam Trung bộ trở ra chỉ còn hơn 100.000 người Hoa sinh sống.

Người Hoa ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc hơn 40 triệu người, trong đó gần 30 triệu người (75%) đang sinh sống tại các nước Đông Nam Á. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), năm 2013 Đông Nam Á có 67 tỉ phú (từ 1 tỉ đô la Mỹ) thì 12 người là Hoa kiều. Tổng số tư bản mà người Hoa chiếm giữ ở Singapore là 33%, Malaysia 35%, Thái Lan 44%, Philippines 30%… Người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn một thời bằng vai với Hoa kiều các nước Đông Nam Á nhưng nay vắng trong bảng xếp hạng này. Điều đó có lợi hay có hại cho Việt Nam cũng cần phải suy nghĩ.

Người Hoa ở Đông Nam Á thuộc thành phần tinh hoa và không chỉ chiếm số đông trong giới giàu có dẫn đầu nhiều ngành kinh tế chiến lược mà còn có nhiều người tham chính và giữ vị trí nguyên thủ hoặc đứng đầu chính phủ ở một số nước.

Các nước này không nói “thoát Trung” cũng như chưa bao giờ chịu lệ thuộc Trung Quốc vì họ không là “đồng chí”, không là “đối tác chiến lược” với Trung Quốc như ta. Các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar… không chấp nhận hệ chính trị, tư tưởng giống Trung Quốc. Lực lượng Maoist một thời tràn ngập và lập chiến khu ở các nước này đã bị trục xuất, vậy mà lâu nay họ lại chấp nhận lực lượng người Hoa làm kinh tế có quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Hóa ra kinh tế là không giới tuyến nhưng chính trị thì ngược lại.

Trong lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày nay, nếu “soi” kỹ những thương nhân thành đạt, ta sẽ thấy không ít người có gốc là người Minh Hương – Trung Quốc (sang Việt Nam lập nghiệp từ giữa thế kỷ 17 sau khi người Mãn Châu lật đổ triều đại nhà Minh). Ta nên trân trọng vì họ đã gắn bó thành đồng bào (thiểu số) của chúng ta rồi. Nhiều người đã ra đi trong những năm “cải tạo công thương nghiệp” và đang thành công ở các nước khác nhưng vẫn tự nhận mình là người Việt Nam và vẫn quay về Việt Nam đầu tư.

Cần nhận thức rõ nhân tố người Hoa trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam và vận dụng kinh nghiệm của họ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Không vì chủ quan, sập bẫy, làm ăn thua thiệt với người ta rồi hốt hoảng nói “thoát Trung”. “Thoát Trung” là thoát cái gì? Thoát như thế nào?

Những nước thù địch với Mỹ có ai đòi “thoát Mỹ” về kinh tế không? Mỹ nhập siêu với Trung Quốc lớn nhất thế giới mà Mỹ có tính “thoát Trung” để kiềm chế Trung Quốc không? Vấn đề là ở chỗ phải khôn ngoan trên thương trường, phát huy hiệu quả trong kinh doanh và giữ gìn bản sắc, phẩm giá quốc gia dân tộc.

Các nước Đông Nam Á khác, từ sau năm 2008, khi Trung Quốc lộ rõ “ý đồ” ở biển Đông, đã chủ động tìm thị trường ngoài Trung Quốc để vừa giảm lệ thuộc, vừa đưa GDP của họ tăng trưởng cao hơn. Còn ta thì sao? Mấy năm trước chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc và xuất siêu sang Mỹ cũng tương đương. Riêng bảy tháng năm 2015 này, chúng ta đã xuất sang Mỹ 18,86 tỉ đô la Mỹ, xuất siêu gấp 3,19 lần nhập. Trong tám tháng 2015, chúng ta nhập từ Trung Quốc 32,09 tỉ đô la Mỹ nhưng xuất chỉ 11,04 tỉ đô la Mỹ. Bộ Công Thương dự kiến cả năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc sẽ lên đến 35 tỉ đô la Mỹ.

Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ nhưng Mỹ không sợ vì phần nhiều là “Mỹ nhập hàng Mỹ” từ Trung Quốc. Cũng hàng Trung Quốc, nhưng chất lượng hàng bán vào Mỹ, Nhật và Tây Âu đều bằng chuẩn nước sở tại. Còn ta thì không ít trường hợp ăn khoai tây, hành tây… “Đà Lạt” của Trung Quốc.

Thực trạng quan hệ thương mại hai nước và nhu cầu nhập khẩu lương thực – nông – thủy – hải sản rất lớn hiện nay của Trung Quốc cho thấy triển vọng Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc cũng rất lớn. Doanh nhân người Hoa trong nước ta sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc nói riêng và với các nước khác nói chung. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam nhất thiết phải giữ độc lập tự chủ về đường lối chính trị – kinh tế, quan hệ thương mại và đầu tư song phương với Trung Quốc phải theo thông lệ quốc tế. Nói chính xác là chúng ta phải vượt lên chính mình để hội nhập vào thế giới văn minh.

Trí Lê (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề