‘Chống đỡ’ với thịt ngoại nhập

Những trang trại heo rừng, heo nuôi hữu cơ… hiện nay đầu ra tốt, bán theo đơn đặt hàng rất ổn định.

Việt Nam đã bỏ ra hơn 556 triệu USD để nhập gần 480.000 tấn thịt các loại chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, tăng hơn 150 triệu USD so với cả năm 2014.

Bình luận về con số trên, ông Đoàn Xuân Trúc – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, nói: “Thịt heo, trâu, bò, gà… nhập khẩu tăng mạnh là áp lực nhưng cũng đồng thời là thời cơ để ngành chăn nuôi trong nước thay đổi theo hướng an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý để cạnh tranh”.

Những ngày cuối năm lượng thịt ngoại vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Tại một số siêu thị, chân gà Việt Nam giá khoảng 60.000 đồng một kg trong khi chân gà Brazil chỉ 47.000 đồng. Còn tại chợ, chân gà nhập khẩu xuống mức 35.000-40.000 đồng một kg, trong khi chân gà công nghiệp Việt Nam tới 65.000 đồng.

Đùi tỏi gà nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá chưa tới 42.000 đồng một kg, trong khi đùi tỏi gà Việt Nam có giá thấp nhất cũng 55.000 đồng một kg, nếu thị trường biến động, đùi gà nội có giá lên tới 70.000-80.000 đồng một kg. Như đùi tỏi gà CP hiện có giá 82.000 đồng một kg.

Chị Hương Lan, ở quận Phú Nhuận (TP HCM) chia sẻ: “Giờ vào siêu thị, thịt ngoại đã bán rất nhiều. Thịt bò thì toàn bò Austraulia, bò Mỹ. Rồi thịt cừu, thịt trâu Ấn Độ, thậm chí có sườn non nhập từ Pháp”.

chong-do-voi-thit-ngoai-nhap

Thịt heo sạch đang là nhu cầu lớn của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia, New Zealand. Bên cạnh đó còn có trâu, bò nhập lậu với số lượng không ít nhưng chưa thống kê được. Tại cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp TPết mới đây, Cục Chăn nuôi cho hay ngoài việc nhập lậu trâu bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan còn có hiện tượng đưa bò từ Ấn Độ đi qua các nước về Việt Nam.

“Mỗi lần họ dắt từ vài chục con, đi vài tháng về đến Việt Nam rồi giao cho người dân nuôi vỗ béo, một thời gian sau đó giết mổ. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh rất dễ xảy ra” – một quan chức Cục Chăn nuôi cảnh báo.

Việt Nam đang nhập khẩu thịt gà từ hơn 20 quốc gia, chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, các nước EU. Trong đó, lượng thịt gà nhập từ Mỹ chiếm hơn 50%. Nhiều nước như Canada, Ba Lan cũng đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thịt heo, bò tại Việt Nam.

“Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thịt từ những nước có ngành chăn nuôi hiện đại như Mỹ, Australia, Canada có thế mạnh với giá thành sản xuất thấp sẽ đổ bộ vào nước ta nhiều hơn do thuế giảm” – ông Đoàn Xuân Trúc nhận định.

Theo ông Phạm Đức Bình, Công ty Cổ phần Thanh Bình, việc nhập thịt ngoại là bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và do giá cả hợp lý nên nhiều người chọn mua thịt ngoại là tất yếu”.

Tuy vậy, với thịt gà, ông Bình cũng thừa nhận hiện nay gà công nghiệp trong nước đang “chờ chết” vì không cạnh tranh nổi với gà cùng loại nhập từ Mỹ với giá chỉ khoảng 15-16.000 đồng một kg, người nuôi lỗ nặng. Ông Bình khuyến cáo nên chuyển sang… nhập gà công nghiệp chứ không nên nuôi giống gà này và chỉ tập trung nuôi gà ta, gà thả vườn.

Ông Bình nói thêm: “Nuôi heo đang có lãi vì có thị trường đầu ra là Trung Quốc. Song tới đây lượng thịt heo nhập từ các nước TPP sẽ tăng mạnh, do đó nếu không thay đổi, người nuôi heo trong nước cũng sẽ hết đất sống. Cụ thể là phải làm sao giảm giá thành sản xuất heo xuống dưới 35.000 đồng một kg heo hơi thì mới có lợi nhuận, cạnh tranh lại, còn ở trên mức đó thì chỉ có chết”.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Phạm Đức Bình nhìn nhận khi hội nhập thì thịt ngoại nhập khẩu vào ngày càng nhiều là điều bình thường. Nhưng các cơ quan chức năng cần phải công khai, minh bạch số liệu nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ nhập phải rõ ràng. Bên cạnh đó phải có hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập khẩu.

Theo ông Bình, hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài như thủy sản, người tiêu dùng nước họ có thể kiểm tra được ao nuôi, nhà máy chế biến, xuất khẩu và phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn, chỉ cần một ít dư lượng rất nhỏ là bị trả về. Vậy Việt Nam cũng có thể làm ngược lại đối với hàng nhập khẩu, nhất là mặt hàng thịt”, ông Bình nêu quan điểm.

Với góc nhìn tương tự, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng áp lực thịt ngoại sẽ tạo động lực đối với các ngành chăn nuôi trong nước phải đầu tư xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ đầu tư giống, trang trại, nhà máy giết mổ đến hệ thống phân phối. Còn đối với người nông dân, quy mô nhỏ, nuôi thủ công thì cần hình thành các hợp tác xã, hợp tác liên kết với các công ty tiêu thụ sản phẩm.

“Người nông dân không nên chạy theo nuôi công nghiệp vì không bao giờ đủ sức để cạnh tranh. Nên phát triển chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, sạch. Những trang trại heo rừng, heo nuôi hữu cơ không cho ăn cám công nghiệp hiện nay đầu ra rất tốt, bán theo đơn đặt hàng rất ổn định” – ông Chinh nói.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay dịp tết sắp tới hiệp hội tập hợp những trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP bán hàng tại bảy điểm ở các chợ và cửa hàng tại thành phố Biên Hòa và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai. Tại các chợ, chúng tôi sẽ ký cam kết với một số tiểu thương bán thịt VietGAP, có bảng hiệu để người tiêu dùng nhận biết, có thể truy xuất nguồn gốc và cơ quan thú y sẽ kiểm tra thường xuyên.

Còn ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho hay hiện nay số lượng thịt VietGAP bán tại Vissan đã chiếm 40% tổng sản lượng. Những điểm nào bán thịt VietGAP thì không bán thịt thường và ngược lại, tránh tình trạng lẫn lộn gây mất uy tín với người tiêu dùng. Dù giá heo hơi VietGAP mà công ty mua vào cao hơn heo thường 500 đồng một kg, tuy nhiên bán đến người tiêu dùng vẫn bằng giá heo thường.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, nước ta nhập gần 348.000 con trâu, bò sống với kim ngạch 363 triệu USD, tăng 72% về số lượng, 101% về kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ.

Theo Pháp luât TP HCM


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề