Putin từ bàn tiệc bước vào cuộc chiến?

Các bước đi ngoại giao về Syria đem lại thành công cho Tổng thống Nga Vladimir Putin với mục tiêu trở lại vị thế cường quốc không còn bị cô lập nhưng tham chiến cũng đem lại nhiều vấn đề tiềm tàng cho Nga.

Không còn bị cô lập như hồi mới sáp nhập Crimea, nay ông Vladimir Putin lại đã ngồi cùng bàn với các lãnh đạo thế giới bên lề cuộc họp Liên Hiệp Quốc ở New York tuần này bằng đề nghị lập một liên minh rộng chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Nhưng điều kiện tiên quyết của Kremlin là một liên minh đó phải giúp chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad tại Damascus, điều Hoa Kỳ và các đồng minh Phương Tây không mặn mà lắm.

Vẫn theo Jonathan Marcus, vào đúng lúc này thì ông Putin có thể nhận danh hiệu ‘người hạnh phúc’.

Ilan Berman từ American Foreign Policy Council viết trên trang US Today hôm 28/09 rằng chiến lược của Nga quanh Syria có ba mục tiêu:

Một là để thay đổi cuộc đối thoại với Phương Tây xung quanh chủ đề Ukraina vì chiến lược Ukraina của Kremlin đang gặp khó khăn.

Hai là Nga trở lại đóng vai trò ở Syria nhằm giành lại lối vào Địa Trung Hải. Để là cường quốc, Nga cần cảng Tartus ở Syria nhưng cũng muốn có căn cứ nữa tại Latakia.

Ba là Kremlin muốn tham chiến để kiềm chế làn sóng chiến binh Hồi giáo không cho tác động ngược lại Liên bang Nga. Đầu năm qua, nhóm mang tên ‘Vương quốc Kavkaz’ (Caucasus Emirate) đã tuyên thệ trung thành với IS và vùng Hồi giáo ở phía Nam liên bang Nga đã có 2.400 chiến binh tham gia IS.

Nhưng câu hỏi tiếp theo là Nga sẽ tham chiến để đánh ai, và sẽ nhận được gì?

Vì vùng Syria và Iraq hiện nay không chỉ có một cuộc chiến với IS mà là vùng tranh chấp đa chiều, với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, người Kurd đều tranh giành ảnh hưởng.

Không lực Nga sẽ can thiệp vào chiến sự khi có một nghị quyết Liên Hiệp Quốc.

“Nhưng ông Putin đã triển khai phi cơ ở Syria căn cứ vào thỏa thuận an ninh hiện có với chế độ Assad”, Jonathan Marcus viết.

“Về mặt luật pháp ông không làm gì khác chuyện Hoa Kỳ dùng không quân hỗ trợ cho một đồng minh là chính quyền Iraq,”

Nhưng phi cơ Nga sẽ ném bom vào ai?

Jonathan Marcus cho rằng lời lẽ của ông Putin gợi ý phía Nga sẽ tấn công các chiến binh IS.

Điều tốt nhất cho Nga là làm sao lực lượng của Assad có thể diệt trừ bớt số chiến binh gốc vùng Nam của Liên bang Nga sang chiến đấu ở Syria để họ không có sức mạnh ‘chuyển lửa’ về quê hương, theo Ilan Berman.

Còn Jonathan Marcus thì nhận định:

“Cùng lúc chính quyền Assad cũng có nhiều kẻ thù khác, và trong số đó không ít lại được Phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh Ba tư hỗ trợ.”

“Nếu bắn phá rộng ra ngoài vùng của IS, các cuộc không kích do Nga thực hiện sẽ tạo ra không ít vấn đề.”

“Cuộc chiến có bề rộng nhất là chống lại IS. Nhưng cũng có cuộc chiến của các nước Hồi giáo Sunni, do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, chống lại Iran theo Hồi giáo Shia và Hezbollah cùng chế độ Assad”.

Có nguy cơ ông Putin kéo Nga vào chiến trường phức tạp này.

Không quân Nga thiếu độ chính xác về định vị và tin tình báo như của Hoa Kỳ nên việc tham chiến này có thể trở nên bừa bộn và gây ra phản ứng tiêu cực trong vùng và ở chính Liên bang Nga.

Vào lúc này, ông Putin đang say sưa với thành tích vừa đạt được nhưng điều chưa rõ là cách tiếp cận thực tiễn tới mức thô bạo của Kremlin với khủng hoảng Syria có đem lại một sự bình ổn nào không, theo Jonathan Marcus.

Theo BBC tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề