Chỉ là khác thời điểm

Giữa Myanmar và Trung Quốc có đến 2.400km đường biên giới chung. Năm 2009, các tướng lĩnh Myanmar cầm quyền còn thân với Trung Quốc và được hậu thuẫn. Giờ thì tình hình đã khác…

Cộng hòa liên bang Myanmar, đúng với tên gọi của mình, là một liên bang gồm 135 dân tộc và bộ tộc, đông nhất là người Miến Điện (Burma) chiếm 68%, người Shan chiếm 9%, người Karen chiếm 7%, người Rakhine chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%…

Đến thế kỷ 19, các nhóm dân tộc này sống riêng rẽ, sau đó bị người Anh đô hộ và biến thành một tỉnh của Anh đến tận năm 1937.

Đến năm 1948, Miến Điện (tên lúc đó) trở thành một quốc gia độc lập. Kết thúc chế độ thực dân, song chính sách “chia để trị” trước kia của nhà cầm quyền Anh lại tồn đọng khi giữa các dân tộc chính ở Myanmar thiếu sự gắn kết đủ để thật sự trở thành một quốc gia – dân tộc, nên vẫn còn trong sự phân hóa sắc tộc cùng phân hóa tôn giáo.

Sự không gắn kết này đã thể hiện qua thỏa hiệp Panglong ngày 12-2-1947 giữa tướng Aung San – “cha đẻ” của Miến Điện độc lập – với đại diện các dân tộc Shan, Chin và Kachin.

Theo đó, bang Kachin sẽ là một bang độc lập và các bang kia là những cương thổ, tự chủ hoàn toàn về mặt hành chính. Nhưng thực tế sau đó, với chế độ quân nhân kéo dài cho đến cuộc bầu cử quốc hội năm 2012, thỏa thuận trên đã không được thực thi.

Đến năm 2013, Chính phủ Myanmar mới tạm thời thỏa thuận hòa bình với 10/11 nhóm vũ trang sắc tộc. Nhóm từ chối chính là nhóm người gốc Hoa ở đặc khu Kokang trong bang Shan với tên gọi “Quân đội liên minh dân chủ dân tộc Myanmar” (MNDAA).

Vào tháng 8-2009 từng xảy ra giao chiến khi quân chính phủ tấn công quân MNDAA, khiến khoảng 30.000 dân Kokang di cư qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lần đó Bắc Kinh chỉ yêu cầu Myanmar tự xử lý ổn thỏa các vấn đề nội bộ, giữ ổn định tại biên giới hai nước và bảo vệ công dân Trung Quốc tại đấy.

Sau sáu năm tạm lắng, cuộc đụng độ năm 2015 đã tái phát với việc quân ly khai gốc Hoa tấn công các tiền đồn quân chính phủ hôm 9-2, sang hôm sau thì nổ lớn cho tới nay, khiến 30.000-50.000 người di tản sang Vân Nam.

Lần này khác năm 2009, chiến sự bùng nổ là do quân ly khai người Hoa chủ động khai màn. Chính vì thế Bộ trưởng thông tin Myanmar U Ye Htut lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh chế ngự bất cứ viên chức địa phương nào có thể đang giúp đỡ phe Kokang từ bên kia biên giới (AFP, 16-3-2015).

Tuyên bố này được đưa ra sau khi phía Trung Quốc loan tin một quả bom đã được không quân Myanmar thả xuống lãnh thổ Trung Quốc, điều mà phía Myanmar phủ nhận.

Các cáo buộc và trả lời qua lại này cho thấy tình hình đã ra khỏi khuôn khổ của một cuộc đụng độ giữa các bên ở Myanmar. Đúng theo các kết luận mà giáo sư Erika Forsberg của Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã rút ra trong nghiên cứu về “sự phân cực xã hội và xung đột sắc tộc” ở một số nước trong thời gian qua:

1/ Các nhóm sắc tộc và các cuộc xung đột sắc tộc thường có những hậu quả vượt quá biên giới nước đó.

2/ Khi một nhóm tham gia cuộc xung đột sắc tộc có quan hệ họ hàng với một nhóm người trong một nước láng giềng, nhóm này càng có khả năng được truyền cảm hứng để thách thức chính phủ và kết thúc bằng xung đột sắc tộc.

Quả thật, giữa Myanmar và Trung Quốc có đến 2.400km đường biên giới chung và người Hoa ở Kokang có quan hệ máu mủ với người Hoa bên kia biên giới.

Năm 2009, các tướng lĩnh Myanmar cầm quyền còn thân với Trung Quốc và được hậu thuẫn. Giờ thì tình hình đã khác. Nên đích thân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới sớm lên tiếng cứng rắn ngay hôm 15-3.


 

Myanmar hứa hợp tác điều tra

Theo Reuters, ngày 16-3 Myanmar đã bày tỏ “hết sức đau buồn” trước cái chết của năm người ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Vân Nam mà Myanmar bị cáo buộc gây ra, đồng thời khẳng định đang hợp tác với phía Bắc Kinh để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Tờ Global New Light (Myanmar) dẫn một tuyên bố của chính phủ nhấn mạnh các bộ ngoại giao và quốc phòng hai nước đang trực tiếp liên lạc để mở một cuộc điều tra toàn diện, làm rõ xem liệu nhóm nổi dậy Kokang có dính líu tới vụ việc này hay không, vốn làm ảnh hưởng tiêu cực tới tình hữu nghị Myanmar – Trung Quốc cũng như gây bất ổn dọc đường biên giới giữa hai nước.

Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề