Chuyện người trở thành chính trị gia Đức từ… phở Việt

Là người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, dù hiện nay nhập cư tại nước Đức nhưng khi đã qua nửa dốc cuộc đời, ông Nguyễn Đắc Nghiệp lại mong muốn được góp sức cho quê hương. Ông được biết đến là người nhập cư duy nhất đắc cử vào nghị viện của thành phố Thale, Đức. Có nhiều cơ duyên thú vị tạo nên dấu ấn của ông, như câu chuyện để kể ngày hôm nay.

Cơ duyên đến với chính trị Đức từ… phở Việt

Ông Nguyễn Đắc Nghiệp sang Đông Đức làm công nhân lái cần cẩu vào năm 1987. Đến những năm 1989, 1990, Đông Đức chìm vào khó khăn, bất ổn. Bị mất việc, chàng thanh niên tên Nghiệp phải chuyển ra ngoài thuê nhà ở. Hàng ngày anh dậy từ lúc 3-4h sáng trong cái lạnh – 25 độ C bắt tàu hỏa đến biên giới với Ba Lan mua quần áo len cho vào túi sách mang về thành phố Thale (nơi hiện nay đang sống) bán. Như “con kiến tha lâu đầy tổ”, khi tích luỹ được một số vốn nhất định, anh đã thuê đất mở một quầy hàng khang trang. Thậm chí, 28 năm sau còn mua lại được cả công ty mà trước đây mình từng là công nhân.

Hiện nay ông trở thành Tổng giám đốc của Công ty Sapa Thale CHLB Đức. Trước đó, ông từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần GF 2000 AG tại Leipzig và là chuyên viên của hãng Bảo hiểm Đức DKV.

Cơ duyên đưa ông đến với chính trị thật sự thú vị và mang “hương vị quê nhà”. “Là phở”, ông nói. “Vợ tôi nấu phở rất ngon”. Khi các chính trị gia quen biết đến nhà ông chơi, được đãi phở Việt đã khuyến khích ông tham gia ứng cử. Từ sự tín nhiệm và ủng hộ của cộng đồng người Việt và bằng hữu, ông ứng cử vào nghị viện Thành phố Thale và đắc cử năm 2014 với số phiếu tín nhiệm cao, nhiệm kỳ 5 năm. Ông là người Việt duy nhất đắc cử, hay nói chính xác hơn thì ông là người nhập cư duy nhất đắc cử vào Nghị viện Thành phố Thale của một đất nước vốn nổi tiếng có đông dân số là người nhập cư.

“Đừng bao giờ để mất ý chí”

“Quan trọng không phải tôi có tài hay học giỏi, bí quyết của tôi là ở ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó và cả sự may mắn. Đặc biệt đừng bao giờ để mất đi ý chí vượt lên hoàn cảnh”, ông Nghiệp nói. Thực ra, vài nét chấm phá về chân dung chàng thanh niên tên Nghiệp ở trên đã hé lộ những gì ông đã thực hiện để có được thành công như ngày hôm nay. Bí quyết đơn giản chỉ là thực hành tốt những bài học kinh điển về thành công.

Bên cạnh đó, với quan niệm luôn vừa làm vừa học dù ở bất cứ độ tuổi nào, ông Nghiệp vẫn tích cực tham gia nhiều khóa học để vừa nâng cao trình độ, kiến thức, vừa không trở nên “già”. “Tôi hiện nay làm việc 14 tiếng một ngày”. Nghe chia sẻ về cường độ làm việc của một người đã U70 này, quả thực người viết không biết nên khen ngợi hay “phê bình”, chỉ nhận định một cách khâm phục trước một khả năng hơn người bình thường.

Mong muốn 2 thành phố Việt – Đức… kết nghĩa

Sang lao động, làm việc và sinh sống tại Đức, ông đặc biệt đánh giá cao hệ thống giáo dục của nước Đức. Ba người con của ông thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến này và thành đạt. “Bố mẹ các em học sinh ở Đức không có thời gian kèm cặp, chỉ bảo được nhiều cho con cái. Vì thế, phần lớn là nhờ hệ thống giáo dục ở trường. Học phổ thông ở Đức không bị áp lực quá và không bị nhồi nhét. Nhưng họ đưa ra tiêu chuẩn cao. Ngoài tiếng Đức, học sinh phổ thông còn phải thông thạo 2 ngoại ngữ khác. Sinh viên tốt nghiệp đại học cũng phải đạt các tiêu chuẩn Đức về chuyên môn và ngoại ngữ, ông Nghiệp chia sẻ.

Ông Nghiệp cũng ủng hộ việc du học ở các nước phát triển, nhưng với ông: Người Việt học xong mà được làm ở công ty lớn, trở thành nhà khoa học lớn muốn ở lại và làm việc để có thêm kiến thức, công nghệ là rất tốt. Tuy nhiên, như vậy cũng không sợ là chảy máu chất xám. Người Việt mà có tình cảm với quê hương, sau này sẽ hướng về quê hương, nghĩ về cội nguồn, vẫn có thể đóng góp được khi thành đạt. Học xong vẫn có thể về Việt Nam, vẫn có cơ hội, vẫn phát triển và được làm việc tốt ở quê nhà. Quyết định ở lại hay về nước là tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người.

Với cái tâm hướng về nguồn cội, mong muốn góp sức cho quê hương, mới đây ông Nghiệp đã khai trương một hệ thống giáo dục quốc tế ở TP Hồ Chí Minh và muốn đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong buổi trò chuyện với báo giới sáng 21/12 tại Hà Nội, ông nói điều ông muốn làm và sẽ cố thực hiện trong nhiệm kỳ của mình là kết nghĩa một thành phố nào đó của Việt Nam (ví dụ như quê hương Vĩnh Phúc của ông) với thành phố Thale của Đức.

Điều dễ nhận thấy ở ông Nghiệp là câu nói “những gì mình làm được chỉ là bé nhỏ, nhưng dù bé nhỏ cũng cố góp sức mình”.

Lan Hương (Theo Báo Gia đình và Xã hội)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề