Đó là chuyện tiền bạc, đồ ngu..

Có một câu nói khá thông dụng người Mỹ thích dùng…It’s the money, stupid (Đó Là Chuyện Tiền Bạc, Đồ Ngu..). Tôi phải chú thích rõ như vậy, không vài người lại kết tội tôi là… thiếu văn hoá, chửi bậy. Như khi dùng câu “Drop Dead” để nói về bất động sản của Việt Nam cách đây vài năm.

Trong bài Cuốn Theo Chiều Gió (http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/cuon-theo-chieu-gio.html ) tôi có chê ông TT Obama là thiếu xương sống khi xử lý các vấn đề rắc rối tại Trung Đông hay Nga hay Trung Quốc. Và tôi cho là cái nhu nhược này khiến số người dân Mỹ ủng hộ Obama dã tụt xuống đến mức thảm hại.

Bình luận gia kinh tế Rick Newman đã chứng minh là tôi sai. Căn bản của việc Obama mất uy tín và ủng hộ của các cử tri Mỹ vào thời điểm này hoàn toàn là chuyện tiền bạc, đặc biệt là sự sút giảm tăng trưởng về thu nhập cá nhân. Chỉ số tăng trưởng về thu nhập thật sự (disposable personal income – DPI) của dân Mỹ chỉ gia tăng 4.9% sau 6 năm cầm quyền của Obama, so với các tiền nhiệm của ông như Bush (10.7%), Clinton (13.8%), Reagan (16.9%). Nếu DPI bỏ ra các khoản trợ cấp của chánh phù (gia tăng rất cao dưới triều đình Obama) chỉ số tăng trưởng DPI còn tệ hơn nhiều.

Tóm lại, người dân Mỹ không quan tâm gì đến chính sách đối ngoại hay địa chính trị toàn cầu như các bác hàn lâm vẫn thường xuyên chém gió. Thêm vào đó, khi thanh niên chưa bị bắt buộc phải “tòng quân cứu nước”, thì chuyện tranh chấp ở các lãnh địa xa xôi và khó hiểu là chuyện “none of my business” đối với dân Mỹ. (Hiên giờ, đội ngũ quân đội Mỹ hoàn toàn do “tình nguyện viên” tham gia). Nguyên nhân chính của sự sụt giảm trong tỷ lệ “ưa thích” Obama là trong nhận thức của đa số dân chúng rằng thu nhập của họ không xứng đáng với sức lao động hàng ngày. Tỷ lệ thất nghiệp có đi xuống (nhưng việc làm chỉ tăng ở các lĩnh vực ngành nghề thấp kém); trào lưu GDP Mỹ được coi như phục hồi tốt; chứng khoán và bất động sản tạo nên nhiều tài sản hơn…nhưng người dân thường chỉ quan tâm đến DPI của chính họ và người thân.

Kết luận: Cái túi tiền vẫn quan trọng hơn mọi triết thuyết vớ vẩn hay lời rao giảng rỗng tuếch về chính trị, xã hội.

Quay về Trung Quốc, Tập Cận Bình đã phải tạm kết thúc chiến dịch bài trừ tham nhũng (thực ra là tranh chấp quyền lực) vì lý do chính là Trung Quốc không thể cáng đáng thêm nổi những xáo trộn xã hội gây ra bởi sự đấm đá của nội bộ lãnh đạo, trong khi bài toán kinh tế trì trệ chưa giải quyết xong. Dù cộng sản hay tư bản đỏ, các phe nhóm quyền lực hiểu rõ ảnh hưởng của “thu nhập DPI” trên sự sống còn của đảng.

Mỗi năm, thống kê Trung Quốc xác nhận khoảng 200 ngàn cuộc biểu tình xẩy ra trên khắp lãnh thổ, phần lớn là chuyện “dân oan” bị quan chức và đại gia cướp đất. Tuy nhiên, các cuộc bạo loạn gần đây ở Quế Châu và Côn Minh mang thêm mầu sắc kinh tế khác vì sự tham gia rộng rãi của công nhân mất việc và nông dân mất thu hoạch vì mùa màng. Áp lực từ Hong Kong đang muốn lan qua Macau gây thêm những vấn nạn cấp bách cho nền kinh tế Trung Quốc đang oằn oại dưới bóng ma nợ xấu từ chính phủ địa phương và doanh nghiệp nhà nước, dưới một bong bóng bất động sản chính phủ không thể giúp đỡ và dưới một hệ thống kinh tế phơi bày yếu kém về sáng tạo, chất lượng, ô nhiễm, quản lý và tham nhũng.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc trong mấy thập kỷ vừa qua tuỳ thuộc rất nhiều vào FDI và kiều hối đến từ Đài Loan, Hong Kong và Đông Nam Á. Số lượng kiều hối này được ước lượng tương đương với 60% của tổng đầu tư FDI, nhưng ít khi hiện rõ trên các thống kê, vì phần lớn là những chuyển ngân theo hệ thống tài chánh “ngầm” của mạng lưới bang hội Hoa Kiều khắp thế giới. Hai yếu tố làm giảm lượng tiền này: (a) lương nhân công Trung Quốc không còn rẻ nữa (sau hơn 25 năm bị chính phủ trung ương đè giá để thu ngoại tệ từ FDI và xuất khẩu) và (b) Hoa kiều cắt giảm lượng kiều hối sau khi chứng kiến các anh chị em “lục địa” giờ đã giàu hơn và thích khoe khoang.

Những bất ổn xã hội gần đây của Trung Quốc có thể là hệ quả của việc sút giảm thu nhập (DPI) của đa số người dân như đã xẩy ra ở Mỹ?

Cái khác biệt là dân Mỹ có thể đá đít những tên chính tra gia bất lực bằng lá phiếu (nên quan sát hiện tượng “throw the bastards out” trong cuộc bầu cử năm nay và 2016). Dân Trung Quốc chỉ có thể biểu tình. Dĩ nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn dư sức mạnh công an và quân đội để trấn áp; nhưng hệ quả sau cùng chỉ tăng tốc sự trì trệ kinh tế và kéo theo một DPI càng ngày càng thấp. Một vòng xoay lẩn quẩn khó chịu có thể trở thành một tác nhân lớn cho vòng xiết cổ của chế độ Cộng Sản.

Một bài nghiên khảo nào tôi đọc đã lâu (không nhớ nguồn) còn cho nguyên nhân chính của sự sụp đổ của Cộng Sản tại Nga và Đông Âu là vấn đề lợi tức; nhất là khi người dân so sánh những nghèo khó thiếu thốn của họ với bọn tư bản dư thừa bơ sữa và đồ chơi. Tự do, dân chủ hay sự tiến bộ của đất nước chỉ là những phụ phẩm để việc tranh đấu cho cái bao tử và lòng tham có thêm chính nghĩa.

&&&&&

Sau cùng lại phải nhắc đến Việt Nam (vì tôi đang viết bằng tiếng Việt). Có câu nói đùa là “những gì xẩy ra ở Las Vegas sẽ ngủ yên kín đáo tại Las Vegas”. Theo quan sát thực tế, tôi tin là những gì xẩy ra tại Trung Quốc sẽ theo chân lữ khách (hay học trò) Việt về lại Việt Nam, chỉ trong vòng một hai năm hay ngắn hơn. Do đó, khi bạn hữu hỏi tôi dự đoán gì cho tương lai Việt Nam, tôi thường khuyên họ nên theo dõi tình hình bên Trung Quốc. Chúng ta có đủ các vấn nạn mà Trung Quốc đang loay hoay như nợ xấu, cấu trúc ngân hàng, bong bóng bất động sản, tham nhũng, ô nhiễm, doanh nghiệp nhà nước, cách biệt giàu nghèo, cơ chế không thể thay đổi (vì bứt dây động rừng) song song với các tranh chấp về quyền lực để đặc lợi.

Với sự trì trệ và thua lỗ trong hệ thống kinh tế tư nhân, cùng sức tiêu dùng đang kiệt lực, chỉ số thu nhập DPI của đa số dân Việt cũng đang trên đà đi xuống. Thầy Trung Quốc chưa giải quyết được các vấn nạn của họ, thì trò Việt Nam nên thấp thỏm đợi chờ.

Sau một thời gian nằm yên dưới đáy của kinh tế toàn cầu, người Việt hờ hởi ủng hộ chính phủ khi cánh cửa mở ra và thu nhập gia tăng đột biến (như Trung Quốc vào 1980’s). Khi thu nhập ngưng lại vì những tử huyệt của cơ chế “định hướng”, các thành phần kinh tế trong xã hội bắt đầu gấu ó vì miếng bánh chia không đều (như Trung Quốc hiện nay).

Cột trụ viện trợ từ bọn giẫy chết đang lung lay vì tham nhũng, dối trá và vô hiệu quả. Cột trụ FDI không có gốc rễ sâu vì các nhà đầu tư ngoại đến Việt Nam chỉ vì nhân công rẻ cho gia công, ưu đãi phúc lợi nhiều cho cơ sở và việc lách luật thuế hay môi trường khá dễ dàng. Cột trụ kiều hối sẽ tụt giảm khi Việt kiều đọc về những câu chuyện như nhà sư mà còn phung phí với Vertu, IPhone, sushi, du lịch Thuỵ Sĩ … thì nói gì đến các thân nhân vẫn còn ham ăn nhậu, mua sắm hàng xịn…với tiền OPM.

Dĩ nhiên, như Trung Quốc, sức mạnh công an và quân đội của Đảng vẫn rất mạnh…nhưng who knows (ai mà biết được)?

Chúng ta chỉ biết một điều…It’s The Money, Stupid…

Bài viết của Alan Phan


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề