“Cảnh giác với những âm mưu tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông”

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng, cần cảnh giác cao độ với những âm mưu, hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, trong thời gian tới…

Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giới phân tích có chung nhận định, đây là âm mưu cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc, cần đề cao cảnh giác…

Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 24/6, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.

PV: Trung Quốc đã, đang tiến hành bồi lấp các bãi ngầm, cải tạo đá thành các đảo, chiếm đóng (trái phép) nhiều vị trí tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của những hoạt động (phi pháp) này?

Ông Dương Danh Dy: Trung Quốc ngang nhiên bồi lấp các bãi ngầm, cải tạo đá thành các đảo tại nhiều vị trí thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam là hành động đi ngược lại những quy định của Luật pháp Quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc chiếm, mở rộng các hoạt động phi pháp tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, tháng 3/1988 tàu chiến Trung Quốc, chiếm đảo Gạc Ma và 6 bãi cạn thuộc chủ quyền của Việt Nam….

Hiện nay, việc Trung Quốc đẩy nhanh cải tạo các đảo tại các điểm chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy rõ ràng hơn âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm bởi nó làm thay đổi hiện trạng các bãi đá đã chiếm; làm gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các quốc gia có lợi ích chung trên Biển Đông, đã được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Sau việc làm này, rất có thể bước tiếp theo của họ sẽ là thiết lập vùng nhận dạng phòng không; gây mất ổn định, an ninh an toàn hàng hải; đe dọa đến ổn định toàn bộ khu vực và thế giới.

Đây là cơ sở để Trung Quốc làm bàn đạp, mở rộng (phi pháp), mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Mới đây Trung Quốc đã tuyên bố “sắp cải tạo xong các bãi đá ở Biển Đông…”. Vậy thực chất của tuyên bố đó là gì, thưa ông?

Ông Dương Danh Dy: Việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo bất hợp pháp một số quần đảo tại Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy mức độ nguy hại của những âm mưu và hành động này.

Tuyên bố “sắp cải tạo xong…” là cái cách Trung Quốc đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, dẫn dắt họ đến suy nghĩ sai lầm rằng, Bắc Kinh đang xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng về vấn đề Biển Đông, trong lúc Biển Đông đang trở thành vấn đề nóng hiện nay.

Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhiều nhà phân tích cho rằng, tuyên bố trên là cách Trung Quốc “bẫy” các bên liên quan mặc nhiên thừa nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi lấp trái phép trước đó.

Trong khi đó Trung Quốc vừa đạt được mục đích bồi lấp thành công đảo nhân tạo, vừa ung dung bắt đầu bắt tay vào hoạt động cài đặt vũ khí, trang bị, quân sự hóa các đảo nhân tạo thành pháo đài cực kỳ nguy hiểm ở Biển Đông.

Đây là âm mưu hết sức thâm độc và cực kỳ nguy hiểm.

Mỹ với chiến lược xoay trục sang châu Á, đã có những tuyên bố đi kèm hành động đáp trả những luận điệu, hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp tại khu vực này?

Ông Dương Danh Dy: Trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì ổn định an ninh, hòa bình trên biển.

Việc Mỹ quay trở lại biển Đông tại thời điểm Trung Quốc đang thực hiện ý đồ bành trướng ở Biển Đông là điều hoàn toàn có lợi cho chúng ta.

Bởi theo phân tích của nhiều học giả, lợi ích của Mỹ là

“Nếu Hoa Kỳ không hành động, Trung Quốc sẽ ra tay ở Biển Đông”

đảm bảo hòa bình và ổn định, tự do hàng không, hàng hải, hoạt động quân sự và các vùng đặc quyền kinh tế. Do vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc nếu những hành động của Bắc Kinh đe dọa lợi ích của họ…

Mặt khác, việc Mỹ can thiệp vào biển Đông sẽ khiến Trung Quốc dè chừng trong việc thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Ngoài những lợi ích liên quan, về lâu dài, Mỹ muốn duy trì trật tự thế giới như trong thời điểm hiện tại. Do vậy, nếu kiềm chế được Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ dập tắt tham vọng xoán ngôi Mỹ, trở thành siêu cường quốc tế của Trung Quốc trong tương lai không xa.

Theo ông liệu có khả năng xảy ra một cuộc xung đột cục bộ giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông?

Ông Dương Danh Dy: Từ các phân tích trên có thể thấy, khó có khả năng xảy ra xung đột trên biển Đông.

Các cường quốc cũng thừa hiểu nếu xảy ra xung đột thì

Họ sẽ được gì và mất gì? Cá nhân tôi cho rằng, trong cuộc chiến (nếu có) đó họ sẽ mất nhiều hơn là được.

Mặt khác Biển Đông chưa hẳn là vấn đề cốt lõi trong chính sách của Mỹ.

Bởi vậy, không ai dại gì mà gây chiến tranh trong lúc này. Các nước có liên quan thừa biết phải làm gì để kiềm chế xung đột.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trí Lê (Theo Giáo dục)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề