Thái độ “khác biệt” của Campuchia trong các vấn đề “nóng” liên quan đến Trung Quốc, từ tranh chấp Biển Đông, cho đến mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và các nước khác luôn khiến dư luận phải chú ý.
Việc một phái đoàn quân sự cao cấp của Campuchia đến Trung Quốc trong thời điểm nước này và Việt Nam đang có một số khúc mắc liên quan đến biên giới trên bộ vào đầu tháng 7-2015 cũng là một dấu hỏi đối với dư luận. Những phân tích dưới đây có thể phần nào sáng tỏ mối quan hệ đặc biệt giữa Phnom Penh và Bắc Kinh.
Kể từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Pháp vào năm 1953, Campuchia đã phải chật vật bảo vệ nền độc lập, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Campuchia đã thường xuyên thay đổi định hướng chính sách đối ngoại, từ trung lập đến liên minh với các cường quốc và tệ nhất là đã từng tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, Campuchia vẫn là một nạn nhân của quyền lực chính trị và đã kết thúc giai đoạn này bằng một cuộc nội chiến với vô số tội ác diệt chủng nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX.
Đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc khu vực và toàn cầu. Quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể cảm nhận được ở tất cả ngóc ngách của thế giới và rõ ràng nhất là ở lục địa Đông Nam Á. Trong bối cảnh này, các mối quan hệ song phương Campuchia – Trung Quốc đã trải qua một sự thay đổi đáng kể. Mặc dù lòng tin của Phnom Penh vào Bắc Kinh đã tổn hại đáng kể do sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc nội chiến ở Campuchia và các xung đột xã hội ở nước này, đặc biệt là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chế độ Khmer Đỏ – cơn ác mộng kinh hoàng có thật vẫn ám ảnh người Campuchia đến nay, nhưng mối quan hệ song phương đã được chú ý củng cố và cải thiện từ năm 1997.
Trong tháng 12-2010, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên nấc cao nhất của hợp tác là “đối tác chiến lược toàn diện”. Và nói không ngoa thì cái tên Trung Quốc gắn với những cái “nhất” ở Campuchia: Trung Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia, nhà cung cấp hàng đầu cho Campuchia các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ phát triển, Bắc Kinh đồng thời cũng là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Phnom Penh dưới nhiều hình thức khác nhau… Hơn nữa, Campuchia còn được hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích to lớn từ các sáng kiến mới của Trung Quốc như Con đường tơ lụa trên biển và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIB).
Theo Tiến sĩ Cheunboran Chanborey, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Australia, đồng thời là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CISS) nổi tiếng của Mỹ, nói cho cùng thì Campuchia là một “nạn nhân” của “vị trí địa lý” khi bị “kẹp” giữa các nước láng giềng mạnh hơn và có lịch sử xung đột biên giới.
Cuộc xung đột biên giới với Thái Lan hồi 2008-2011 đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo Campuchia là nước láng giềng mạnh hơn của họ vẫn là một mối đe dọa an ninh toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc. Nó cũng phần nào khiến Campuchia suy nghĩ lại về vai trò duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong thực tế, kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1999, thể chế khu vực này đã từng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Campuchia.
Các nhà hoạch định chính sách của Phnom Penh đã từng tin tưởng rằng, ASEAN sẽ là một cơ chế quan trọng ở khu vực mà thông qua đó đất nước của họ có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, cũng như thúc đẩy lợi ích chiến lược và kinh tế của mình. Tuy nhiên, có vẻ như lòng tin của Campuchia vào ASEAN đã nhạt dần do phản ứng thiếu hiệu quả của khối trong chuyện tranh chấp biên giới giữa 2 nước thành viên của mình là Campuchia và Thái Lan.
Và khi đã “nhạt” với ASEAN thì Phnom Penh sẽ tìm các lựa chọn khác để thay thế. Nói rộng ra, Campuchia có thể tăng cường quan hệ với các nước lớn khác, như Nhật Bản, Ấn Độ, hoặc là Mỹ. Tuy nhiên, có một số thách thức và khó khăn đối với Phnom Penh trong việc theo đuổi cách tiếp cận này.
Nhật Bản từ lâu đã là một trong những đối tác phát triển quan trọng nhất của Campuchia, nhưng trong mắt giới hoạch định chính sách đối ngoại của Campuchia, vai trò chiến lược và quân sự của Nhật Bản bị giới hạn bởi hiến pháp hòa bình và bản thân chính sách ngoại giao của Tokyo lại thiếu tính độc lập do ảnh hưởng của Mỹ.
Về phần Ấn Độ, Chính sách Hướng Đông của Thủ tướng Narendra Modi có vẻ rất hứa hẹn về sự tham gia ngày càng tăng của New Delhi ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với Campuchia và một số nước trong khu vực, Ấn Độ vẫn còn thiếu cả năng lực và cam kết để thực hiện thành công chính sách của mình.
Cuối cùng là Mỹ. Mặc dù Washington đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong quan hệ Campuchia – Mỹ. Khoảng cách này là kết quả của sự mất cân bằng chiến lược giữa hai quốc gia, thâm hụt lòng tin giữa các nhà lãnh đạo và các vấn đề nhạy cảm khác như nhân quyền và các giá trị dân chủ.
Ngắm đi ngắm lại, chỉ có Trung Quốc – cường quốc mới nổi của khu vực và toàn cầu là sự lựa chọn hấp dẫn và hợp lý nhất với Phnom Penh bởi Bắc Kinh quá nhiệt tình, quá nhiều tiền và lại đúng lúc.
Còn nhớ, tháng 5-2012, Campuchia và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, mà theo đó, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ Phnom Penh 17 triệu USD để xây dựng các bệnh viện quân sự và trường huấn luyện quân sự cho các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, cũng như trực tiếp huấn luyện cho quân đội nước này.
Đổi lại, Campuchia tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh cũng như sự ủng hộ của Campuchia đối với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế khác, bao gồm cả các tranh chấp lãnh thổ, như Biển Đông. Điều đáng chú ý là hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia đã tăng đáng kể tại thời điểm nước này đang rất cần tiền để xây dựng lực lượng quốc phòng do tranh chấp biên giới ngày càng căng thẳng với Thái Lan 2008-2011. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khi đó đã ca ngợi sự giúp đỡ của Trung Quốc là một “đóng góp tuyệt vời để nâng cao năng lực quốc phòng của Campuchia”.
Rủi ro trong dài hạn
Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Cheunboran Chanborey, đối với Phnom Penh, Trung Quốc chỉ và chỉ nên là một lựa chọn chiến lược ngắn hạn tốt nhất cho mục tiêu an ninh và phát triển của họ. Mối quan hệ song phương giữa Campuchia và Trung Quốc là không cân xứng và bên nhỏ hơn, tức Campuchia, đến một mức độ nhất định, sẽ chịu những rủi ro chiến lược. Phnom Penh có thể thỏa hiệp từ vấn đề chủ quyền đến chính sách đối ngoại để làm hài lòng Bắc Kinh. Và điều này đe dọa sự độc lập của Campuchia và thậm chí có thể khiến nước này tự cô lập với khu vực và thế giới bởi “sự khác biệt” của mình.
Một ví dụ cho “sự khác biệt” với khu vực và thế giới nhưng lại rất “đồng điệu” với Trung Quốc của Campuchia là vấn đề Biển Đông. Thái độ công khai của Phnom Penh trong vấn đề này được thể hiện lần đầu tiên qua sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN do nước Chủ tịch luân phiên khi đó là Campuchia tổ chức hồi năm 2012 lần đầu tiên kể từ khi thành lập khối vào năm 1967, không đưa ra được tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông.
Gần đây nhất, ngày 7-5-2015, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy lại lên tiếng “khuyên” ASEAN nên đứng ngoài tranh chấp Biển Đông và để vấn đề nhạy cảm đó cho các quốc gia liên quan trực tiếp tự giải quyết với nhau. Quan điểm đó của Phnom Penh rất hợp ý với Bắc Kinh nhưng hoàn toàn trái ngược với nỗ lực chung của toàn khối trong vấn đề này, đồng thời trái với mong muốn của cộng đồng quốc tế về việc ASEAN nên phát huy vai trò trung tâm, thúc giục Trung Quốc sớm kết thúc đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Và chưa hết, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan ngày 3-6-2015 còn như “song ca” cùng Bắc Kinh khi chỉ trích các tuyên bố của Mỹ phản đối hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như cảnh báo của Washington về việc Bắc Kinh đang khuấy động căng thẳng, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực, đồng thời yêu cầu Washington “không nên thực hiện những lời đe dọa nếu không muốn gánh chịu hậu họa”.
Tiến sĩ Cheunboran Chanborey cho rằng, Campuchia phải “nhìn xa” hơn lựa chọn ngắn hạn của mình để phát triển các chiến lược trung và dài hạn. Trong trung hạn, Campuchia phải là thành viên tích cực của ASEAN và có đóng góp trong việc thúc đẩy vai trò trung tâm của tổ chức này ở Đông Nam Á. Campuchia cũng phải tạo ra một môi trường thuận lợi để củng cố quan hệ với các nước lớn khác ở châu Á và xa hơn nữa.
Về lâu dài, Campuchia phải áp dụng một chính sách đối ngoại tự chủ và đa hướng. Là một nước nhỏ, Campuchia phải tìm kiếm một số lượng lớn các bạn bè trong khu vực trong khi duy trì sự tự do để là chính mình như một quốc gia có chủ quyền, độc lập và thịnh vượng. Campuchia phải thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật pháp với tất cả các quốc gia, bất kể lớn/nhỏ, cũng như cách tiếp cận các vấn đề quốc tế với những giả định tương tự. Đó là “chìa khóa” cho Phnom Penh để bảo đảm sự bình đẳng, sự độc lập sống còn và theo đuổi thịnh vượng của một nước nhỏ.
Mặc dù có những lý do khác nhau khiến Campuchia không thể thực hiện tất cả các lựa chọn chiến lược của mình tại cùng một thời điểm trong ngắn hạn, nhưng việc thực hiện lựa chọn đầu tiên không có nghĩa là ảnh hưởng đến cơ hội thực hiện 2 lựa chọn khác. Nói cách khác, Campuchia có thể điều chỉnh vị thế của mình trong quan hệ với Trung Quốc để sao cho cân bằng hơn, trong khi vẫn thúc đẩy mở rộng các mối quan hệ khác với khu vực và thế giới bằng tinh thần cởi mở, hội nhập.
Trí Lê (Theo PetroTimes)
- Ukraina lần đầu tiên giới thiệu thị thực điện tử cho người nước ngoài
- Campuchia di dời 1.000 gia đình người Việt sống ở Biển Hồ
- Thương hiệu gạo Việt: Sau Thái Lan 100 năm, bị Campuchia vượt mặt
- Tìm hiểu vấn đề biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia
- Căng thẳng biên giới Việt Nam-Cam Bốt và nhân tố Trung Quốc
- Campuchia muốn làm trung gian hòa giải ở Biển Đông: Ai tin nổi?
Trả lời