‘Giải mã’ sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Sự ra đi của ông Hagel được coi là bắt nguồn từ những chỉ trích về chính sách đối ngoại của Obama. Nhiều nhà phân tích cho rằng, thiếu kinh nghiệm đối ngoại và thiếu một chiến lược thực sự của Tổng thống Obama mới là bản chất vấn đề.

Tờ Vancouversun cho rằng, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã muốn Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ra đi giữa bối cảnh ngày càng có nhiều người cho rằng, cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bấp bênh và không có lối ra.

Nhiệm kỳ của Hagel kéo dài chưa đầy hai năm và được định hình bởi những tuyên bố bị cho là thiếu tầm nhìn và thường xuyên mâu thuẫn với Obama. Trong khi Obama không coi IS là “mối nguy lớn” thì Hagel lại coi tổ chức này thậm chí đáng lo ngại hơn cả Al-Qaida cho dù ông dường như không rõ nên làm gì tiếp theo để đối phó với IS.

“Họ không chỉ là một nhóm khủng bố”, Hagel nói trước một ủy ban quốc hội hồi tháng 8. “Họ có hệ tư tưởng, chiến lược, chiến thuật quân sự, ngân quỹ mạnh mẽ. Điều này vượt xa những gì chúng ta thấy. Nên chúng ta cần chuẩn bị cho mọi thứ. Và cách duy nhất có thể làm là sẵn sàng”.

Chính những bất đồng giữa Obama và Hagel đã tạo ra ấn tượng rằng, hai người đã mất cảnh giác trước những sự kiện thế giới đang diễn ra, ảnh hưởng tới tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Obama nói chung và dẫn tới sự thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Một cuộc thăm dò gần đây do Defense One thực hiện cho thấy, ông Hagel chỉ có 26% ủng hộ trong quân đội. Hai người tiền nhiệm của ông, Robert Gates và Leon Panetta đều có tỉ lệ cao hơn.

Ông Obama trong thông báo việc từ chức của Hagel hôm qua đã đánh giá cao vị cựu binh chiến tranh VN và cựu thượng nghị sĩ vì khả năng kết nối đội ngũ, chuẩn bị tốt cho cuộc rút quân khỏi Afghanistan cũng như quản lý cắt giảm ngân sách.

Tuy nhiên, ông Obama không đề cập gì tới những thành tựu lớn hơn. “Nhờ Chuck mà quân đội chúng ta có nền tảng vững chắc hơn tham gia vào các sứ mệnh (IS và Ebola) và hướng tới tương lai”, Tổng thống Mỹ nói.

Thay đổi

Vài tuần trước, ông Hagel từng bóng gió rằng, ông muốn ở lại cùng Tổng thống Obama cho tới hết nhiệm kỳ. Nhưng ông Obama lại có kế hoạch khác. Sự ra đi của ông Hagel là tín hiệu cho thấy, Obama muốn ai đó có tầm nhìn mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn trong nội các và ngay cả trước công chúng.

Từng là một cựu nghị sĩ Cộng hòa, nhưng ông Hagel cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích thẳng thừng nhằm vào chính quyền của Thượng nghị sĩ John McCain. Ông McCain dự kiến sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch Uỷ ban vũ trang thượng viện vào tháng 1 và chắc chắn sẽ tích cực hơn trong các chất vấn về chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc, Nhà Trắng.

Theo hãng BBC, Chuck Hagel từng là một ứng viên lý tưởng cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhưng đường đi của ông gập ghềnh hơn nhiều so với các thượng nghị sĩ khác. Có thể ông không bị sa thải, nhưng rõ ràng ông bị sức ép, thậm chí ngay cả trước lúc bầu cử giữa kỳ diễn ra.

Khi Cộng hòa nắm ưu thế, thì Lầu Năm Góc và chính sách đối ngoại của Obama nói chung sẽ bị chủ tịch (thuộc phe Cộng hòa) ở các ủy ban quyền lực trong quốc hội giám sát chặt chẽ. Do đó, Nhà Trắng cần một bàn tay mạnh hơn, quả quyết hơn.

Hagel là nạn nhân đầu tiên của rất nhiều chỉ trích về chính sách an ninh quốc gia dưới thời Obama. Ông phụ trách giám sát việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng như quản lý cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Nhưng thế giới cũng thay đổi từ đó: quan hệ ngày một tồi tệ với Nga, ứng phó với cuộc khủng hoảng Ebola và sự trỗi dậy của phong trào IS tại Syria, Iraq đã đặt Lầu Năm Góc vào trung tâm chú ý. Trong khi Hagel dường như bất mãn với các chính sách của chính quyền.

Đánh giá của ông về thách thức IS bị nhiều nhà phân tích coi là không tương xứng với mối đe dọa thực sự của tổ chức này. Ông cũng không hài lòng với tâm điểm mà Mỹ đặt vào Iraq, coi Syria là mặt trận thứ cấp.

Ông Hagel thường bị lu mờ trước các thành viên khác trong nội các, và nhất là trước Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey – người thường có những phát biểu rõ ràng và hùng hồn. Dĩ nhiên, sự ra đi của Hagel được coi là bắt nguồn từ những chỉ trích về chính sách đối ngoại của Obama. Nhiều nhà phân tích cho rằng, thiếu kinh nghiệm đối ngoại và thiếu một chiến lược thực sự của Obama mới là bản chất vấn đề.

Chuck Hagel sẽ tiếp tục lãnh đạo Lầu Năm Góc cho tới khi người kế nhiệm được đề cử và xác nhận. Các phiên điều trần tới đây cũng sẽ là cơ hội để phe Cộng hòa tiếp tục chỉ trích cách tiếp cận của ông Obama với thế giới.

Hiện ứng viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm Hagel là Michele Flournoy – nguyên thứ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề chính sách. Bà hiện là giám đốc điều hành tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại Washington. Nếu được chọn lựa, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm chủ Lầu Năm Góc. Những cái tên khác còn gồm Thượng nghị sĩ Carl Levin và Jack Reed đều là thượng nghị sĩ Dân chủ.

Hồi tháng 5 báo chí đưa tin, ông Hagel dự kiến sẽ thăm VN vào cuối năm nhưng sau đó chuyến thăm đã bị hủy bỏ.

Nguồn: Vancouversun, BBC


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề