Những diễn biến của kinh tế Trung Quốc đang tác động đến thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt thị trường chứng khoán. Kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu? Nguyên nhân nào gây nên những biến động vừa qua và dự báo sẽ ra sao? Cuộc trao đổi của chúng tôi với chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa sẽ thử tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
TBKTSG: Vừa vào năm 2016, chứng khoán Trung Quốc đã hai lần ngắt cầu dao, đồng nhân dân tệ lại mất giá, khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo. Ông có thấy thế là bất thường không?
– Ông Lê Xuân Nghĩa: Thị trường tài chính thế giới bây giờ nhạy cảm hơn ngày trước rất nhiều. Người ta dễ hoang mang, dễ lo sợ, lòng tin thấp và dùng từ của tỉ phú Soros “Thị trường tài chính ngày càng bất định”. Mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm xuống 6-6,5%/năm, theo tôi, là bình thường, thậm chí còn tốt hơn Nhật và nhiều nước khác.
TBKTSG: Gần đây một số hãng tin quốc tế nhấn mạnh sự mất đà của kinh tế Trung Quốc không đơn giản là một sự hạ cánh mềm. Đâu đó người ta lên tiếng có những vấn đề nào đó của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này mà người bên ngoài chưa thể hiểu được…
– Muốn biết kinh tế Trung Quốc thực sự có vấn đề hay không, phải nhìn vào ba chỉ số. Thứ nhất chỉ số chứng khoán hiện đang sụt giảm. Thứ hai là giá nhập khẩu đầu vào toàn bộ nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cũng giảm. Chỉ số PMI (Purchasing Managers Index – Chỉ số nhà quản trị mua hàng) mấy tháng cuối năm 2015 cũng liên tục đi xuống, dưới 50 điểm. Ba chỉ số nói lên kinh tế Trung Quốc đang trong chu kỳ ngắn hạn giảm tăng trưởng. Tôi nhấn mạnh đây là ngắn hạn, còn về dài hạn, liệu nó có kéo dài thì không ai biết được. Ngắn hạn là từ quí 1-2 năm ngoái đến giờ.
TBKTSG: Những vấn đề liên quan đến tăng trưởng và suy giảm trong dài hạn của Trung Quốc là gì, thưa ông?
– Vấn đề lớn của Trung Quốc là lượng cầu toàn thị trường suy giảm. Thứ hai, nước này buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ khiến đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường tài chính. Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển sang đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc xem ra có thể thất bại. Cá nhân tôi cho rằng về dài hạn kinh tế Trung Quốc chưa có vấn đề gì vượt quá tầm kiểm soát.
TBKTSG: Ông đã nhiều lần đi công tác thực tế ở Trung Quốc và chắc ông đã nghe nói về những thành phố “ma” xây dựng hoành tráng, không có người ở. Không phải khu đô thị “ma”, mà là thành phố “ma”. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phải chăng đã dựa một phần vào đầu tư công với những thành phố “ma” đó?
– Dư địa đầu tư công của Trung Quốc chưa phải đã đến giới hạn. Dư địa chính sách tiền tệ còn lớn hơn. Lãi suất cho vay của họ vẫn còn 4,3%/năm, có thể điều chỉnh xuống nữa. Dự trữ bắt buộc của họ đang ở mức 17,5% (so với Việt Nam hiện là 3%), nếu có điều chỉnh về 10% vẫn còn thoải mái. Về tỷ giá hối đoái, họ khác Nhật Bản. Nhật Bản đã tăng giá trị đồng yen khi nền kinh tế suy yếu, còn Trung Quốc làm ngược lại. Ngoài ra quỹ dự trữ ngoại tệ của họ dù đã sụt mấy tháng qua, vẫn còn tới 3.400 tỉ đô la Mỹ, tương đương 5-6 tháng nhập khẩu. Tóm lại, Trung Quốc vẫn còn dư địa hai chính sách để “chơi” và họ còn rất mạnh.
TBKTSG: Nhưng nhiều định chế quốc tế nhận định cho dù còn dư địa chính sách, Trung Quốc đã sử dụng không ít biện pháp phi thị trường, làm thị trường tài chính ngày càng mất lòng tin.
– Trung Quốc có thể sử dụng những biện pháp hành chính mà các nước khác không sử dụng được. Thí dụ mấy ngày trước họ vừa bơm vào thị trường hơn 19 tỉ đô la Mỹ, làm thanh khoản thị trường khá lên ngay lập tức, lãi suất liên ngân hàng tụt.
Họ cũng bắt buộc các cổ đông lớn trì hoãn vô thời hạn việc bán ra cổ phiếu. Lúc đầu họ dự định ngày 8-1-2016 cho cổ đông lớn bán ra, nay trì hoãn không biết đến bao giờ. Thế mà các cổ đông lớn vẫn phải chịu. Trung Quốc có quỹ đầu tư quốc gia tầm cỡ, đồng thời huy động một số quỹ khác mua vào cổ phiếu để giữ giá. Những biện pháp trên chính phủ các nước khác không thể nào làm được. Mỹ có nhiều quỹ tư nhân, nhưng Chính phủ Mỹ không thể ra lệnh với quỹ. Ở Mỹ, vào thời điểm khủng hoảng, ngân hàng trung ương phải đứng ra mua, chứ làm gì có chuyện các quỹ tư nhân mua.
Chúng ta cần lưu ý hai hiện tượng bên ngoài. Chỉ số PMI của châu Âu đang tăng trở lại, chứng tỏ những lo ngại của châu Âu về sự sụt giảm kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến họ không còn. Vừa rồi Mỹ đã điều chỉnh tăng lãi suất và dự kiến năm tới còn điều chỉnh vài lần nữa, nghĩa là Mỹ chẩn đoán bệnh của kinh tế Trung Quốc tương đối tích cực. Mỹ dự báo kinh tế Trung Quốc không đến nỗi hạ cánh cứng và sụp đổ, lâm vào tình trạng suy thoái kéo dài như kinh tế Nhật Bản trước đây.
Do đó, sự kiện này cũng chỉ là một cú sốc tâm lý. Đầu tháng 8-2015 khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã tạo ra cú sốc tâm lý mạnh, nhưng ngay sau đó thị trường tài chính toàn cầu phục hồi nhanh vì không có những tổn thương thực thể ghê gớm.
TBKTSG: Ông có lo ngại sự rút vốn của nước ngoài khỏi Trung Quốc? Mấy tháng gần đây, con số thống kê chỉ ra vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đã lên tới hàng trăm tỉ đô la Mỹ.
– Sự rút vốn của nước ngoài khỏi Trung Quốc (đầu tư gián tiếp) cả năm ngoái khoảng 500 tỉ đô la Mỹ, không phải quá to. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tương đối độc lập với thị trường quốc tế. Trung Quốc không đầu tư nhiều vào chứng khoán quốc tế và thế giới cũng không bỏ quá nhiều tiền vào chứng khoán Trung Quốc. Năm 2008, các bà nội trợ Nhật Bản đã rút khỏi thị trường chứng khoán thế giới 1.100 tỉ đô la Mỹ. Do Nhật Bản để lãi suất thấp kéo dài hàng chục năm, các bà nội trợ nước này dùng Internet banking lập thành từng hội đầu tư ra bên ngoài hàng ngàn tỉ đô la Mỹ. Họ rút về làm thị trường quốc tế liêu xiêu, nhưng thị trường tài chính Nhật đỡ đi.
TBKTSG: Ý ông là thị trường chứng khoán Trung Quốc cô lập?
– Mối liên kết của chứng khoán Trung Quốc với quốc tế không chặt chẽ, nếu có xảy ra chuyện gì, chỉ khoanh vùng ở nước họ, ít lây lan ra bên ngoài. Tuy nhiên các nước xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc. Còn những nước phát triển, họ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, lại được hưởng lợi do giá trị đồng nhân dân tệ giảm.
Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đang bị tác động cả ở chiều nhập lẫn chiều xuất. Chúng ta không những bị ảnh hưởng bởi đồng nhân dân tệ mất giá mà chủ yếu còn do nhu cầu giảm, Trung Quốc giảm số lượng nguyên liệu nhập từ Việt Nam. Tôi đi Lào Cai, thấy mậu dịch chính thức Trung Quốc không nhập một số mặt hàng, còn mậu dịch phi chính thức thì hạn chế nhập, nên hàng tồn ở đấy có thời điểm khá cao.
TBKTSG: Liệu có quá lo xa khi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc có thể lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài như kinh tế Nhật Bản?
– Năm 1990, khi kinh tế Nhật có vấn đề, GDP tính trên đầu người của họ đã hơn gấp đôi Trung Quốc hiện tại, Nhật khi đó đã là một quốc gia phát triển thực sự. Nhật đã chấp nhận cho đồng yen tăng giá mạnh, từ 230 yen ăn một đô la Mỹ xuống còn khoảng 80 yen, họ đặt cược vào việc không cạnh tranh bằng phá giá đồng tiền nữa, mà cạnh tranh bằng công nghệ. Song điều bất lợi là khi ấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Nhật rất cao và bong bóng bất động sản khủng khiếp.
Trung Quốc biết rõ về mặt công nghệ hiện giờ họ chưa thể cạnh tranh được, nên họ vẫn dùng cách phá giá đồng nội tệ. Đấy là chính sách khôn ngoan.
TBKTSG: Tháng 12-2015 các tổ chức quốc tế dự báo đến cuối năm 2016 tỷ giá đồng nhân dân tệ mới ở mức 6,6 tệ/đô la Mỹ, nhưng hiện nó đã ở 6,595. Các dự báo mới nhất được nâng lên 7 nhân dân tệ/đô la Mỹ, thậm chí 7,5-7,7. Ông dự báo năm nay sự trượt giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ ở mức nào?
– Tôi nghiêng về dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là Trung Quốc có thể phá giá thêm 4% nữa từ mức hiện tại. Trên thực tế, bây giờ Trung Quốc phá giá không phải dễ. Có mấy lý do. Họ đã công bố cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát, nghĩa là từ nay họ chỉ có thể phá giá theo cơ chế bò trườn, không phải theo cơ chế giật cục như trước.
Thứ hai họ đã mở cửa cho ngân hàng trung ương các nước tham gia vào thị trường hối đoái và nâng thời gian giao dịch thêm 3 tiếng/ngày cho ngân hàng trung ương các nước. Khách hàng trên thị trường hối đoái Trung Quốc giờ không còn đơn thương độc mã là tổ chức nội địa, mà có cả ngân hàng trung ương nhiều nước và họ đâu dễ bị qua mặt.
TBKTSG: Ngày 7-1-2016 gần nhất, Trung Quốc đã phá giá đồng tệ 0,51% chỉ trong một ngày. Cơ chế bò trườn mà như thế thì không thể không làm “nổi sóng” thị trường.
– Trung Quốc hiện xem việc phá giá đồng nhân dân tệ là biện pháp chính yếu để khôi phục tăng trưởng kinh tế và do đó theo cơ chế nào thì cuối cùng họ cũng làm. Họ cần định hình một khung tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn tiếp theo, có thể 6-6,5%/năm chẳng hạn.
Nếu ở châu Âu những ngày này, có thể nghe thấy một luồng ý kiến của giới tài chính nhận định kinh tế Trung Quốc đang gặp phải vấn đề về cấu trúc (structure), không chỉ suy giảm ngắn hạn đơn thuần. Chính điều đó gây ra các “chấn động” tâm lý, nghi ngờ thị trường tài chính có biểu hiện khủng hoảng của năm 2008.
Trong trường hợp Trung Quốc là một nước phát triển, hoàn toàn không có những vùng nông thôn lạc hậu, những vùng lao động rẻ mạt nữa, thì khủng hoảng cấu trúc mới mạnh, làm đảo lộn hết. Nhưng hiện kinh tế Trung Quốc nửa nạc nửa mỡ, vùng thì phát triển, vùng nghèo đói, vẫn là một quốc gia mới nổi. Những thay đổi cấu trúc, nếu có, bất lợi cho vùng này, thì có lợi cho vùng khác.
Trí Lê (Theo TBKTSG)
Trả lời